502 Tuong Phieu community hall

Đình Tường Phiêu

huyện Phúc Thọhuyền thoạisông Tích

Đình Tường Phiêu có từ thế kỷ XVII. Thờ: Thánh Tản Viên và Trương Quán Sơn (con rể Đinh Tiên Hoàng). Xếp hạng: Di tích quốc gia đặc biệt (2018). Vị trí: 4G78+JQ, thôn Tường Phiêu, xã Tích Giang, H. Phúc Thọ, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 44 km (hướng 9 h). Trạm bus lân cận: Trường Hữu Nghị T78 ven QL32 (xe 20b, 70, 70b, 77, 89, 92).

Lược sử

Xưa kia thôn Tường Phiêu thuộc xã Trạch Mỹ Lộc, tổng Tường Phiêu, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (cũ), nay thuộc xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Đình làng là một kiến trúc cổ từ thế kỷ XVII nằm bên dòng sông Tích. Trong đình có thờ Tản Viên Sơn Thánh là vị thần núi Ba Vì đã dạy cho dân trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm... và cả cách dập nước bằng sào nứa để bắt cá. Ngoài ra còn thờ thành hoàng thứ hai là Trương Quán Sơn - con rể của vua Đinh Tiên Hoàng.

Đình được tu sửa nhiều lần, lần đầu vào thời vua Lê Dụ Tông – niên hiệu Bảo Thái (thế kỷ XVIII) nhưng dáng dấp và di vật mang nhiều dấu ấn từ thế kỷ XVII và phần cổ ngỗng – giá chiêng lại là của thế kỷ XIX. Bên cạnh kiến trúc tuyệt đẹp, những mảng chạm khắc độc đáo của đình đã lôi cuốn bao nhiêu du khách đến đây. Ngoài ra, cuốn ngọc phả và truyền thuyết về vị thần núi Tản Viên là những tư liệu quý về lịch sử, phong tục, tập quán của xứ Đoài xưa…

Đình Tường Phiêu. Photo ©NCCong 2019

Ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho đình Tường Phiêu.

Kiến trúc

Khuôn viên đình bao bọc bởi một bức tường đá ong đặc trưng của xứ Đoài. Tam quan mới được xây lại bằng đá ong theo kiểu nghi môn với 4 trụ biểu và 2 cửa bên. Đại đình gồm 5 gian 2 chái, quay mặt về núi Ba Vì ở phía tây nam. Mặt bằng xây dựng có bố cục hình chữ "Nhất" (一), rộng 20m, sâu 13m.

Tại đầu hồi đình có treo dọc một chiếc mõ cá. Trên bờ nóc đình có đắp hình rồng lớn như một biểu tượng kiến trúc trước thời Nguyễn. Đình không dùng gỗ mít làm cột nên chiều cao được nâng lên. Khám thờ được làm lửng trên các cột ở gian giữa như kiểu nhà sàn, trong khám đặt long ngai và bài vị của Tản Viên Sơn Thánh.

Chạm gỗ tại đình Tường Phiêu. Photo ©NCCong 2019

Những mảng chạm khắc trên gỗ quý được gắn ở bộ vì – xà – nóc và hiên gác. Trang trí tiêu biểu là hình con hươu chở mặt trời đi - biểu tượng của nguồn sống - và hình người mang đậm chất dân gian. Cần lưu ý hình tượng con rồng ở đây trông khác hẳn với những bàn tay vuốt râu, nắm tóc hoặc con lân đầu rồng, thân hươu… Bên cạnh các đề tài chính thống được tạo tác công phu như “rồng mẫu tử”, long mã, chim phượng ở các bức cốn, còn có những mảng phù điêu chạm nổi như các tiên nữ bay, tiên nữ cưỡi rồng, cảnh đội lễ lên đình, chùa... với bố cục hồn nhiên, sinh động.

Di sản

Ngoài phần điêu khắc, trong đình còn lưu giữ được: 9 sắc phong, bộ lọng, long ngai, lư hương, chân đèn... Mùa xuân, tại Tường Phiêu có tổ chức lễ hội vào rằm tháng Giêng để tưởng nhớ công ơn Đức Thánh đã đánh giặc giữ nước và dạy bảo dân làng. Sáng ngày 14 trước đó đã có đám rước Thánh ra đền Ngo cách đình chừng 1km, buổi tối lại đốt đuốc sáng rực rước về. Đến ngày 16 thì làm lễ tế tạ.

Chạm khắc tại đình Tường Phiêu. Photo ©NCCong 2019

Mùa hè, vào ngày Thánh tạ thế là 14 tháng 5 Âm lịch, dân làng cũng tổ chức lễ tế tại "lòng giếng" tức gian giữa đình. Mùa thu, đến ngày Thánh được phong chức là ngày 15 tháng 8 Âm lịch cũng có lễ tế. Mùa đông, vào ngày 15 tháng Chạp thì có lễ tế tạ cuối năm.

Di tích lân cận

502 Tuong Phieu community hall ©NCCông 2019-2020