521 Kim Lu doctors village
Làng khoa bảng Kim Lũ
thôn làngq.Hoàng Mais.Tô LịchLàng Kim Lũ có ít nhất từ thời Lê. Vị trí đình làng: XRH9+WM, số 206 đường Kim Giang, P. Đại Kim, Q. Hoàng Mai, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 6,3km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: đầu cầu Lủ (xe 05, 60b, 104)
Lược sử
Bên bờ nam sông Tô Lịch gần cầu Lủ có một ngôi làng ban đầu tên là Lủ, còn gọi Kẻ Lủ, tên chữ là Kim Lũ, thuộc tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì. Kim Lũ, từ gốc Hán nghĩa là sợi dây vàng, sợi kim tuyến, chỉ sự giàu sang. Làng Lủ vốn có ba xóm mà người ở đây vẫn thường gọi là chạ: chạ Cầu, tên chữ là Kim Giang, chạ Trung — tức Kim Lũ và chạ Văn — tức Kim Văn, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.
Làng có một cổng chính và 5 cổng phụ đều xây bằng gạch thất. Cổng chính nhìn ra sông Tô ở phía đông bắc, trên có đắp hai chữ “Quan Miện” (Mũ Quan). Năm cổng xóm của làng nhìn ra 5 hướng khác nhau, theo thuyết ngũ hành. Trong 5 cổng ấy có cổng “Hồi Cẩm Môn” (áo gấm về qua cổng) là cổng mà các ông tiến sĩ của làng về quê không được cưỡi ngựa qua cửa đình mà phải xuống ngả mũ để đi bộ vào cổng chính.
- Từ đường Nguyễn Công Thể. Photo ©NCCong 2019
Danh nhân
Chỉ quan sát cách xây cổng đủ thấy làng này có nhiều người học hành đỗ đạt. Thế kỷ XVII, có ông Nguyễn Công Thể, trong Việt sử thông giám cương mục và Lịch triều hiến chương loại chí còn gọi là Nguyễn Công Thái (1684–1758). Ba mươi mốt tuổi, ông đỗ Hội nguyên Tiến sĩ, bốn lần giữ chức Tham tụng (tương đương với chức Tể tướng). Ngoài ra ông còn giữ nhiều vị trí quan trọng khác, như: Đông các học sĩ tri lại phiên, Tế tửu Quốc Tử Giám, Tả thị lang bộ Lại kiêm Bồi tụng. Ông từng đào tạo nhiều nhân tài như Ngô Thì Sĩ, Phạm Lê Phiên [2], Đào Huy Điển [2]. Ông cũng là người có công lớn đấu tranh với triều nhà Thanh – Trung Quốc trong việc cắm mốc giới giành lại khu mỏ đồng Tụ Long ở Cao Bằng. Ông là một nhà học vấn uyên bác, lúc đương thời rất được trọng vọng.
Cuối thế kỷ XVIII, làng Lủ lại sinh ra Nguyễn Văn Siêu (1799–1872), được người đời gọi là “Thần Siêu”, bạn vong niên với “Thánh Quát” (Cao Bá Quát, 1809 – 1855). Nguyễn Văn Siêu đỗ Phó bảng, làm quan đến chức Án sát. Ông còn là nhà thơ, nhà văn danh tiếng, nhà sư phạm, nhà địa lý, nhà kiến trúc trứ danh, có công lớn trong việc trùng tu đền Ngọc Sơn, xây dựng Đài Nghiên – Tháp Bút và đào tạo nhiều nhân tài cho Hà Nội.
- Bia mộ Nguyễn Văn Siêu. Photo ©NCCong 2019
Sang thế kỷ XIX, làng Lủ lại xuất hiện một nhân vật lịch sử là Nguyễn Trọng Hợp, hiệu Kim Giang, học trò của hai tiến sĩ Nguyễn Văn Lý và Vũ Tông Phan. Nguyễn Trọng Hợp đỗ tiến sĩ năm 1865, giữ nhiều chức vụ lớn trải qua năm đời vua nhà Nguyễn như Thượng thư Bộ Lại, Đại thần Cơ mật viện, Văn minh điện Đại học sĩ. Ông còn là nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, đã để lại một loạt tác phẩm như Kim Giang văn tập, Kim Giang thi tập, Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, Đại Nam chính biên đệ tứ kỷ...
