505 Mieu Men temple

Miếu Mèn

h.Ba VìHai Bà Trưngsông Hồng

Miếu Mèn có từ thời Lý. Thờ: Bà Man Thiện - mẹ của Hai Bà Trưng. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: 5F98+7F, thôn Nam An, xã Cam Thượng, H. Ba Vì, TP Hà Nội. Toạ độ: 21°10’05"N 105°27’59"E. Cách BĐX Bờ Hồ: 47km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Đd Cây xăng Hoàng Long - Cam Thượng trên QL32 (xe 20b, 70, 70b, 77, 89, 92)

Lược sử

Khu vực Ba Vì và quanh đó là một trong những địa bàn sinh tụ của cư dân cổ Việt. Hiện nay tại đây đã tìm thấy các chứng tích khảo cổ học như: Gò Hện ở Vạn Thắng, gò Mão Sơn với các công cụ thuộc thời đại đồ đá mới của Văn hóa Hòa Bình.

Theo truyền thuyết, bà Man Thiện thuộc dòng dõi các vua Hùng, có sách chép rõ tên bà là Trần Thị Đoan, quê làng Nam Nguyễn, Ba Vì. Bà sang sông lấy ông Hùng Định, quê làng Hạ Lôi và là Lạc tướng ở Mê Linh (nay thuộc Hà Nội). Họ sinh ra hai con gái Trưng Trắc và Trưng Nhị. Góa chồng từ khi còn trẻ, bà Man Thiện đã nuôi con khôn lớn, dạy võ nghệ và chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa chống ách cai trị của nhà Hán.

Miếu Mèn. Photo NCCong ©2019

Năm 40, chồng Trưng Trắc bị giết, hai chị em đứng lên kêu gọi các tộc trưởng chiêu tập quân sĩ đánh đuổi thái thú Tô Định, giải phóng 65 huyện thuộc vùng Lĩnh Nam. Trưng Trắc lên ngôi vua, bà Man Thiện được tôn là Man Hoàng hậu và trở về quê.

Năm 43, Hán Quang Vũ cử danh tướng Mã Viện đem quân sang đánh Hai bà Trưng. Tuy tuổi đã già, bà Man Thiện vẫn chỉ huy căn cứ Nam Nguyễn cho đến trận đánh cuối cùng vào ngày 10 tháng chạp âm lịch và hy sinh. Tại nơi mai táng bà, gọi là gò Mả Dạ, dân đã dựng lên ngôi Miếu Mèn để thờ, nay thuộc làng Nam An, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, gần cửa sông Đáy. Thời cổ, "Dạ" là tiếng tôn xưng bà già gan dạ.

Tam quan Miếu Mèn. Photo NCCong ©2019

Đến thời Lý, do bị đại hạn, triều đình sai đưa Cẩm Tĩnh Thiền Sư đến Miếu Mèn cầu đảo và được linh ứng. Cảm ơn ân đức của thần, vua Lý Anh Tông cho tu tạo lại tòa miếu cổ và ban sắc phong bà Man Thiện là “LINH TRINH PHU NHÂN MẪU HẬU VỊ ĐẠI VƯƠNG THƯỢNG ĐẲNG THẦN”. Các triều đại tiếp theo đều phong tặng, ca ngợi công đức của Man Hoàng hậu và người đời sau truy tôn bà là Đức Quốc Mẫu.

Kiến trúc và di vật

Ngày 18-7-2010, di tích Miếu Mèn được mở rộng khuôn viên và tôn tạo, bổ sung các công trình: tiền bái, đại bái, hậu cung, nghi môn, tả hữu vu, tường bao xung quanh di tích, lăng mộ Man Hoàng hậu, con đường bê tông dẫn vào di tích và từ di tích sang Mả Dạ. Các nếp nhà chủ yếu dùng gạch làm tường, mái lợp ngói ta, khung bằng gỗ lim. Tam quan nội mới xây nhìn về hướng nam trông ra sông Hồng cách Mả Dạ khoảng 200m, cách đền Hát Môn 19km.

Sân Miếu Mèn. Photo NCCong ©2019

Miếu Mèn quy mô không lớn nhưng còn giữ được nhiều di vật quý giá như: kiệu bát cống, long ngai, bài vị, hương án, nghê gỗ... và hoành phi, câu đối, sắc phong biểu thị lòng thành kính với bà mẹ anh hùng của dân tộc ở đầu kỷ nguyên. Miếu Mèn đến năm 1990 đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.

Di tích lân cận

505 Mieu Men temple ©NCCông 2018-2020