496 So village hall

Đình làng So

h.Quốc Oainhà Đinhsông Đáy

Đình So có từ năm 1673. Thờ: Ba anh em họ Cao, tướng nhà Đinh. Lễ hội: 8-2, 4-5, 10-7, 10-12 âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia đặc biệt (2018). Vị trí: thôn Sơn Lộ, xã Cộng Hoà, XMGG+2Q, Quốc Oai, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 24 km (hướng 8 h). Trạm bus lân cận: Đd trường THCS Cộng Hòa - đường DT70a (xe 77), Cầu sông Đáy - đại lộ Thăng Long (71, 87, 88, 89, 107).

Lược sử

Làng So nằm bên dòng sông Đáy và cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 25km về phía tây. Du khách có thể đến đây theo đại lộ Thăng Long rồi rẽ vào xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai. Với thế phong thủy độc đáo và kiến trúc cổ hơn 3 thế kỷ, đình So được nhiều người coi là đẹp nhất xứ Đoài.

Đình được xây từ năm 1673, thờ ba anh em ruột họ Cao từng giúp Đinh Bộ Lĩnh đánh thắng sứ quân Đỗ Cảnh Thạc ở vùng Đỗ Động. Các ông vượt sông Thanh Quyết, tấn công Thường Vệ, vây Bảo Đà, hạ thành Quèn (xã Liêm Tuyết, Quốc Oai) rồi đóng đồn ở Sơn Lộ. Khi Đinh Bộ Lĩnh bị hãm ở Bối Khê, lập tức ba vị đến giải vây. Dân Sơn Lộ mang bún bánh ủng hộ, lại chọn 300 tráng đinh đi theo. Đoàn quân diệt được chánh tướng Đỗ Thanh Long và cứu thoát vua. Khi vua lên ngôi đã phong ba anh em là Tam vị Thông hiện Nguyên soái Đại vương. Các triều đại sau đều gia phong mỹ tự và cho trang Sơn Lộ thờ làm thành hoàng [1].

Mặt trước đình So. Photo ©Hieu Tran

Năm 1980, đình So được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích quốc gia. Đến cuối năm 2018, đình được nâng lên hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1820/QÐ-TTg.

Kiến trúc

Đình So nằm trên gò cao, nhìn ra sông Đáy ở phía đông bắc. Ngôi đình đã trải qua 4 lần tu sửa lớn vào các năm 1743, 1924, 1928, 1953. Phía trước có sân đất giáp với hồ rộng hình bán nguyệt. Khách leo lên 18 bậc đá giữa hai hàng lan can thấp cũng bằng đá, mỗi đầu có tạc một đám mây như hình rồng. Đình có tường bao trổ hoa, kiến trúc kiểu “nội Công ngoại Quốc”, rộng 1100 m2, tổng cộng 55 gian. Tam quan 2 tầng 8 mái, hai cổng phụ mở liền với dãy nhà dài có mái hiên che. Sân trong lát gạch, bày đỉnh hương, các chậu cảnh và hai cây hoa đại cổ thụ ở hai bên; mỗi dãy tả, hữu vu gồm 5 gian.

Tam quan đình So. Photo ©Hieu Tran

Toà đại bái có móng đá xanh, hai bên bậc tam cấp đặt đôi tượng rồng. Hệ thống cửa bức bàn và chấn song con tiện chạy dọc về hai phía. Đình rộng 7 gian 2 chái. Đại điện ở chính giữa trũng xuống, các gian hai bên đều được lát sàn gỗ cao 50 cm để các bậc cao niên trong làng ngồi họp. 64 cột lim xếp thành 6 hàng ngang và 10 hàng dọc. Kẻ truyền nối cột hiên với cột quân rồi đến cột cái gắn kết nhau bởi các nút mộc. Nóc đình được đỡ trực tiếp bởi giá chiêng, câu đầu. Các bức cốn trong chính điện được ghép bởi rường và xà nách kết hợp với hàng cột trụ và trụ đấu tạo thành những bức cốn vuông thành sắc cạnh.

