506 Ba Thon village hall

Đình Ba Thôn (Bặt Chùa)

h.Ứng Hoàsông Đáyhuyền sử

Đình Ba Thôn có từ thời Lê. Thờ: thành hoàng Đặng Sĩ, Đặng Xã, Đặng Lang. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1988). Vị trí: QQ58+2P, thôn Bặt Chùa, xã Liên Bạt, H. Ứng Hòa, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 39km (hướng 6h). Trạm bus lân cận: Đd đường vào làng Bặt trên QL 21B (xe 102).

Địa lý

Xã Liên Bạt tên Nôm là Bặt, gồm tám thôn: Bặt Ngõ, Bặt Chùa, Bặt Trung, Vũ Nội, Vũ Ngoại, Lưu Khê, Lương Xá, Đình Tràng; số dân 6.681 người (năm 2012), diện tích tự nhiên 7,75 km2. Ngoài nông nghiệp, dân xã còn có nghề làm bún. Cụ thủ từ nói đây là một vùng đất từng thuộc phủ Ứng Thiên. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm Giáp Dần niên hiệu Thuận Thiên 5 (1014), vua Lý Thái Tổ cho đắp thành đất vây 4 mặt kinh đô Thăng Long và đổi tên phủ Ứng Thiên là Nam Kinh.

Cổng đình Ba Thôn. Photo ©NCCong 2019

Xã nằm ở gần giữa huyện Ứng Hòa, trải dài ven quốc lộ 21B nối quốc lộ 6 (Hà Đông - Hòa Bình - Tây Bắc) với đường 60 (Chợ Dầu - Kim Bảng, Hà Nam). Phía bắc xã gần tỉnh lộ 429A, phía nam xã gần đường 428, đây đều là những tuyến giao thông quan trọng nối quốc lộ 21B với quốc lộ 1A. Về phía bắc và tây bắc giáp các xã Quảng Phú Cầu và Trường Thịnh; phía đông và đông bắc giáp các xã Phương Tú và Phú Túc (huyện Phú Xuyên); phía tây và phía nam giáp thị trấn Vân Đình.

Lược sử

Theo truyền thuyết và thần phả còn lưu giữ thì từ cuối đời vua Hùng thứ 17, đất Liên Bạt đã có dân đến tụ cư và lập nên những trang ấp. Tướng Quý Minh đã chọn vùng này làm doanh trại để đánh nhau với quân Thục Phán. Trước công nguyên, có Đặng Sĩ châu trưởng Giao Châu đến Liên Bạt mở trường dạy học, rồi hai em ngài là Đặng Xã, Đặng Lang đã làm dinh lũy chống giặc Hán và hóa tại bãi Cấm, được táng trong lăng Thánh ở phía đông bắc làng và thờ làm thành hoàng.

Giếng đình Ba Thôn. Photo ©NCCong 2019

Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, xã Liên Bạt thuộc tổng Xà Cầu (Xà Kiều), huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng (từ 1831 là tỉnh Hà Nội).

Sân đình Ba Thôn. Photo NCCong ©2019

Cuối thời Nguyễn, xã Liên Bạt cũng có nhiều danh nhân, tiêu biểu là Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền và Bùi Bằng Đoàn. Đầu thế kỷ XX, sáu thôn Bặt Ngõ, Bặt Chùa, Bặt Trung, Vũ Nội, Vũ Ngoại, Lưu Khê vẫn thuộc tổng Xà Cầu; còn 3 thôn Lương Xá, Đình Tràng, Hoàng Xá cắt về tổng Phương Đình.

Ba thôn Bặt Ngõ, Bặt Chùa, Bặt Trung hợp thành xã Liên Bạt sau tháng 8-1945. Đến tháng 4-1946, ba thôn Vũ Nội, Vũ Ngoại, Lưu Khê nhập lại thành xã Thượng Hiền. Đầu 1949, hai xã Thượng Hiền và Liên Bạt hợp nhất thành xã Mai Sơn. Đến giữa 1950, các thôn Lương Xá, Đình Tràng, Hoàng Xá tách khỏi xã Phương Đình, sáp nhập vào xã Mai Sơn, gọi là xã Mai Đình. Đến 1973 xã Mai Đình lại đổi tên thành xã Liên Bạt. Đến 2003, thôn Hoàng Xá và một phần của 2 thôn Lương Xá và Đình Tràng tách khỏi Liên Bạt và nhập về thị trấn Vân Đình.

Năm 1988, đình Ba Thôn được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Đình, chùa và đền Ba Thôn cùng nằm trong một khu vực sát bên cạnh giếng làng và hồ sen. Chung cho cả khu di tích là một tam quan ngoại đồ sộ cao hai tầng, ba cổng nhìn về hướng tây và mở ra đường quốc lộ QL21B. Sau tam quan là sân rộng và toà phương đình kiểu 2 tầng như tam quan nội của ngôi đình, tuy xây gạch không dùng cột gỗ nhưng 4 mái đều lợp ngói ta, có tượng linh vật trên trụ biểu và đầu đao.

Đình Ba Thôn đã qua nhiều lần trùng tu, dáng vẻ hiện nay mang phong cách nghệ thuật cuối thời Nguyễn với mặt bằng kiến trúc theo hình chữ "Tam". Toà tiền tế gồm 5 gian nhỏ, tường hồi bít đốc, cửa giữa nối liền với phương đình, dưới mái là các mảng chạm khắc gỗ trông đẹp mà giản dị. Tường quét vôi trắng và các cửa ngoài đều có vòm thanh thoát. Các trụ biểu và cột gỗ đều treo câu đối chữ Hán. Trang trí trong trung cung, hậu cung trang nghiêm và lộng lẫy sơn son thếp vàng.

Chạm khắc ở đình Ba Thôn. Photo ©NCCong 2019

Lễ hội

Lễ hội Liên Bạt nổi bật với tục rước kiệu giao quan giữa 3 thôn Bặt Trung, Bặt Ngõ, Bặt Chùa. Hội làng diễn ra hàng năm vào ngày 15 tháng Ba âm lịch. Đám rước của thôn Bặt Ngõ có kiệu bát cống với long ngai bài vị Đức thánh đệ nhất, tên là Đặng Sĩ, choàng áo màu xanh. Kiệu bát cống của thôn Bặt Chùa khiêng long ngai bài vị Đức thánh đệ nhị, choàng áo màu tím, tức ngài Đặng Xã. Thôn Bặt Trung rước long ngai bài vị Đức thánh đệ tam choàng áo màu vàng, tên gọi Đặng Lang. Kiệu đi theo sau thánh giá đặt sắc phong và hương nhang thờ thần, hai bên có hai pho tượng phỗng mô phỏng tướng giặc bị quy phục…

Đám rước của thôn Bặt Chùa có khác là thêm hai kiệu tư (bốn người). Mỗi người đặt một tượng tục gọi là thần đồng, cao 1,45m đi song song áp giá tả hữu kiệu bát cống rước thánh giá Đức thánh đệ nhị…

Di tích lân cận

©NCCông 2015-2019, Ba Thon village hall