52 Overview of Ha Noi urban planning during the French period
Sơ lược quy hoạch Hà Nội thời Pháp
Hà Nộiurbanismcận đạiBài viết sau đây là của kiến trúc sư Pineau —Ban Quy hoạch đô thị và Kiến trúc, Phủ Toàn quyền Đông Dương— đăng trên Tuần san hoạ báo Đông Dương (Indochine Hebdomadaire Illustré) số ra ngày 24/09/1942 đề cập đến quy hoạch tổng thể về một đại đô thị Hà Nội thời Pháp thuộc.
- Một phần của bản đồ quy hoạch Hồ Bảy Mẫu
Sơ đồ quy hoạch và mở rộng TP Hà Nội do Ban Quy hoạch đô thị và Kiến trúc trung ương lập vừa hoàn tất. Người dân thành phố lo ngại không hiểu rõ những lợi ích cũng như các bắt buộc mà bản đồ quy hoạch này đem lại cho họ. Bản đồ ra đời nhằm mục đích điều hành quá trình phát triển của một thủ đô cho đến nay [1942] hiện phát triển một cách phân tán và lộn xộn. Nhà văn, nhà ngoại giao Jean Giraudoux từng nói: “Dựa vào quy hoạch đô thị, người ta có thể tiến hành tổng thể các biện pháp mà nhờ đó một quốc gia vừa có thể đảm bảo nhịp độ vừa duy trì cuộc sống hiện đại”. Chức năng của quy hoạch đô thị là sắp xếp sự phát triển của các thành phố bằng cách phát triển hài hoà từng chức năng hoạt động cũng như mang lại điều kiện làm việc tốt nhất cho các cơ quan trong thành phố. Trong bất kỳ bản đồ nào, người ta cũng thấy các tuyến phố khác nhau được phân bố hay quần tụ một cách tự nhiên và hợp lý hơn, đó gọi là “zoning” [phân vùng]. Ưu điểm của phân vùng là tạo sự phân lập giữa các hoạt động khác nhau của thành phố. Quan điểm của nhà xã hội học Gabriel Tarde cho rằng, tiến hoá là sự chuyển giao giữa đồng nhất và không đồng nhất, cơ quan nào muốn tồn tại phải điều phối và điều hoà chặt chẽ các thành phần khác nhau của nó.
Thành phố Hà Nội đang trên đà tiến triển. Xét theo mức độ quan trọng, ba vấn đề chính mà bản đồ quy hoạch và mở rộng đại Hà Nội cần giải quyết là vệ sinh, giao thông và thẩm mỹ. Thật là uổng công khi bỏ ra khoản kinh phí lớn xây dựng bệnh viện, phòng chữa bệnh, các trường Y khoa nếu như cuộc chiến chống bệnh tật không nhằm tận diệt mầm mống của chúng. Không ai không biết rằng tình trạng dân cư tập trung đông tại các đô thị, trong các khu dân cư không hợp vệ sinh, không đủ không khí và ánh sáng là nguồn gốc phát sinh bệnh tật và dịch bệnh mà ở Đông Dương đã thành đặc hữu. Các thống kê gần đây của Sở Vệ sinh thành phố Hà Nội cho thấy, mật độ 3.000 người/hécta không phải là hiếm tại các thành phố bản xứ.
Tại các khu nhà tranh, mật độ dao động từ 1.000-1.200 người/hécta. Để thấy được tầm quan trọng của mật độ dân số, chúng tôi xin đưa ra con số: tại các khu phố đông dân nhất và trong các toà nhà 7 tầng của thành phố Paris, mật độ là 1.000 người/hécta, còn ở Hà Nội không có nhiều nhà cao tầng, chỉ khoảng 1-2 ngôi nhà tại các phố buôn bán và các nhà tranh được xây dựng ẩm thấp. Tình trạng trên dẫn đến hậu quả rất lớn. Chúng ta nên biết chiến tranh luôn song hành cùng các dịch bệnh, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, khó có thể quét sạch dịch bệnh khi thuốc men điều trị cực hiếm.
Mặt khác, ngoài không khí và ánh sáng, một khu dân cư chỉ thực sự hợp vệ sinh khi nguồn nước cũng được lưu thông đầy đủ, Hà Nội không nằm trong số đó. Đối mặt với những vấn đề mà thành phố này đặt ra, bản đồ quy hoạch phải bảo tồn diện mạo thành phố vừa giúp chức năng kinh doanh của nó trở nên hiệu quả hơn. Để tránh tình trạng mật độ dân đông quá tải, một loạt các biện pháp đã được ban bố nhằm tạo điều kiện phát triển cần thiết cho thương mại hiện đại và tránh tình trạng đông dân, biến các khu phố thành khu ổ chuột.