Di sản

Đình So hiện lưu giữ 40 đạo sắc phong thần từ năm Hoằng Định 2 (1601) đến Khải Định 9 (1924), cùng nhiều hoành phi, câu đối, 4 bộ kiệu, 2 trống lớn, 1 đôi hạc, 1 đôi lọng đặt hai bên án thờ và đồ tế khí bằng sứ bằng đồng. Các mảng chạm khắc tập trung chủ yếu ở nghi môn, gian giữa và ống muống. Chính điện có bộ cửa võng sơn son lộng lẫy, chạm bong kênh nhiều hình linh vật tinh xảo, hoa lá sống động. Trong hậu cung đặt 3 bộ ngai thờ.

Chạm khắc ở đình So. Photo ©Hieu Tran

Làng So mỗi năm có 4 dịp lễ lớn: mùa xuân vào ngày 8 tháng 2 âm lịch, mùa hè vào ngày 4 tháng 5, mùa thu vào ngày 10 tháng 7, mùa đông vào ngày 10 tháng Chạp. Lễ hội mùa xuân mừng sinh nhật Tam Thánh với đám rước bài vị cha mẹ của các Thánh từ Miếu Ông và Miếu Bà về đình để chung hưởng sự thành kính của dân làng. Hội làng diễn ra trong 3 ngày cho đến mùng 10 tháng 2 âm lịch với nhiều hoạt động tế lễ, rước kiệu, trò chơi dân gian. Lễ mùa hè dâng bún bánh, kỷ niệm ngày Tam Thánh về làng chiêu binh.

Lễ hội mùa thu kỷ niệm ngày thắng trận, tế cáo thiên địa và khao thưởng quân sĩ. Lễ khao quân có dâng trâu làm tế vật. Sau khi tế xong, mọi người cùng hưởng lộc, rồi chiều và tối thì tập trung nghe hát ở đình hoặc miếu quán trong làng. Làng có 28 giáp, mỗi năm một giáp phải lo việc sắm sửa lễ vật nên 28 năm sau mới lại đến lượt. Lễ Thánh hoá vào mùa đông, mở đầu bằng cúng chay. Công việc được tiến hành từ trước đó cả tháng trời. Những trai làng chuẩn bị cho lễ được chọn từ đám 18, 19 tuổi. Họ phải tắm rửa sạch sẽ rồi mới đến tập trung ở nhà ai đó để chọn gạo làm bánh. Trai làng So lấy chữ lót làm họ và lấy họ làm chữ lót. Cánh con gái lại khác, vì nếu đặt tên như vậy thì khi lấy chồng xa sẽ bị mất họ cha.

Đầu hồi đình So. Photo ©Vietlandmarks 2016

Di tích lân cận

  • Chùa Thầy: xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai.
  • Chùa Trăm Gian: xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ.
  • Chùa Trầm: xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ.
  • Đình Phương Quan: thôn Phương Quan, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức.
  • Đình Phượng Cách: xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai.
  • Đình Ngãi Cầu: xã An Khánh, huyện Hoài Đức.

    [1] Thần tích ghi: Mùa xuân năm Canh Thìn (930), có ông Cao Hiển và bà Lã Thị Ả ở hương Vạn Kỳ, huyện Gia Định, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc, nhà vốn nghèo, làm nghề đánh cá trên sông Như Nguyệt, rất thích làm việc thiện, dù nhỏ cũng làm. Một hôm hai ông bà chài lưới kéo được 15 dật vàng, từ đấy làm ăn cứ khấm khá lên và có cuộc sống giàu sang. Hiềm nỗi hai ông bà ngoài 50 tuổi mà chưa có con. Nghe nói đền Hữu Linh, trang Sơn Lộ là nơi linh ứng cầu gì được nấy, bèn cùng nhau sắm sửa lễ vật rồi xuống thuyền cùng với hai người vạn chài xuôi sông Đáy. Thuyền đang đi, trời bỗng tối sầm, một trận gió lớn ập đến. Lúc tới trang Sơn Lộ, có đám mây vàng hướng vào Lã thị mà hạ xuống; bà hoảng sợ ngất đi. Sau đó bà có mang; tháng 2 Quý Tỵ (933) sinh được 3 con, lớn lên thành những chàng trai khoẻ mạnh rồi theo Đinh Tiên Hoàng đi dẹp 12 sứ quân....

©NCCông 2017-2020, So village hall