Cuối thế kỷ XIX, làng Lủ còn có ông Cử Phác và Nguyễn Sĩ Nhiếp. Đầu thế kỷ XX, lại có tiến sĩ Nguyễn Sĩ Giác, ông Nguyễn Khắc Hiếu (thi sĩ Tản Đà) và cử nhân Hoàng Đạo Thành (cha của nhà giáo Hoàng Đạo Thúy), v.v..
Di sản
Là một làng quê có truyền thống văn học nên Kim Lũ có nhiều phong tục tập quán tiến bộ đến nay vẫn còn được lưu giữ, như tập quán Trọng sỉ (tôn trọng người già), Tục vào làng, Tục lên lão, Tục cưới xin, Tục tang tế, Tục vào phe giáp…
- Từ đường Nguyễn Trọng Hợp. Photo ©NCCong 2023
Kim Lũ ngày nay ngoài lăng mộ các danh nhân còn có 3 từ đường và 2 đền thờ:
- Từ đường thờ Phó bảng Nguyễn Văn Siêu.
- Từ đường thờ Thượng thư Nguyễn Trọng Hợp.
- Từ đường thờ Tham tụng Nguyễn Công Thái.
- Đền thờ công chúa Cúc Phương, con vua Lê Đại Hành.
- Đền thờ vua Lê Anh Tông.
Đền thờ vua Lê Anh Tông
Ngôi đền cũ đã bị phá từ thời tiêu thổ kháng chiến chống Pháp; mãi gần đây mới được dân sở tại xây lại trên nền di tích xưa. Khu đền thờ vua Lê Anh Tông hiện nay toạ lạc ở ngõ 282 Kim Văn. Trên cổng đền có hai chữ Đản tường, nghĩa là bức tường tốt lành; hai bên trụ cổng có đắp đôi câu đối chữ Hán:
Thăng tính đản tường khai hoa mãn nguyệt
Thanh đàm dục tú cổ mộc xuân thiên
- Ban thờ vua Lê Anh Tông. Photo ©NCCong 2019
Vua Lê Anh Tông 黎 英 宗 (1532 - 1573) tên húy là Duy Bang, do Thái sư Trịnh Kiểm lập nên làm hoàng đế thứ ba nhà Lê Trung hưng, đóng tại hành cung Vạn Lại, cai quản từ Thanh Hóa trở vào nam, đánh nhau với nhà Mạc ở phía bắc. Năm 42 tuổi, Anh Tông ghét Trịnh Tùng chuyên quyền, bèn lập mưu cùng Lê Cập Đệ phế bỏ Tùng. Tùng biết được, giết Lê Cập Đệ khiến Anh Tông phải đem theo 4 hoàng tử chạy ra Nghệ An. Ngày 22 tháng 1 năm 1573, Trịnh Tùng sai Tống Đức Vị giết Anh Tông. Vua ở ngôi được 16 năm.
Di tích lân cận
- Chùa Tam Huyền: số 248 phố Thượng Đình.
- Chùa Thiên Phúc: số 37 phố Định Công Thượng.
- Đền Kim Giang: số 122 phố Kim Giang.
- Đình Kim Giang: số 124 phố Kim Giang.
- Đình Kim Lũ: số 198 phố Kim Giang.
- Đình Vòng: số 330 phố Khương Đình.
Chú thích
[1] Phạm Lê Phiên 潘 黎 藩 người xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, trú quán xã Phú Mỹ, Giám sinh. Đỗ tiến sĩ khoa Đinh Sửu niên hiệu Cảnh Hưng 18 (1757).
[2] Đào Huy Điển 陶 輝 典 người xã Đào Xá, huyện Đường An, Hải Dương (nay thuộc Hưng Yên), cư trú phường Hòe Nhai, huyện Quảng Đức, Tri huyện. Đỗ tiến sĩ khoa Đinh Sửu niên hiệu Cảnh Hưng 18 (1757).
©NCCông 2015-2019, Kim Lu village