Đối với những khu phố có mật độ thấp hơn, một số sẽ dành để xây các biệt thự. Lợi ích thu được từ quy hoạch các khu phố biệt thự là vệ sinh, hạn chế diện tích xây dựng trong sơ đồ quy hoạch sẽ ngăn đất đô thị không trở nên quá đắt. Trên thực tế, thật uổng công đấu tranh hợp pháp vấn đề tăng tiền thuê nhà nếu chính sách đất đô thị không quan tâm đến hạ giá đất, ngăn nạn đầu cơ, mà tới thời điểm hiện nay [năm 1942] vẫn đang được thả nổi. Giá đất cao đẩy tiền thuê nhà lên cao.
Bản đồ quy hoạch dự kiến lập khu công nghiệp, quy tụ tất cả các ngành công nghiệp đã phân loại và vì lý do bất kỳ được xem là không được phép đặt trong các khu dân cư. Các ngành công nghiệp phải tập trung trong khu công nghiệp, ở vị trí thuận tiện cả về đường sắt lẫn đường sông, trên các khu đất rộng có giá thành thấp. Một trong những quan tâm của bản đồ quy hoạch đại Hà Nội chính là tạo ra không gian chơi thể thao trong các khu phố cho mọi đối tượng. Tại các khu dân cư, những vị trí ưu tiên xây dựng các sân chơi, sân vận động kết hợp với công viên và vườn hoa công cộng vốn được xem là các túi khí góp phần làm đẹp thành phố. Phong trào tập luyện thể thao giúp lành mạnh hoá đời sống thành phố. Các danh lam, công trình văn hoá đã được xếp hạng và những công trình chưa được xếp hạng có giá trị thẩm mỹ sẽ được quy hoạch vào trong các vườn hoa và công viên.
- Bản đồ năm 1932
Hiện giao thông của Hà Nội không quá bất cập. Từ tình trạng thiếu nhiên liệu và khan hiếm xe hơi trong các khu phố có thể kết luận giao thông không đặt ra bất kỳ vấn đề nào cho chính quyền thành phố. Nhiều năm trước chiến tranh, các biện pháp đã được tiến hành nhằm giải quyết giao thông tại các điểm của trung tâm. Nhiều mặt bằng đã được lập tại nhiều nút giao thông, biện pháp hạn chế đỗ xe, tín hiệu giao thông bước đầu đã được dựng, tuy nhiên chúng nhanh chóng cho thấy không đáp ứng yêu cầu thực tiễn bình thường. các điểm dễ xảy ra các vấn đề về giao thông như cầu Doumer [nay là cầu Long Biên], quảng trường Neyret [nay là Cửa Nam], phố Borgnis-Desbordes [nay là phố Tràng Thi], phố Jean-Soler [nay là đoạn phía đông phố Thợ Nhuộm], các ngã đường sắt đòi hỏi những quy hoạch mới. Bản đồ lần này đã dự kiến các giải phải khác nhau như xây thêm cầu giao thông bắc qua sông Hồng, bỏ các ngã đường sắt, quy hoạch quảng trường Neyret… nhằm hướng tới một tương lai giao thông thuận tiện hơn. Trong các tuyến đường trung tâm, nơi giá đất quá cao khiến trưng dụng trở nên quá tốn kém, việc mở thêm lối đi cận quanh các tuyến đường chính giúp giảm lưu lượng giao thông, tránh ùn tắc trong các phố buôn bán.
Bản đồ quy hoạch và mở rộng Hà Nội còn phải hướng tới mục tiêu làm đẹp thành phố. Các đại lộ rộng trồng cây xanh và diện tích mặt nước lớn giúp Hà Nội có một không gian dễ chịu. Ngoại trừ một số khu phố được lập trong thời gian giữa hai cuộc chiến tranh không có giá trị cao về thẩm mỹ, chúng là các tác phẩm sao chép, lấy cảm hứng từ các nguyên mẫu kiến trúc của Pháp nhưng không đáp ứng các nhu cầu thực tế mới hoặc đang tăng dần cũng như xứng tầm với các công trình của một thủ đô. Mặc dù việc xây lại các công trình này đòi hỏi cả về thời gian lẫn tiền bạc nhưng vẫn được tính tới. Toà nhà Sở Bưu điện đã được dựng lên, Khu học xá [nay là Khoa Sau đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội] đã bắt đầu khởi công trong khu đại học và bệnh viện giúp tô điểm cửa ngõ thành phố, quy hoạch khu Bảy Mẫu mở đường nối hồ Halais [nay là hồ Thiền Quang] với hồ Bảy Mẫu, công viên Pasteur đổi thành công viên công cộng. Mở một tuyến đường cho xe hơi quanh Grand Lac [tức là Hồ Tây] và đường dành cho người đi xe đạp xuyên qua các công viên và không gian tự do, cho phép người đi bộ có thể vào thăm danh cảnh này.
