477 Thi Cam village hall

Đình Thị Cấm

q.Nam Từ LiêmPhan Ông Tây Nhạcsông Nhuệ

Đình Thị Cấm có trước năm 1707. Thờ: Phan Ông Tây Nhạc và 3 phu nhân. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1989). Vị trí: 2PPX+2P, phố Phương Canh, Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 11km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: Cầu vượt Xuân Phương, hoặc Cầu Diễn

Lược sử

Đình làng Thị Cấm nằm trên phố Phương Canh tại góc tây bắc cầu vượt Xuân Phương (cầu của phố Trịnh Văn Bô nối Mỹ Đình với Phương Canh), nay thuộc phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Xung quanh còn có đường quốc lộ Hà Nội - Sơn Tây QL32 chạy theo hướng đông-tây và đường tỉnh lộ Nhổn - Hà Đông TL70A chạy theo hướng chếch bắc-nam.

Cho đến cuối thời Nguyễn, vùng Canh vẫn là một miền quê phì nhiêu bên bờ tây sông Nhuệ và giàu truyền thống khoa bảng với hương danh trong bộ tứ "Mỗ, La, Canh, Cót". Theo dân sở tại, đình Thị Cấm có từ xa xưa. Hiện vật cổ nhất còn lưu giữ tại đây là một đạo sắc phong mang niên hiệu Vĩnh Thịnh, vì vậy có thể đoán rằng ngôi đình này được xây dựng trước năm 1707.

Cổng đình Thị Cấm ©NCCong 2019

Trong đình có thờ bài vị thành hoàng Phan Ông Tây Nhạc và 3 phu nhân. Tương truyền ngài là một danh tướng dưới thời vua Hùng thứ 18. Các phu nhân là người có công trong việc chu cấp quân lương. Thần phả do Đông các đại học sỹ Nguyễn Bính soạn cho biết ngài vốn từ Châu Ái ra vùng Canh cư ngụ; sau theo Tản Viên Sơn Thánh đi đánh quân Thục, được Vua Hùng gả cháu gái và phong ấp ở Canh.

Hàng năm dân làng tổ chức lễ hội đình từ ngày 12 đến 22 tháng 2 âm lịch để tưởng nhớ công lao của thành hoàng. Trước đó, ngày mùng 8 tháng Giêng có hội thổi cơm thi với rất đông người tham dự. Tại Quyết định số 1570/VH-QĐ năm 1989, đình Thị Cấm được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Sân đình Thị Cấm ©NCCong 2019

Kiến trúc

Đình ban đầu nằm tại bãi Si là một khu đất giữa làng, về sau được chuyển về chỗ rộng ở rìa làng, ven con ngòi Thị Cấm. Tam quan và đại đình quay mặt về hướng đông trông ra sông Nhuệ, bức tường bên trái áp sát phố Phương Canh, bên phải là một hồ nước khá dài có tường đá bao quanh. Trải qua nhiều thế kỷ, ngôi đình đã được sửa chữa, tôn tạo nhiều lần. Hiện nay, đình hầu như vẫn giữ được dáng vẻ cũ với phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn.

Các hạng mục xây dựng gồm có cổng đình kiểu nghi môn với hai cửa bên, sau cổng là hai dãy nhà ngang 7 gian gối đầu nhau ở bên phải sân đại đình. Toà đình ngoài có mặt bằng hình “chữ Đinh”, tiền tế 3 gian 2 dĩ xây kiểu “đầu hồi bít đốc”, mặt trước nhìn ra bức bình phong lớn và tượng hai linh thú. Sau đình ngoài tiếp đến đình trong cũng hình chuôi vồ. Tại góc tây nam khu vườn xum xuê đầy nhãn có một cây đa cổ thụ cao lớn.

Đình Thị Cấm. Photo NCCong ©2019

Di tích lân cận

(477 dinh Thi Cam ©NCCong 2017-2024)