425 Khuyen Luong pagoda
Chùa Khuyến Lương (Diên Phúc Tự)
q.Hoàng MaiLê trung hưngsông HồngChùa Khuyến Lương có ít nhất từ đầu thế kỷ XVIII. Tên chữ: Diên Phúc Tự. Vị trí: XVFJ+88, tổ 10, P. Trần Phú, Q. Hoàng Mai, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 8,7km (hướng 5h). Trạm bus lân cận: Chùa Khuyến Lương trên vành đai 3 (xe 04, 48).
Địa lý
Thôn Khuyến Lương tên Nôm là Kẻ Mui hay Mui Chợ, để phân biệt với Mui Chùa là thôn Yên Duyên (nay thuộc phường Yên Sở). Cuối thời Trần, Kẻ Mui từng nằm trong địa phận thái ấp của danh tướng Trần Khát Chân (?-1399), nơi có trồng rất nhiều cây mơ. Đây cũng là nơi dân làng về cuối thời Lê đã lập đền thờ Nguyễn Trãi và miếu thờ Nguyễn Thị Lộ.
Cho tới đời Gia Long, Khuyến Lương là một xã thuộc tổng Thanh Trì, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Năm 1831 xã này thuộc tỉnh Hà Nội mới lập, năm 1902 thuộc tỉnh Cầu Đơ (năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông). Năm 1945 Khuyến Lương thuộc khu Mê Linh; năm 1954 thuộc xã Trần Phú, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Đến tháng 5-1961, huyện Thanh Trì thuộc về ngoại thành Hà Nội; từ tháng 11-2003 thuộc phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, nội thành Hà Nội.
- Cổng trong chùa Khuyến Lương. Photo NCCong ©2018
Lược sử
Từ phố Lĩnh Nam đi đến đường vành đai 3 rồi rẽ phải đi tiếp đến gần khu biệt thự Gamuda du khách sẽ nhìn thấy ngôi chùa Khuyến Lương khá đồ sộ mới được xây lại vào cuối thập kỷ 2010. Hiện tại trong chùa có trụ sở của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo quận Hoàng Mai.
Chùa Khuyến Lương tương truyền khởi lập từ thời Lý. Tư liệu còn lại cho biết chùa có tên chữ Diên Phúc Tự và được tôn tạo vào giữa thời Lê Trung hưng. Trên cây hương đá trước chùa đã ghi việc dân làng xây thêm gác chuông và dựng thạch trụ này vào năm 1730. Năm 1946 chùa bị phá gần hết, đến năm 1952 mới được xây lại nhưng cũng xuống cấp nhanh trong thời gian chiến tranh chống Mỹ.
- Tiền đường chùa Khuyến Lương. Photo NCCong ©2018
Kiến trúc
Chùa Khuyến Lương vốn nằm ngoài đồng trước khi xây đường vành đai. Tam quan cũ hiện nay được dùng như cổng hậu. Bên trái cổng này có tượng Quan Âm và tấm biển chỉ đường vào một con ngõ rộng giữa hai hàng cọ. Tam quan ngoại mới xây nằm ở cuối ngõ, từ đó đi tiếp một đoạn ngắn nữa mới đến cổng tam quan nội hoành tráng với ba cửa xây cuốn vòm, trên gác có tượng Quan Âm và chuông, khánh ở hai bên.
Sân tiền đường khá rộng dẫn đến thềm rồng của tòa tam bảo đồ sộ mới xây năm 2017. Tiền đường hai tầng bốn mái, gồm 5 gian cửa bức bàn, kết nối với hậu cung theo hình chuôi vồ. Thượng điện gồm 4 gian, cũng 2 tầng 4 mái. Phía sau là 2 nếp nhà thờ Mẫu và thờ Tổ gồm 9 gian. Bên trái sân trước là vườn cây rất lớn và bên phải có tượng đài Phật A di đà ở giữa một ao tròn, xung quanh ao bày các tượng La hán. Bên phải tam bảo là hai khu mộ Tổ, mỗi khu có ba ngọn tháp ba tầng.
- Vườn tháp chùa Khuyến Lương. Photo NCCong ©2018
Di vật
Sau khi dựng cây hương đá mang niên đại Vĩnh Khánh thứ hai (1730), nhà chùa đã đúc chuông và khánh đồng vào năm Cảnh Hưng thứ tám (1747) nhưng quả chuông này về sau lại bị tướng Nguyễn Hữu Chỉnh ra lệnh tịch thu như nguyên liệu để làm vũ khí. Đến năm Minh Mạng thứ hai (1821), nhà chùa cho đúc quả chuông mới “Diên Khánh Tự Chung”, 15 năm sau lại đúc thêm một chiếc khánh lớn ở nhà Mẫu. Ngoài ra còn một tấm bia ghi việc trùng tu chùa vào năm Bảo Đại thứ 10 (1935).
Di vật khác bên trong chùa gồm có 7 bức cửa võng, 6 bức y môn, 5 bức hoành phi, 9 câu đối, 1 tấm bia đá dựng năm 1839 và 32 pho tượng Phật giáo. Những pho tượng trên được sắp đặt theo hệ phái Bắc tông và tạo tác vào thế kỷ XVIII—XIX, mang đậm phong cách nghệ thuật cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. Những pho tượng bên ngoài vườn đều mới được làm gần đây.
- Cổng cũ chùa Khuyến Lương. Photo ©NCCong 2014
Di tích lân cận
- Chùa Nam Dư Hạ: XVHM+4H phố Tây Trà, phường Trần Phú.
- Chùa Cổ Linh: XVJP+H6, ngõ 29 Nam Dư, P. Lĩnh Nam.
- Chùa Nam Dư Thượng: XVMJ+88 ngõ 419 Lĩnh Nam, P. Lĩnh Nam.
- Đình Nam Dư Hạ: XVHQ+92, số 415 phố Nam Dư, P. Trần Phú.
- Đình Khuyến Lương: XV9J+PW, ngõ 88 Khuyến Lương, P. Trần Phú.
- Đình Trung Lập: XVJM+CP ngõ 538 Lĩnh Nam, P. Lĩnh Nam.
©NCCong 2018, Khuyen Luong pagoda