463 Van Uyen village
LÀNG VĂN UYÊN
h.Thanh Trìsông HồngNhân dịp sinh nhật tôi nhận được hai món quà đặc biệt đúng lúc. Đặc biệt nữa vì đó là hai đôi giầy thể thao vừa nhẹ vừa mềm, một đôi rất ấm chuyên dùng mùa đông và một đôi rất thoáng phù hợp mùa hè. Đặc biệt nhất vì chúng đều khít khìn khịt như đôi giầy tôi vừa đặt làm để chuẩn bị mùa cưới.
Diện giày mới, tôi tiếp tục lang thang và đã thu được hàng nghìn bức ảnh ghi lại thời gian với đôi chân nguyên vẹn sau hàng trăm dặm đường đi bộ. Một lần nữa xin cảm ơn người bạn từ thuở mẫu giáo và cảm ơn anh bạn trẻ đang băn khoăn với thời cuộc mà tôi mới quen.
Chiều qua nhìn trời vẫn còn nắng, tôi vội lên đường. Tìm được ghế ngồi trong xe bus rồi mở túi đồ nghề ra thấy không thiếu gì, tôi vui vẻ ngắm hàng cây vun vút lùi lại với hè phố bụi bặm. Bụng định thăm một ngôi chùa cổ lần cuối cùng trước khi người ta trùng tu nhưng đến bến Giáp Bát thì khi đổi bus lại nhầm xe. Đành bật GoogleMaps lên xem rồi chọn Văn Uyên [xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì] —một làng đất bãi— chẳng hiểu vì chưa từng đến đó hay còn do điều gì khác nữa.
- Bãi sông Văn Uyên. Photo NCCong ©2018
Năm ngoái và đầu năm nay tôi đã hai lần phóng qua đây để thăm chùa Tiên Linh, đền Dầm và đền Đại Lộ. Bây giờ đang là cuối thu, gió sông lồng lộng và màu xanh bát ngát xa xa vẫy gọi, thôi thúc tôi xuống xe đi bộ chầm chậm trên đê. Qua cổng làng Văn Uyên một quãng, tôi rẽ trái men theo bức tường dài khác thường của ngôi chùa có tên chữ là Kim Cương Tự. Đường vắng ngắt không thấy bóng ô tô, chỉ có lũ chó xổ ra sủa hung hăng và thậm chí một chú còn lẽo đẽo bám chân tôi xuống đến tận bến đò cũ.
Đây là nơi dòng sông Hồng uốn thành hình chữ S mênh mông, phía nội đô lổn nhổn nhô lên chân trời những cao ốc vuông vức tưởng chừng lắp ghép từ Lego. Vài chiếc xà lan đen dài và thấp tịt lặng lẽ trôi, thấp thoáng trông như mấp mé nước và sắp chìm trong sóng. Ngàn lau vi vút tiếng reo chạy xa tít tắp. Mấy con thuyền nhỏ ngủ quên trên bãi bùn ven lạch cạn buồn tênh. Những ruộng ngô xanh tốt kỳ lạ vì mặt đất rõ ràng đang khô đến nứt nẻ. Suốt một quãng sông đìu hiu có mỗi một chàng câu cá ngồi co ro chờ may mắn...
- Chùa Kim Cương. Photo NCCong ©2018
Mê mải thưởng thức cảnh đẹp và không khí trong lành, tôi chỉ nhớ ra nhiệm vụ chính của mình khi chợt dịu người vì một làn gió nhẹ thoang thoảng mùi hoa hồng, thứ hồng nội địa thường trồng ở làng quê. Leo ngược dốc tôi thấy phía sau rặng sấu tươi mát ló ra mái ngói mới toanh, rồi hàng đống gạch cát bừa bộn, hoá ra tam quan làm chưa xong, then vẫn còn cài. Bên trái chùa là một cổ thụ cao to, ước đoán đã trài qua vài ba thế kỷ, dưới tán lá xum xuê có toà đình cổ đơn sơ, cửa đóng và vắng bóng thủ từ.
