510 Xam Thi temple
Đền Xâm Thị
h.Thường Tínnhà Trầnsông HồngMẫu ThoảiĐền Xâm Thị có sự tích từ thời Trần. Thờ: Mẫu Thoải, Mẫu Địa. Lễ hội: 1/2-10/2 âl. Vị trí: VWP3+P4, xã Hồng Vân, Thường Tín, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 22km (hướng 5h). Trạm bus lân cận: Đd trường Mầm non Bình Minh trên đường DT427 (xe 06b).
Lược sử
Làng Xâm Thị xưa thuộc tổng Xâm Thị, phủ Thượng Phúc, thành Đông Quan. Tổng Xâm Thị có 6 làng. Làng Xâm Thị nằm ở trung tâm; phía đông là làng Xâm Khố (nay thuộc đất Hưng Yên ở bên kia sông Hồng), phía bắc là Xâm Dương, phía tây là Xâm Động, phía nam là Xâm Hồ và Xâm Xuyên. Tương truyền Xâm Dương là nơi đóng trại thủy quân và Xâm Khố là nơi có kho muối, kho lương của vua Trần Nhân Tông.
Hai thôn Xâm Dương và Xâm Thị chỉ cách nhau 2 km và có chung một thần tích về Mẫu Thoải và thánh tích của Mẫu Thoải giúp vua Trần đánh giặc. Theo đó nơi đây xưa kia vốn có một bến thuyền của cư dân địa phương làm nghề đánh cá trên sông Hồng. Trước trận Chương Dương (tháng 6-1285), Thái sư Trần Quang Khải có dẫn các tướng ghé bến sông này vào đình Xâm Thị làm lễ cầu Nhị vị đại vương - hai vị thần từng giúp vua Hùng đánh đuổi giặc xâm lược và sau khi thắng đã hóa tại đây để về thủy cung.
- Cổng đền Xâm Thị. Photo ©NCCong 2019
Quả nhiên quân Trần được âm phù đã đánh bại giặc Nguyên. Đức vua Trần Nhân Tông bèn cho dân làng xây một đền thờ tại bến sông này để ghi công của Mẫu Thoải và Nhị vị đại vương. Ngôi đền cũng được các triều đình tiếp theo tặng nhiều mỹ tự và sắc phong. Đạo sắc sớm nhất có niên đại 1633 và muộn nhất là 1924. Đền ngày nay đã được phối thờ thêm các vị thánh khác trong Tứ Phủ.
Ngôi đền đã qua nhiều lần trùng tu và đợt gần đây là vào năm 2013. Đền xưa kia chỉ có một gian, tường gạch lợp lá, bên trong là hai ban thờ Mẫu Thoải và Ngũ vị tôn quan. Sau này có thêm cung thờ Mẫu Địa được xây dựng vào cuối thế kỷ XX. Ban đầu đó cũng chỉ là một cái am rồi mới được trùng tu với nhà Đại bái nhỏ hơn nhà thờ Mẫu Thoải.
- Ngõ đền Xâm Thị. Photo NCCong ©2019
Kiến trúc
Nằm ngay dưới chân đê Hữu Hồng là tam quan đền Xâm Thị xây kiểu nghi môn với hai trụ biểu chính, hai bên là hai cổng giả bịt kín bằng bức phù điêu tượng hộ pháp. Sau cổng có cây đa cổ thụ che bóng râm trên con ngõ ngắn dẫn tới gần bờ sông Hồng. Bên phải con ngõ là Ban Cô Chín, Ban Chúa Thác Bờ và cung thờ Mẫu Địa. Toà đền chính thờ Mẫu Thoải nhìn qua sông về mạn đông bắc, phía trước có nhà Đại bái nằm dưới một gốc si cổ thụ. Dưới tán cây si là Ban thờ Cô Bơ, Cậu Bơ.
Nhà Đại bái thờ Mẫu Thoải gồm tiền cung, trung cung và hậu cung. Chính giữa tiền cung là Ban Công Đồng, bên phải là Ban Trần Triều và bên trái là Ban Sơn Trang. Chính giữa trung cung thờ Tam Tòa Thánh Mẫu và Tứ Phủ Chầu Bà, bên phải là Ban Chầu Đệ Tam, bên trái là Ban Chầu Đệ Nhị. Trong hậu cung có đặt pho tượng Mẫu Thoải còn lại từ xưa.
- Đền Xâm Thị. Photo ©NCCong 2019
Lễ hội
Trước đây lễ hội đền Xâm Dương và đền Xâm Thị đều cùng tiến hành phối hợp với đình Xâm Thị. Sau này khi phục dựng lại lễ hội đền Xâm Dương (tức Đền Dầm, thờ Mẫu Đệ Tam) thì nghi thức phối lễ, phối hội đó đã được giản tiện, có lẽ một phần vì Xâm Dương đã tách về một xã mới là Ninh Sở.
Ngày nay, lễ hội đền Xâm Thị vẫn gắn chặt với đình Xâm Thị như phong tục ngày xưa. Làng Xâm Khố cũ ở bên kia sông, tuy đã thuộc đất Hưng Yên nhưng vẫn duy trì truyền thống phối hợp với Xâm Thị để phụ trợ trong lễ hội hàng năm, thường kéo dài 10 ngày từ mùng 1/2 đến hết 10/2 âm lịch. Lễ hội này được coi là quan trọng nhất trong năm.
- Tiền tế đền Xâm Thị. Photo ©NCCong 2019
Di tích lân cận
- Đền Dầm: thôn Xâm Dương, xã Ninh Sở.
- Đình Dương Tảo: thôn Dương Tảo, xã Vân Tảo.
- Đình Nỏ Bạn: thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo.
- Đình Tự Nhiên: xã Tự Nhiên.
- Đình Xâm Xuyên: thôn Xâm Xuyên, xã Hồng Vân.
- Lăng Quận Vân: thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo.
©NCCông 2019, Xam Thi temple