462 Ha Thai community hall
Đình Hạ Thái
h.Thường TínLê trung hưngsông Tô LịchĐình Hạ Thái có từ thời Lê Trung hưng. Thờ thành hoàng: Bà Đinh Thị Trạch và tướng Bùi Sĩ Lương. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2017). Vị trí: WV29+FM, xã Duyên Thái, H. Thường Tín, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 18km (hướng 6h). Trạm bus lân cận: Cầu Quán Gánh - QL1A (xe 06, 62, 94, 101).
Du khách đi bus từ trung tâm Hà Nội về hướng nam theo quốc lộ QL1A, xuống xe ở Cầu Quán Gánh rồi rẽ trái vào con đường chạy dọc theo sông Tô Lịch chừng 800m, đến đình Duyên Trường thì rẽ phải rồi chui qua hầm đường cao tốc đi tiếp khoảng 400m lại rẽ trái chỗ miếu Ba Tư sẽ thấy cổng làng Hạ Thái.
Lược sử
Đình Hạ Thái thờ hai vị thành hoàng làng. Vị thứ nhất là Bùi Sĩ Lương, một võ quan thời Lê. Ông sinh ngày 10 tháng Ba năm Giáp Thìn (1544), lớn lên văn võ song toàn, làm đến chức Điện Tiền Chỉ Huy Sứ. Khi nhà Mạc cướp ngôi, ông đã lập nhiều công trạng phò vua khôi phục nhà Lê. Nhân đi qua đây thấy địa thế tốt đẹp, ông liền cho xây dựng ấp trại và giúp dân lập nghiệp. Ông mất vào ngày 10 tháng 5 Đinh Dậu (1597) và được dân làng tôn làm thành hoàng.
- Giếng đình Hạ Thái. Ảnh NCCong ©2018
Thần phả còn lưu trong đình Hạ Thái ghi rằng thủa xưa vùng này dân cư thưa thớt, trong rừng có con hổ thành tinh thường đến bắt người và gia súc để ăn thịt. Dân làng không chống được nên đành hẹn cống nạp cho hổ mỗi năm một người vào ngày 10 tháng Một âm lịch.
Trong làng có bà Đinh Thị Trạch, còn gọi là bà Lạy, đã già, không có chồng con. Thương dân, bà làm lễ khấn trời đất, xin tự nộp mạng cho hổ với tâm nguyện là cái hạn đó từ nay sẽ chấm dứt. Đúng hẹn, hổ đến tha bà đi mất nhưng từ đó không còn về quấy phá nữa. Dân xây miếu thờ, sau tôn tạo thành đình, rước bà làm thành hoàng làng và hàng năm tổ chức lễ hội vào ngày bà mất để tưởng nhớ.
- Cổng đình Hạ Thái. Ảnh NCCong ©2018
Kiến trúc
Đình làng Hạ Thái đã trải qua nhiều đợt trùng tu, lần cuối vào năm 2010. Ngày nay trong khuôn viên khá chật chội chỉ còn lại vài cây cau và 2 cây đại cổ thụ. Đình xoay về hướng Nam, nhìn qua sân nhỏ ra một giếng tròn to thả bèo ong rồi tới một thuỷ đình hai tầng 8 mái 4 cột xây trên ao sen hình vuông. Cổng đình gồm 2 trụ biểu với các câu đối chữ Hán và cặp voi đá quỳ chầu. Hai bên sân có hai cổng phụ nhỏ hơn và mở ra đường làng, cũng xây theo kiểu 2 trụ biểu.
Thềm gạch gồm 3 bậc dẫn lên tòa tiền tế rộng 5 gian 2 dĩ, cửa gỗ bức bàn, hàng hiên hẹp không có cột, những mảng chạm gỗ và kiến trúc truyền thống khác mới tạo tác trông không thật nổi bật. Tòa đại đình có mặt bằng hình chữ “Công”, hai hành lang ngắn nối với hậu cung cũng nhỏ hẹp. Mái đình lợp ngói ta, trên bờ nóc có đắp hình lưỡng long triều nguyệt.
- Thuỷ đình Hạ Thái. Ảnh ©NCCong 2018
Di sản
Bên trong đình là những gian thờ với đồ tế khí, hoành phi, câu đối mang phong cách nghệ thuật cuối thời Nguyễn.
Lễ hội đình Hạ Thái được tổ chức trong ba ngày, từ ngày 9 đến 11 tháng Một âm lịch hàng năm, thu hút rất nhiều nhân dân và du khách thập phương tham dự. Làng này ngoài nghề nông còn nổi tiếng với nghề sơn mài có lịch sử hơn 200 năm. Bên cạnh sơn mài, gần đây một số gia đình đã học theo dân làng Duyên Trường làm hàng mã.
Năm 2017 đình Hạ Thái đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng tại quyết định số 824/QĐ- BVHTTDL là Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia.
- Trong đình Hạ Thái. Ảnh ©NCCong 2018
Di tích lân cận
- Chùa Hưng Long (Minh Long Tự): thôn Đông Phù, xã Đông Mỹ.
- Chùa Thọ Am (Bất Nhiễm Tự): thôn Thọ Am, xã Liên Ninh.
- Chùa Yên Phú: thôn Yên Phú, xã Liên Ninh.
- Đền Nội Am: thôn Nội Am, xã Liên Ninh.
- Đình, miếu làng Thọ Am: thôn Thọ Am, xã Liên Ninh.
- Đình Văn Giáp: thôn Văn Giáp, xã Văn Bình.
©NCCông 2017-2019, Ha Thai community hall