43 Museum of Vietnam Military History

Bảo tàng LS Quân sự Việt Nam

q.Ba Đìnhquân sự

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam gồm cả Kỳ đài Hà Nội ở phía nam thành cổ. Vị trí: 2RJR+R3, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 1 km (hướng 11 h). Trạm bus lân cận: Cột Cờ Hà Nội, hoặc CV Lê Nin - Trần Phú.

Giới thiệu

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong 07 bảo tàng quốc gia có số lượng hiện vật và số lượng khách tham quan đông nhất. Tham khảo thông tin cập nhật trên trang web của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ở đây.

Ngày 17-7-1956, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam thành lập Ban Xây dựng Viện Bảo tàng Quân đội trực thuộc Cục Tuyên huấn. Bảo tàng được khánh thành vào dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1959). Ngày 4-12-2002, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 1155/QĐ-TTg đổi tên Viện Bảo tàng Quân đội thành Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Bảo tàng tọa lạc tại số 28A đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình. Cổng vào ở bên cạnh chân Cột Cờ Hà Nội và đối diện tượng đài Lê-nin. Đứng bên ngoài bảo tàng, từ trên vỉa hè của hai con đường Nguyễn Tri Phương và Điện Biên Phủ cũng nhìn thấy nhiều loại vũ khí lớn được trưng bày ngoài trời.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN nhìn từ Kỳ Đài

Trụ sở của Bảo tàng vốn là khu trại lính thông tin của Quân đội Pháp, gồm 2 dãy nhà 2 tầng với 28 gian, diện tích 2.765m2 và được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20. Bên cạnh những nhà này là khu vực ngoài trời với 200 hiện vật gốc có hình khối lớn trưng bày trên diện tích rộng 5.000 m2, giới thiệu những vũ khí lập công của quân và dân ta trong lịch sử chống ngoại xâm và những vũ khí trang bị hiện đại thu được của địch.

Trong khuôn viên Bảo tàng còn có di tích Cột cờ (Kỳ đài) được xây vào đầu thế kỷ 19 ở vị trí phía nam của thành cổ Hà Nội, cách cổng Đoan Môn chừng 300m. Đây là một kiến trúc điển hình của thời Nguyễn, năm 1990 đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia cùng với tòa thành xây theo kiểu pháo đài quân sự Vauban.

Du khách có thể đến đây bằng nhiều tuyến xe bus công cộng, điểm dừng gần nhất là ngay trên đường Điện Biên Phủ (xe 9, 18, 41, 45), hoặc bên kia vườn hoa trên phố Trần Phú (xe 02, 23, 32, 34).

Kỳ đài Bảo tàng LSQSVN ©NCCong 2016

Bảo tàng mở cửa trong tuần trừ ngày thứ hai và thứ sáu:

  • Sáng: từ 8h00 đến 11h30
  • Chiều: từ 13h00 đến 16h30.

Tham quan

Bảo tàng hiện đang trưng bày và lưu giữ gần 16 vạn hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý, đặc biệt là 4 bảo vật quốc gia: Máy bay MiG21 số hiệu 5121 và xe tăng T54B số hiệu 843, Bản đồ quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh, Máy bay MiG21 số hiệu 4324. Riêng hệ thống trưng bày nội thất của Bảo tàng gồm 4.000 hiện vật, tài liệu, hình ảnh trên diện tích rộng 3.200 m2.

Trong tầng một của tòa nhà chính có 3 gian phòng lớn: Phòng đầu tiên nói về quân đội từ thời kỳ các vua Hùng đến khi Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào năm 938. Phòng trung tâm có tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các hình ảnh trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1858—1945). Phòng ở cuối nói về các cuộc chiến đấu từ nhà Lý đến nhà Nguyễn. Bên cạnh tòa nhà này là khu trưng bày ngoài trời.

Máy bay Mig-21 trong Bảo tàng LSQSVN ©NCCong 2016

Ở phòng thứ nhất, những hiện vật chủ yếu bao gồm:

  • Dao, kiếm ở thời Đồ Đá, trống đồng loại Heger 3.
  • Các cuộc khởi nghĩa chủ yếu trong thời kỳ Bắc Thuộc.
  • Tượng Ngô Quyền.
  • Lược đồ trận chiến trên sông Bạch Đằng.

Tại phòng trung tâm, người tới thăm được dẫn dắt bởi lối "theo dòng lịch sử". Đầu tiên khách có thể theo dõi và cảm nhận được sự trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam từ những đội Xích vệ (tự vệ đỏ) của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, tới khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ rồi đến cuộc kháng chiến chống Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ, và cuộc kháng chiến chống Mỹ với kết thúc là chiến dịch Hồ Chí Minh vào mùa xuân năm 1975.

Rất nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử được trưng bày tại đây, có thể kể đến như: chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ; máy bay MiG-19, MiG-21 và tên lửa Sam 2 và Sam 3 trong chiến dịch chống Mỹ, những chiếc chông tre bình dị mà hữu dụng cho tới chiếc xe tăng của binh đoàn cơ giới tiến vào Sài Gòn ngày 30-4-1975, đặc biệt là chiếc xe tăng đã tiến vào Dinh Độc Lập được đặt ở chính giữa gian phòng.

Xe thồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Tại phòng cuối, có những hiện vật chủ yếu sau đây:

  • Lược đồ trận đánh trên sông Như Nguyệt chống quân Tống lần 2.
  • Ba cọc chông từ sông Bạch Đằng được sử dụng trong trong cuộc chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ 3 do Trần Hưng Đạo lãnh đạo.
  • Tranh vẽ trận chiến chống quân Nguyên—Mông lần thứ 3.
  • Mô hình pháo dùng trong chiến tranh Trịnh—Mạc.
  • Tranh vua Quang Trung đại phá 29 vạn quân nhà Thanh.
  • Mô hình pháo trong thế kỷ XVI—XVIII được tìm thấy tại bến Hàm Rồng.

Di tích lân cận

43 Bảo tàng LSQSVN ©NCCông 2011-2016