466 Chuong Duong temple and wharf

Đền và bến Chương Dương

h.Thường Tínnhà Ngôsông Hồng

Đền Chương Dương cách bến Chương Dương khoảng 1 km. Thờ: Dương Tam Kha, em vợ vua Ngô Quyền. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2013). Vị trí: VW27+JR, xã Chương Dương, Thường Tín, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 25 km (hướng 5 h). Trạm bus lân cận: bến cuối Hồng Vân trên tỉnh lộ ĐT427 (xe 06b)

Giới thiệu chung

Bến Chương Dương nằm bên bờ phải của sông Hồng, ngay phía nam một doi đất cổ có cái tên rất nên thơ là bãi Tự Nhiên. Theo truyền thuyết, bãi này dưới thời vua Hùng vốn um tùm lau lách, hoang vu không có dân cư. Nàng công chúa Tiên Dung nhân khi rong chơi non nước đã từng xuống thuyền tắm ở đây và nên duyên lành với chàng đánh dậm Chử Đồng Tử nghèo khổ phải giấu mình trần dưới cát sau khi đã dùng chiếc khố duy nhất để mai táng cha già.

Sử chép rằng vào thế kỷ X, em vợ vua Ngô Quyền là Dương Tam Kha bị cháu ruột Ngô Xương Văn hạ bệ rồi đày ra đây, lúc đó gọi là Chân Giang. Theo truyền thuyết, Ngài lấy tên quê hương Chương Xá (Thanh Hóa) và họ Dương của mình để đổi Chân Giang thành ấp Chương Dương. Nhớ công đức của Dương Tam Kha, về sau dân ấp đã dựng một ngôi đền bằng tre gỗ trên nền ngôi đình cũ, gần bến Chương Dương.

Sân đền Chương Dương. Ảnh ©NCCong 2020

Tháng 6 năm 1285, trên khúc sông Hồng chảy qua Chương Dương, quân nhà Trần đã đánh một đòn quyết định thắng quân Nguyên Mông. Rồi ngôi đền được mở rộng, xây lại bằng gạch, mặt bằng có hình “chữ Đinh”. Về sau, bến đò trở thành một bến phà thuộc xã Chương Dương, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Theo số liệu năm 1999, xã có diện tích 4,16 km², dân số 4.214 người, mật độ dân số đạt 1013 người/km².

- Xem: Bến phà Chương Dương. Panorama ©NCCong 2014

Năm 1947 ngôi đền bị phá trong kháng chiến chống Pháp nhưng nhanh chóng được dân phục hồi. Hiện nay sau lần trùng tu đầu thế kỷ XXI, đền gồm tiền đường 3 gian bít đốc quay về hướng đông. Đối diện nhà tả vu là "cây đa hoa gạo" cổ thụ chỉ còn lại một nhánh. Trong hậu cung hiện lưu giữ được bản thần tích và 28 đạo sắc phong. Cứ 5 năm một lần, dân làng tổ chức lễ hội vào ngày 10 tháng 8 âm lịch, có đua thuyền rồng và các trò chơi khác.

Ngày 14-4-2013, ngôi đền và bến Chương Dương được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.

Đền Chương Dương

Dương Tam Kha

Ngài là con của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, và em của Dương hậu, vợ vua Ngô Quyền. Sau khi cha bị Kiều Công Tiễn giết, Dương Tam Kha trở thành danh tướng hàng đầu của Ngô Quyền và một trong những người góp phần to lớn cho chiến thắng lần thứ nhất trên sông Bạch Đằng năm 938, diệt được tướng Hoằng Tháo chỉ huy quân Nam Hán.

Ngô Quyền khi sắp mất có giao cho Tam Kha giúp đỡ Ngô Xương Ngập. Vua trẻ thích rượu chè, bỏ bê việc nước, Tam Kha bèn cướp ngôi, xưng là Bình Vương. Xương Ngập chạy về Nam Sách Giang (Hải Dương), trú ngụ tại nhà Phạm Lệnh Công ở Trà Hương. Tam Kha nhận con thứ hai của Ngô Quyền là Xương Văn làm con nuôi. Các em là Nam Hưng, Càn Hưng còn bé, đều theo Dương hậu.

Được ít lâu, Tam Kha sai chỉ huy sứ là Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc đem quân đến nhà Lệnh Công đòi bắt Xương Ngập, tất cả ba lần đều không được. Lệnh Công giấu Xương Ngập trong động núi. Tam Kha biết, lại đòi bắt như trước, rút cuộc vẫn không được. Năm 950, Tam Kha sai Ngô Xương Văn cùng Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đi đánh hai thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình. Xương Văn rủ hai tướng làm binh biến, quay về đánh úp, bắt được Tam Kha.

Bến Chương Dương. Photo NCCong ©2014

Xương Văn lên ngôi bèn giáng tước Tam Kha làm Chương Dương Công, nhân đó ban cho đất Chân Giang để lập ấp. Tam Kha có công giúp dân biến vùng hoang vu này thành trù phú và đông đúc, cho nên sau khi mất đã được dân Chương Dương lập đền thờ.

Chương Dương Độ — Hàm Tử Quan

Khúc sông Hồng từ bến Chương Dương đến Hàm Tử Quan từng ghi nhiều chiến công chống ngoại xâm ngày trước của cha ông ta. Đặc biệt vào đầu tháng 5 âm lịch tức tháng 6 năm 1285, vua tôi nhà Trần đã đánh tại đây một đòn quyết định thắng quân Nguyên Mông do danh tướng Toa Đô chỉ huy. Tiếp theo trận thủy chiến này là cuộc phản công chiến lược truy đuổi khiến chủ tướng giặc Thoát Hoan phải chui vào ống đồng cho lính khiêng chạy về nước.

Thái sư Trần Quang Khải đã đích thân cùng các tuỳ tướng Trần Quốc Toản, Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền tham gia chiến dịch "Chương Dương Độ — Hàm Tử Quan". Sau đó trên đường khải hoàn đưa đức vua trở lại kinh đô Thăng Long vừa được giải phóng, Thái sư đã viết nên một bài thơ đầy khí thế hào hùng lưu truyền đến ngày nay: [1]

Di tích lân cận

Chú thich
[1] Thơ Trần Quang Khải:
Theo vua khải hoàn về kinh
Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy ngàn thu.
(Dịch thơ: Trần Trọng Kim)

Nguyên văn chữ Hán:
從 駕 還 京
奪 槊 章 陽 渡
擒 胡 鹹 子 關
太 平 宜 努 力
萬 古 此 江 山

Phiên âm:
Tòng Giá Hoàn Kinh
Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình nghi nỗ lực [Dị bản: tu trí lực]
Vạn cổ thử giang san

466 Chuong Duong temple and wharf ©NCCong 2014-2020