514 Ich Vinh community hall
Đình Ích Vịnh (đền Thanh Trung)
h.Thanh TrìTô Hiến Thànhs.Tô LịchĐình Ích Vịnh còn gọi Thanh Trung Từ (đền Thanh Trung), có từ đầu thời Nguyễn. Thờ: Tô Hiến Thành, thái úy nhà Lý. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: WRJM+F3P, Ích Vịnh, Thanh Trì, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 11 km (hướng 6 h). Trạm bus lân cận: Ngã ba Lạc Thị, Ngã ba Ngọc Hồi - Phan Trọng Tuệ.)
Lược sử
Thôn Ích Vịnh tên Nôm là Giả Viềng. Tương truyền vào thời Mạc có một ông đồ từ Kẻ Lủ (nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) đến Giả Viềng dạy học rồi lấy vợ là người làng và thuộc họ Nguyễn Hữu. Bà đồ chỉ sinh được một gái, sau làm cung phi của vua Lê Chiêu Tông, sinh ra người được Nguyễn Kim đưa lên ngôi tức Lê Trang Tông.
Đình Ích Vịnh thờ danh thần Tô Hiến Thành 蘇 憲 誠 (1102-1179), quê ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Sơn Tây. Ngài văn võ song toàn, làm quan cho hai triều vua Lý Anh Tông (1138-1175) và Lý Cao Tông (1176-1210) tới chức Thái phó rồi Thái úy. Đến thời Nguyễn, sử gia Phan Huy Chú xếp ngài vào trong số 4 vị đại thần có công lớn nhất dưới thời Lý.
- Tam quan đình Ích Vịnh. Photo ©NCCong 2019
Tương truyền khi Tô Hiến Thành còn sống, dân làng đã xin di liệu ngài về thờ ở ngôi đền có tên là Thanh Trung Từ. Hai làng Ích Vịnh và Lạc Thị kề nhau cùng thờ chung ngài và vợ là Lã Thị Dung. Do tranh giành sắc phong, về sau dân làng Ích Vịnh chỉ còn thờ Ông, trong khi dân làng Lạc Thị vẫn thờ cả Bà (vốn là người làng đó).
Kiến trúc
Năm Gia Long 7 (1808) đình Ích Vịnh được xây riêng cho làng này trên nền đền Thanh Trung. Hậu cung đình được dựng lại vào năm Bảo Đại 16 (1940) và hai nhà tả hữu mạc được xây thêm năm 1941. Cho đến nay hầu hết các bộ phận kiến trúc ban đầu vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn, chỉ trừ nhà hữu mạc đã bị bom Mỹ làm đổ vào năm 1972.
- Sân đình Ích Vịnh. Photo ©NCCong 2019
Đình nhìn về hướng tây qua bức bình phong đắp cuốn thư và một ao bán nguyệt nhỏ. Tam quan mở ra đường làng, cổng giữa xây kiểu 3 tầng giả gọi là Đại Hồng môn với vòm cuốn. Hai bên có 4 trụ biểu đắp câu đối chữ Hán và 2 cổng phụ xây kiểu 2 tầng giả. Sau tam quan là sân gạch với nếp nhà tả hữu mạc 3 gian ở hai bên.
Tòa đại đình gồm 3 gian 2 dĩ xây kiểu “tường hồi bít đốc”. Hậu cung sâu tới 4 gian, trong cung cấm đặt long ngai và bài vị Tô Hiến Thành. Tại mé vườn bên tay phải có nhiều cổ thụ bên cạnh lối ra cổng hậu. Xa hơn chút nữa đã xây thêm hai dãy nhà khách và khu phụ, đều 7 gian.
- Trong đình Ích Vịnh. Photo ©NCCong 2019
Di sản
Đình Ích Vịnh bảo lưu được tượng thành hoàng, kiệu bát cống, hương án, bát nhang, lộ bộ và đồ tế khí, v.v.. Tại chính điện có bộ cửa võng chạm hình rồng mẹ với 8 rồng con, phía trên là bức hoành phi với cuốn thư chạm rồng chầu mặt trời, phượng múa và sư tử hý cầu. Chữ khắc của 2 bia đá gắn ở tường hồi đã bị mờ. Trong cung cấm có 16 đạo sắc phong với niên hiệu sớm nhất là Dương Đức (1674) và muộn nhất là Khải Định (1925).
Hàng năm tại đình có 2 dịp lễ chay, chỉ cúng hương hoa, oản, quả vào ngày sinh và ngày mất (22 tháng Giêng và 12 tháng Sáu) của Tô Hiến Thành. Ngoài cúng tế dân làng còn rước kiệu đi theo hình vòng tròn từ cổng đình qua ruộng sang chùa Phúc Long rồi quay lại cổng đình.
- Hậu cung đình Ích Vịnh ©NCCong 2019
Ngày 19-01-1990, đình Ích Vịnh được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Ích Vịnh (Phúc Long Tự): thôn Ích Vịnh, xã Vĩnh Quỳnh.
- Chùa Linh Quang: thôn Lạc Thị, xã Ngọc Hồi.
- Đền Hoành Sơn: thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng.
- Đình Lạc Thị: thôn Lạc Thị, xã Ngọc Hồi.
- Đình Quỳnh Đô: thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh.
- Đình Vĩnh Ninh: thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh.
- Đình Vĩnh Thịnh: thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng.
514 dinh Ich Vinh ©NCCông 2015-2019