439 Ha Noi Opera theatre
Nhà hát Lớn Hà Nội
q.Hoàn Kiếmnhà hátcận đạiNhà hát lớn Hà Nội xây xong năm 1911, phỏng theo Opéra Garnier ở Paris. Vị trí: số 1A phố Tràng Tiền, P. Tràng Tiền, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 2,1km (hướng 3h). Trạm bus lân cận: 1 Tràng Tiền (xe 34), Vườn hoa Bác Cổ (03, 03b, 24, 42, 43, 55), KS Hilton Opera (02, 18, 23), đầu phố Phan Chu Trinh (02, 04, 11, 34, 40, 49).
Lược sử
Người Pháp mất 10 năm (1901-1911) để xây Nhà hát Lớn Hà Nội. Kiểu mẫu là Opéra Garnier ở Paris nhưng nhỏ hơn với 870 ghế và có sử dụng các vật liệu phù hợp khí hậu nhiệt đới. Thời nhà Lê, nơi đó còn là đầm bãi ven sông Hồng, trên đất của hai làng Thạch Tần, Tây Long, giáp làng Cựu Lâu, thuộc tổng Phúc Lân (Hữu Túc), huyện Thọ Xương. Đến năm 1808, nhà Nguyễn mới san lấp để xây một tràng đúc tiền, vì thế sau này có tên phố Tràng Tiền.
- Mặt tiền Nhà hát Lớn Hà Nội. Photo ©NCCong 2020
Nhà hát Lớn ngay từ đầu đã là một trong những nơi diễn ra thường xuyên các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, chính trị. Đây cũng từng là nơi Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhóm họp và thông qua Hiến pháp năm 1946 cũng như danh sách chính phủ Liên hiệp Kháng chiến do Hồ Chí Minh đứng đầu.
Sau đợt đại trùng tu năm 1995-1997 để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ tại Hà Nội, công trình đã lấy lại được vẻ đẹp xưa, nhờ sự giúp đỡ của CH Pháp và sự tham gia của hàng trăm người dưới sự giám sát của KTS Hồ Thiệu Trị.
- Mặt bên Nhà hát Lớn Hà Nội. Photo ©NCCong 2020
Ngày nay, Nhà hát Lớn được coi như "ngôi đền" của các môn nghệ thuật cổ điển với khoảng 400 buổi biểu diễn mỗi năm và một công trình kiến trúc minh chứng cho sự giao thoa thành công của hai nền văn hóa Đông - Tây.
- Khán giả xem biểu diễn trong Nhà hát Lớn Hà Nội. Photo ©NCCong 2014
Kiến trúc
Tác phẩm của hai kiến trúc sư người Pháp Harlay và Broyer mang nhiều màu sắc, đường nét kiến trúc của các nhà hát ở miền Nam nước Pháp, có cách tổ chức mặt bằng, không gian biểu diễn, cầu thang, lối vào sảnh... giống với các nhà hát ở châu Âu đầu thế kỷ 20. Mặc dù là một công trình kiến trúc mang tính chiết trung, được pha trộn nhiều phong cách, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn mang đậm dáng vẻ Tân cổ điển Pháp, đặc biệt ở kết cấu kiến trúc, kiểu mái hai mảng lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí bên trong.
Mặt bằng Nhà hát Lớn Hà Nội được chia thành ba phần tương đối rõ rệt. Không gian đầu tiên ngay lối vào là chính sảnh với một cầu thang hình chữ T bằng đá dẫn lên tầng hai. Đây là nơi đầu tiên đón khách tới nhà hát, gạch lát nền sử dụng loại đá vân thạch kết hợp với những họa tiết trang trí theo tinh thần cổ điển, đem lại cảm giác sang trọng. Hệ thống đèn chùm nhỏ treo trên tường được mạ đồng theo lối cổ, còn đèn chùm phía trên cao được mạ một lớp vàng bằng công nghệ hiện đại.
- Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Photo ©NCCong 2014
Phòng gương (nằm trên tầng 2 gồm 1 phòng chính và 2 phòng nhỏ hai đầu) là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng, lễ ký kết các văn kiện của Chính phủ hay đón tiếp các nhân vật cao cấp. Căn phòng này còn dành cho các chương trình nghệ thuật thính phòng, các cuộc họp báo hay những hội nghị mang tính chất nhỏ. Sàn phòng gương được phục chế theo kỹ thuật Mozaic với đá mang đến từ Ý. Trên tường, xen giữa các cửa đi mở rộng là những tấm gương lớn. Các đèn treo, đèn chùm pha lê cùng bàn ghế mang phong cách cổ điển Pháp.
Tham quan
Nhà hát Lớn Hà Nội nằm tại Quảng trường Cách mạng tháng 8 ngay trên phố Tràng Tiền gần Hồ Hoàn Kiếm, cho nên bạn rất dễ dàng tìm thấy toà nhà bề thế này. Hiện nay không có dịch vụ cho tham quan nhà hát. Du khách chỉ có thể vào trong đó sau khi mua vé dự khán một chương trình biểu diễn được tổ chức tại đây.
Di tích lân cận
- Bảo tàng Lịch sử Việt Nam: số 1 phố Tràng Tiền.
- Khách sạn Metropole Hà Nội: số 15 phố Ngô Quyền.
- Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam: số 49 phố Lý Thái Tổ.
- Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội: số 24 phố Tràng Tiền.
- Trường Đại học Dược Hà Nội: số 13-15 phố Lê Thánh Tông.
- Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm: số 8 phố Hai Bà Trưng.
©NCCông 2017-2020, Ha Noi Opera theatre