Đi vòng ra mé sau đình tôi thấy một ngôi đền nhỏ đã xập xệ, trong sân chất đầy vật liệu xây dựng và có mấy cụ già ngồi uống nước. Chào hỏi rồi mời trà xong, một cụ tự giới thiệu là Phạm Hân, người thiết kế và tổ chức xây lại cả cổng làng lẫn đền và chùa Văn Uyên. Cụ nói mình không có bằng cấp gì, tự mua sách nghiên cứu thôi. Đình kia thờ sứ quân Nguyễn Siêu, một cận thần của vua Ngô Quyền. Chúng tôi nhanh chóng bắt chuyện rồi cụ dẫn tôi vào chùa Kim Cương, trong đó có một pho tượng đá tạc hình Tổ họ Phạm.
- Đình Văn Uyên. Ảnh NCCong ©2018
Cụ Hân kể rằng xưa kia Phạm Tổ rất giàu có và đông con đông cháu. Một hôm Tổ quyết định đem cúng phần lớn ruộng đất, tiền bạc để xây chùa, do đó được dân làng bầu hậu Phật và cho hưởng lộc quanh năm. Đáng tiếc sau này có kẻ hậu duệ phát tài mà chẳng nhớ ơn. Làng Văn Uyên tuy nghèo nhưng nay được nhiều người phát tâm đóng góp tôn tạo chùa Kim Cương thật hoành tráng, không may kể cả trong đình và đền nữa cũng chỉ còn giữ lại được rất ít cổ vật bằng đá và gỗ.
Xem: Đình Văn Uyên. Panorama ©NCCong 2018
Cụ Hân dẫn tôi leo lên một gò đất cao ngoài mé sông, nơi đặt văn chỉ dưới những gốc đa Ấn Độ. Cụ bảo những hương án, đỉnh trầm to lớn bằng đá này đều do thập phương cung tiến. Có nhiều khách từ xa đến gò tế lễ thường xuyên, trong khi dân làng xưa nay vốn chẳng có ai đỗ đạt cao hay làm quan to nên không lưu tâm mấy... Cụ còn nói mình không mê tín, chẳng thắp hương cúng bái nhưng tình nguyện giúp việc công là tâm thanh thản, nay đã 78 tuổi mà còn khoẻ mạnh và minh mẫn.
Chiều buông dần, khi cụ nhã nhặn mời về thăm nhà riêng tại gần đình Đông Phù tôi mới giật mình vì nắp ống kính máy ảnh đã không cánh mà bay. Thế là phải lần ngược các nẻo cũ, may sao cuối cùng cụ Hân cũng tìm thấy nó ở trong chùa.
- Tượng Tổ họ Phạm ở chùa Kim Cương. Photo NCCong ©2018
Sáng nay tôi đang ngồi quán thì cụ Hân gọi điện, nóí rằng tối qua đã rất vui khi lướt xem trang web HA NOI 360°. Cụ nghĩ rằng tôi nên quay lại thăm làng Văn Uyên khi khánh thành tam quan và ngôi đền. Không phải ngẫu nhiên mà tôi vừa bỏ quên nắp kính vừa quên bật đèn của điện thoại để soi sáng pho tượng đặt ở góc tối thui trong hậu cung, hơn nữa chụp gì lại chỉ được mỗi một bức hình rõ nét Tổ họ Phạm.
Tôi nhận lời mời của cụ rồi lại lướt mạng bên cạnh đám khách quen đang lao xao tán chuyện hàng ngày. Họ chủ yếu xoay quanh những tin tức từ báo, đài, TV hoặc bài vở do kẻ khác soạn sẵn chứ không ai trong quán cà phê Wi-Fi này đã thực sự đến tận nơi và thấy tận mắt. Thời gian của người cũng gắn liền với không gian dù rằng hình như chưa có mặt trong các phương trình của môn vật lý học mà tôi vốn quý mến, tuy chỉ theo kiểu "kính nhi viễn chi".
Tôi quay về nhà viết mấy dòng trên, trước khi tiếp tục lang thang vào buổi chiều và nghiên cứu, ghi chép về di sản văn hoá vào buổi tối.
©NCCông 2018, Van Uyen village