492 Tran Dang pagoda

Chùa Trần Đăng (Diên Phúc Tự)

h.Ứng Hoànhà Trầnsông Đáy

Chùa Trần Đăng còn gọi chùa Trung, có từ khoảng thế kỷ XIV. Tên chữ: Diên Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1988). Vị trí: QPCX+HG, xã Hoa Sơn, H. Ứng Hòa, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 37km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Đd trường THPT Trần Đăng Ninh trên DT429B (xe 102).

Lược sử

Chùa làng Trần Đăng tương truyền có từ thời Trần, tên chữ Diên Phúc Tự, còn gọi là chùa Giữa hay chùa Trung để phân biệt với ngôi chùa Thượng ở cách đó chỉ gần 300m. Ngay chếch mé trước sân chùa là ngôi đình làng, nơi thờ Cao Lỗ, vị tướng đã làm ra chiếc nỏ thần giúp vua An Dương Vương bảo vệ kinh thành Cổ Loa.

Công việc khảo sát cho thấy phần nền móng toà thượng điện của chùa vẫn bảo lưu được diện tích và mặt bằng cổ xưa. Toà nhà này còn để lại những viên ngói mũi hài có phong cách tạo tác từ thế kỷ XVII—XVIII. Bên cạnh bệ đá có trang trí hoạ tiết hoa văn mang phong cách nghệ thuật thời Trần người ta cũng đã phát hiện một ít gạch cổ mang hoa văn đao mác thời Hậu Lê.

Phía trước chùa Trần Đăng. Photo ©NCCong 2020

Những kết quả khảo sát trên đây cho phép đoán định rằng di tích chùa có niên đại khởi dựng trước lần tu sửa lớn vào thời Lê - Mạc và có thể tin vào truyền thuyết về việc chùa này xây từ thời Trần.

Năm 1988, chùa Diên Phúc Tự cùng với đình làng Trần Ðăng được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Cổng làng Trần Đăng được xây dựng vào năm 1932 như một tam quan khá đồ sộ, du khách bước qua sẽ thấy trước mặt là ngôi đình nổi tiếng nằm giữa hồ nước. Phía bên trái cổng làng có một giếng khơi to và chùa Diên Phúc Tự trải dài ở phía sau với khu vườn có những cổ thụ toả bóng mát.

Sân chùa Trần Đăng. Photo ©NCCong 2020

Dáng vẻ ngôi chùa là kết quả của lần trùng tu thời Nguyễn được giữ nguyên sau những đợt trùng tu tôn tạo năm 1951 và gần đây. Mặt bằng xây dựng của chùa có hình "chữ Công", quay về hướng đông-nam. Sân trước khá rộng, ở giữa sân là một gác chuông xây theo kiểu phương đình hai tầng tám mái, trên bộ vì kèo có những mảng chạm khắc gỗ rất đẹp.

Nằm phía sau phương đình là toà tiền đường gồm ba gian, hai dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc, tất cả các mái đều lợp ngói ri. Bên trong là hệ thống khung gỗ chịu lực có kết cấu bằng sáu bộ vì mái được đỡ bởi bốn hàng cột lim, gồm hai hàng cột cái, hai hàng cột quân, liên kết với nhau bởi hệ thống xà giằng.

Gác chuông chùa Trần Đăng. Photo ©NCCong 2020

Tiểp theo là toà thiêu hương hay ống muống, gồm 3 bộ mái với kiểu thượng chồng rường, giá chiêng hạ kẻ. Thiêu hương nối liền tiền đường với toà thượng điện ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Toà nhà Mẫu năm gian nằm ở phía sau chùa chính và đã được tôn tạo năm 2011. Cuối cùng là nhà Tổ, cũng rộng năm gian và xây kiểu tường hồi bít đốc.

Di vật

Hiện nay cỏ giá trị nhất trong chùa Trần Đăng là một bệ đá làm hương án nằm ở vị trí gần sát với tường hậu tòa thượng điện, từ cột cái trong trở vào. Bệ đá có hình hộp chữ nhật dài 2,85m, rộng 1,1m, cao 0,89m, bốn góc tạc hình chim có vú, xung quanh chạm hoa sen và trang trí hoạ tiết hoa văn mang phong cách nghệ thuật thời Trần.

Nhà Mẫu chùa Trần Đăng. Photo ©NCCong 2020

Trong chùa có một hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông với 33 pho tượng tròn, điêu khắc tinh xảo. Lại có một bệ gốm thời Lê sơ, một pho tượng Tuyết Sơn cổ được cho là quý nhất về nghệ thuật và đôi rồng đá mang phong cách thời Trần đặt ở ngoài hiên. Ngoài ra còn có thể kể tới quả chuông đồng "Diên Phúc Tự Chung" được đúc dưới triều đại Cảnh Hưng thời Hậu Lê.

Di tích lân cận

©NCCông 2019-2020, Tran Dang pagoda