471 Esplanade of Sacrifice to the Earth Spirits

Đàn Xã Tắc

q.Đống Đanhà LýThần Nông

Đàn Xã Tắc Thăng Long được lập năm 1048 để tế thần Đất và thần Nông. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2007). Vị trí: ngã phố Xã Đàn - Ô chợ Dừa, 2R9H+6XC, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 1,9 km (hướng 8 h). Trạm bus lân cận: 276 Tôn Đức Thắng (xe 02, 41, 49), 490 Xã Đàn (25, 28, 99).

Giới thiệu

Một phế tích tại vùng Xã Đàn đã được phát hiện vào năm 2006, trong lúc thi công đường vành đai 1 thuộc dự án cải tạo con đường chạy song song với đoạn đê La Thành từ cuối phố Đại Cồ Việt đến Ô chợ Dừa. Theo sử cũ xưa kia đã từng có đàn Xã Tắc do vua Lý Thái Tông lập vào năm Mậu Tý (1048) để tế Xã thần (thần Đất) và Tắc thần (tức Thần Nông) - hai vị thần rất quan trọng của cư dân xã hội nông nghiệp cổ đại. Xã tắc thời ấy cũng có nghĩa là quốc gia.

Trong sách Kiến Văn Tiểu Lục có viết: "Triều nhà Lý, lập đàn Phong Vân để cầu mưa; đàn Xã Tắc để cầu quanh năm được mùa; dùng ngày lập xuân làm lễ nghinh xuân". Tác giả Lê Quý Đôn còn mô tả đàn Xã tắc theo thể chế quy định trong đời Hồng Đức nhà Hậu Lê: "nền đàn một khu, nội nghi môn 3 gian, cửa nhỏ 2 gian, bốn xung quanh đắp tường, điện Canh Y 1 gian 1 chái, nhà Túc Yết 5 gian 2 chái, kho tế khí và phòng bếp đều 3 gian, ngoại nghi môn 3 gian, bốn xung quanh đắp tường".

Khai quật di tích đàn Xã Tắc năm 2006

Hằng năm, cứ vào ngày Mậu của tháng Trọng Xuân và tháng Trọng Thu (tháng 2 và tháng 8 âm lịch), đích thân nhà vua tổ chức lễ tế và làm chủ tế ở Đàn này. Đây là những nghi lễ tế trời, đất và các bậc thần linh, cầu xin mùa màng tươi tốt, bình an, hạnh phúc cho muôn dân và sự thịnh trị của triều đình. Mỗi kinh đô đều có một Đàn như thế. Tại Huế và Thanh Hóa vẫn còn hai di tích Đàn Xã Tắc khá nguyên vẹn.

Đàn Xã Tắc ở Huế được xây dựng năm Gia Long 5 (1806), đắp bằng đất sạch do tất cả các thành, dinh, trấn trong nước đóng góp. Đàn gồm 2 tầng, mặt cắt hình vuông. Tầng trên cao 1,6m, mỗi cạnh dài 28m, mặt nền tô 5 màu theo quan niệm ngũ hành (vàng ở giữa, xanh phía đông, trắng phía tây, đỏ phía nam và đen phía bắc). Trên nền tầng này có 32 bệ đá được sắp xếp để cắm tàn khi tế lễ. Đây là nơi đặt hương án, cũng là nơi dành cho vua và các quan đại thần thực hiện các nghi lễ. Tầng dưới cao 1,2m, mỗi cạnh dài 70m, mặt nền trước lát gạch, hai bên có bệ cắm tàn. Cả 2 tầng này đều có lan can gạch bao xung quanh, cao khoảng 1m. Các bậc lên, xuống đàn được đặt ở chính giữa mỗi cạnh. Lan can tầng 1 được quét vôi màu vàng, lan can tầng 2 được quét màu đỏ.

Bia kỷ niệm Đàn Xã Tắc năm 2013

Đàn có tường cao 1,2m xây bằng gạch bao quanh thành hình chữ nhật, theo chiều bắc-nam rộng khoảng 160m và theo chiều đông-tây dài khoảng 200m. Mặt tường phía bắc được trổ 3 cửa, 3 mặt tường còn lại chỉ trổ mỗi mặt 1 cửa. Trước cửa phía nam có một bình phong xây bằng gạch, dài 10m, cao 3,7m, dày 0,85m. Trước cửa phía bắc có hồ nước hình vuông, xây kè đá với mỗi cạnh dài 60m.

Đàn Xã Tắc Thăng Long sau thời vua Lê Chiêu Thống (1788) thì bị bỏ hoang do kinh đô nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn là ở Huế; dấu tích còn đến bây giờ chỉ nhờ địa danh Xã Đàn, thuộc phường Nam Đồng, quận Đống Đa. Ngoài ra, nơi đây còn có dấu tích tầng văn hóa Phùng Nguyên, là di chỉ thời đại đồ đồng đầu tiên được phát hiện trong nội thành Hà Nội.

Đầu tháng 11-2006, Viện Khảo cổ học đã thám sát khu di chỉ Xã Đàn. Lớp đào sâu đầu tiên cho thấy một số vật liệu (chủ yếu là gạch, ngói) có niên đại sớm. Tuy nhiên, hiện chỉ có thể khẳng định đây là khu vực Đàn Xã Tắc Thăng Long, chứ chưa xác định chính xác vị trí đặt đàn. [1]

Ngã phố Khâm Thiên - Xã Đàn - Ô chợ Dừa. Panorama (c) NCCong 2017

UBND TP Hà Nội đã cho lấp cát, xây vườn hoa nhỏ và đặt một cây đá lởn ghi dấu nơi phát lộ. Ngày 7/12/2007, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng khu di tích khảo cổ học đàn tế Xã Tắc là di tích lịch sử quốc gia.

Di tích lân cận

©NCCông 2015-2018, Esplanade of Sacrifice to the Earth Spirits

[1Cũng có ý kiến cho rằng đàn Xã Tắc có thể ở vào vị trí của chùa Xã Đàn bây giờ.