Đó là các nét chính trong bản đồ quy hoạch, mở rộng và làm đẹp của thành phố Hà Nội. Bản đồ quy hoạch này chắc chắn sẽ hứng chịu không ít chỉ trích từ phía người Âu cũng như người bản xứ. Theo thăm dò, việc giới thiệu toàn cảnh và tầm quan trọng của các công trình dường như tác động đến một số người, vì lý do nào đó bị tổn thương khi quy hoạch đụng chạm đến tài sản của họ. Chúng ta không nên quên rằng, kế hoạch này lập ra cho khoảng 30 năm và thời gian hoàn tất có thể vượt quá khoảng thời gian dự kiến. Nếu nhìn lại các trưng dụng đã tiến hành trong 30 năm vừa qua, chắc chắn người dân nhận ra không ít toà nhà đã bị ảnh hưởng từ việc nắn lại đường hay quy hoạch đường sá do Hội đồng thành phố Hà Nội tiến hành. Việc thi công từng bước các công trình trên không tác động nhiều với chủ sở hữu được bồi thường vì họ đã tìm thấy phương thức kinh doanh hay nơi ở mới. Điều tương tự sẽ diễn ra đối với bản đồ quy hoạch đại Hà Nội. Công chúng khiếu nại do họ không được thông tin đúng. Ví dụ như trong các phố buôn bán, quy định bắt buộc với nhà dùng để buôn bán và để ở phải xây 3 tầng và có tầng trệt, mặt tiền rộng tối thiểu là 6m50. Quy định độ rộng của mặt tiền được áp dụng triệt để đối với các khu phố xây mới hoặc những khu đất chưa xây dựng, quan cai trị-Đốc lý là người quyết định số phận các khu xây dựng vi phạm quy định về mặt tiền và độ rộng của các toà nhà không theo chuẩn quy hoạch.
Chiều rộng của các mặt tiền tương ứng với chiều rộng của đường phố. Đối với những đường rộng dưới 10m, các mặt tiền được phép xây là 4m 50, các đường rộng từ 10m trở lên, chiều rộng của các mặt tiền là 5m50. Các đường rộng từ 15m trở lên, mặt tiền được phép xây dựng sẽ là 6m50. Các cửa hàng buôn bán bản xứ rất chật hẹp, một thành phố mới đang được xây dựng lại trên cái cũ cần giữ nguyền hiện trạng chia nhỏ như hiện nay. Khu phố cổ đã quá đông dân, nếu không quan tâm sẽ dẫn đến tình trạng dân số tăng nhanh trong các điều kiện nguy hiểm không chỉ về vệ sinh mà cả trong giao dịch. Không thể để người dân xây lại các công trình nhà ở 3 tầng trên tầng trệt có chiều rộng chỉ 3-4m. Chủ sở hữu các toà nhà không đáp ứng các kích thước quy định trên đây sẽ phải có biện pháp tiến hành cho phù hợp, nếu không buộc phải giữ nguyên hiện trạng, nhưng không bị trưng dụng hay cấm sửa chữa. Để tạo thuận lợi cho việc tập hợp các mảnh đất quá nhỏ lại với nhau, nhiều giải pháp đã được đưa ra như miễn thuế đối với các công trình xây lại phù hợp với quy hoạch, miễn thuế chuyển nhượng…, trong đó hình thức đồng sở hữu cũng được tính đến. Song song với cho thi công từng bước các công trình, thành phố sẽ tiếp tục quy hoạch các khu phố cổ, quy hoạch bắt đầu từ các khu phố ngoại vi như Khu học xá. Bản đồ quy hoạch lần này chắc chắn không làm hài lòng một số nhà đầu tư vì họ là những người vốn muốn người dân sống trong những ngôi nhà chật chội, họ chờ các công trình do hội đồng thành phố hoàn tất để đẩy giá đất tăng, họ là những người muốn “tập thể hoá các khoản chi và cá nhân hoá các khoản lãi”. Bản đồ quy hoạch không nhằm dành cho họ mà phục vụ lợi ích chung- vốn bị lầm tưởng lợi ích chung là tổng của các lợi ích cá biệt.
KTS Pineau, 1942
(Aperçu de la planification à Hanoi pendant la période française)