486 Bang Liet pagoda

Chùa Bằng Liệt (Linh Tiên Tự)

q.Hoàng MaiLê trung hưngsông Tô Lịch

Chùa Bằng Liệt có trước 1617. Tên chữ: Linh Tiên Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1989). Vị trí: số 63 phố Bằng Liệt, XR79+5F, P. Hoàng Liệt, Q. Hoàng Mai, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 8,3 km (hướng 7 h). Trạm bus lân cận: Nhà văn hóa xã Thanh Liệt - Kim Giang (37, 106, CNG02)

Lược sử

Chùa có tên chữ Linh Tiên Tự, tọa lạc tại số 63 phố Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Dưới thời Hậu Lê nơi đây thuộc xã Bình Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam. Hiện chưa xác định chính xác chùa được xây dựng khi nào nhưng chắc chắn là trước năm 1617 theo niên đại khắc trên bia “Tu Tạo Linh Tiên Tự Bi Ký”.

Tấm bia đó được khắc vào tháng 11 năm Đinh Tỵ niên hiệu Hoằng Định thứ 18 (1617), ghi việc trùng tu chùa do thiền sư Huệ Nguyên (thế danh Nguyễn Văn Tông) chủ trì. Bia thứ hai đề “Linh Tiên Tự Ký”, ghi công đức của gia đình ông Ngô Vĩnh Đăng tự Chân Sinh và bà Lưu Thị Lý hiệu Diệu Minh góp cho đợt đại trùng tu năm 1654 do thiền sư Huệ Quảng (thế danh Lê Khả Đắc, người xã Ba Lăng, huyện Thượng Phúc) chủ trì xây toà tiền đường, thiêu hương, thượng điện và các công trình khác.

Tam quan và tháp chùa Bằng Liệt. Photo NCCong ©2023

Kiến trúc

Chùa nhìn về hướng tây ra sông Tô Lịch. Khi xây lại toà Tam bảo đã phát hiện được một hệ thống “móng treo” với hàng trăm viên gạch vồ của thế kỷ XV-XVI. Trong đợt trùng tu trước đã chỉ thay phần mái gỗ lợp ngói bằng bê tông cốt thép, còn tường móng vẫn giữ nguyên của đợt đại trùng tu năm 1654. Sau lưng toà Tam bảo là nhà thờ Tổ cũng có kiến trúc độc đáo với hệ thống 6 hàng cột gỗ lim.

Từ cuối thế kỷ XX đến nay chùa đã cho xây tường bao, sửa vườn tháp Tổ, thêm nhà Tăng, tượng Tam Thế Phật, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Địa Tạng, Hộ Pháp, hoành phi, câu đối, cửa võng và sơn thếp lại tượng thờ trong chính điện. Năm 2003 dựng lại Tam quan trên nền cũ và xây nhà Giảng Kinh. Năm 2004 khởi công tháp Báo Ân 13 tầng, tôn thờ tượng Quán Thế Âm và 32 hóa thân, 12 đại nguyện của Bồ Tát; 18 tượng A La Hán; xây lại nhà Tổ, trùng tu nhà Mẫu, tăng xá, khách đường, v.v..

Sân chùa Bằng Liệt. Photo NCCong ©2023

Năm 2017 trùng tu Đại Hùng Bảo Điện, xây dựng Tam quan với gác chuông và đúc đại hồng chung 950 kg.

Di vật

Ngoài những thứ đã nói, hiện chùa Bằng Liệt còn có một số di vật khác:

  • Bia đá dựng năm Long Đức thứ 3 (1734) ghi công đức thiền sư Tính Tuyên trụ trì chùa Bằng Liệt và Quang Ân đã phát tâm xây cầu đá Quang Bình trước chùa. Bia này hiện đang bảo quản tại chùa Long Quang gần đó.
  • Đại hồng chung đúc tháng 6 niên hiệu Minh Mệnh thứ 18 (1837). Đương thời đây là quả chuông to nhất vùng, có câu: “chuông Bằng, trống Lủ, mõ Đình Công, cồng làng Sét”, trên chuông ghi công đức của các hội và tín chủ cúng dàng dưới sự chủ trì của thiền sư Phổ Siêu.
  • Bia đá khắc ngày 13 tháng 12 năm Quý Tỵ (1954) ghi việc trùng tu chính điện do tỉnh trưởng Hà Đông Nguyễn Văn Thanh chủ lễ đặt viên đá đầu tiên.
  •  Thống đá dùng để ngâm gạo làm oản, có khắc niên hiệu Bảo Thái thứ 4 (1723) và các bài kệ do thiền sư Bất Trược Thủy tự Như Liên soạn.[1]
Trong chùa Bằng Liệt. Photo NCCong ©2023

Năm 1989 chùa Bằng Liệt được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

Chú thích
[1] Ví dụ bài:
“Dũng trung tịnh thuỷ nguyệt ảnh tiềm
Nhân nhân bả trốc bất hội nguyên
Nhược nhân ngộ đắc chân như tính
Thượng kiến Như Lai phúc tuệ viên”

Đông Tỉnh dịch:
“Trong thống thanh tịnh, trăng chìm
Cội nguồn chẳng biết đi tìm uổng công
Chân như ai ngộ tính không
Vê tròn phúc tuệ nối dòng Như Lai”

©NCCông 2014-2023, Bang Liet pagoda