491 Tran Dang community hall
Đình Trần Đăng
sông Đáyh.Ứng HoàCao Lỗ, Cao TứĐình Trần Đăng có từ khoảng thế kỷ XIV. Thờ: thành hoàng Cao Lỗ. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1988). Vị trí: QPCX+8M, thôn Trần Đăng, xã Hoa Sơn, H. Ứng Hòa, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 41km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Đd trường THPT Trần Đăng Ninh trên DT429B (xe 102).
Địa lý
Hoa Sơn là một xã nằm trong vùng đất màu mỡ bao bọc bởi sông Đáy và đường quốc lộ QL21B, thuộc huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội. Xã có diện tích 6,69 km², dân số năm 1999 là 6271 người, mật độ dân số 937 người/km², tỉnh lộ DT429B đi ngang qua. Hiện nay xã gồm 3 làng Miêng Thượng (toàn tòng Thiên Chúa giáo), Miêng Hạ và Trần Đăng, nơi có nhiều di tích nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử văn hoá dân tộc và tôn giáo.
Lược sử
Theo truyền thuyết, đình Trần Đăng được xây dựng từ thời Trần, cùng với ngôi chùa làng có tên chữ là Diên Phúc Tự. Ngôi đình đến thời Lê lại được mở rộng, làm mới và xây thêm một số công trình. Vào đầu thời Nguyễn, tòa đại bái đã được trùng tu cùng đợt với giếng nước, cầu và cổng chính. Nhiều chi tiết trang trí, đặc biệt là những mảng chạm gỗ tinh tế ở trong đình có in đậm dấu ấn mỹ thuật của những thời kỳ đó.
- Hông đình Trần Đăng. Photo NCCong ©2020
Trong hậu cung của đình có đặt long ngai và bài vị của ngài Cao Lỗ, người làm ra chiếc nỏ thần và là tướng quân nổi tiếng nhất của vua An Dương Vương (tức Thục Phán, vua nước Âu Lạc, đóng đô tại thành Cổ Loa từ thế kỷ thứ III trước công nguyên). Các triều đại phong kiến trước kia đã từng ban tặng cho thành hoàng Cao Lỗ 19 đạo sắc phong.
Hằng năm vào mồng 6 Tết Nguyên đán, dân làng Trần Ðăng tổ chức lễ hội đình để tưởng nhớ công đức của tướng quân Cao Lỗ, trong đó có diễn trò người hóa trang thành hổ chạy đuổi bắt giặc.
- Cổng đình Trần Đăng. Photo NCCong ©2020
Năm 1988, đình Trần Ðăng cùng chùa Diên Phúc Tự đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Năm 2009, đình được trùng tu với sự tài trợ của CHLB Đức nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc như lần mở rộng vào thời Nguyễn. Đình có mặt bằng xây dựng hình "chữ Công", mặt quay về phía tây nam. Tiền tế gồm 5 gian, 2 chái; ống muống 2 gian và cung cấm 3 gian. Cạnh cung cấm có cổng hậu nhỏ ăn thông với đường làng. Tổng diện tích đình là 273 m2. Toà đại bái được dựng lại vào năm 1860, rộng 173 m2, bộ khung gỗ đồ sộ dựa trên 4 hàng cột lim, phía trước là cửa bức bàn, các gian bên có cửa thượng song hạ bản.
- Lối vào đình Trần Đăng. Photo NCCong ©2020
Sân đình khá lớn, phía trước có hai cổ thụ toả bóng mát, xung quanh sân trồng nhiều cây hoa đại và cau ta. Đình được xây trên một khu đất hình con rùa, hai bên là ao nước. Từ sân đình đi vào bờ có một cây cầu ngắn tượng trưng cho cổ và đầu của con rùa trong truyền thuyết thần Kim Quy giúp An Dương Vương xây thành ốc ở Cổ Loa.
Đầu cầu nối với con đường dẫn thẳng về phía trước đến cổng làng. Cổng được xây như một tam quan, là nơi dân làng thường họp chợ. Bên cạnh cổng này có cái giếng tròn rất to, nằm liền mé phải là sân gạch rộng với tháp chuông và tiền đường ngôi chùa Trung của làng Trần Đăng, làm thành một cụm di tích rất đẹp.
- Sân đình Trần Đăng. Photo NCCong ©2020
Di tích lân cận
- Chùa Diên Phúc: thôn Trần Đăng, xã Hoa Sơn.
- Chùa Thanh Sam: thôn Thanh Sam, xã Trường Thịnh.
- Chùa Tử Dương: thôn Tử Dương, xã Cao Thành.
- Đình Ba Thôn: thôn Bặt Chùa, xã Liên Bạt.
- Đình Miêng Hạ: thôn Miêng Hạ, xã Hoa Sơn.
- Đình Yên Trường: thôn Yên Trường, xã Trường Thịnh.
491 Tran Dang community hall ©NCCông 2020