531 Emperor Dinh Bo Linh

Đinh Bộ Lĩnh (924-979)

Đinh Bộ Lĩnhthời Đinh

Đinh Bộ Lĩnh 丁 部 領 tức Đinh Tiên Hoàng 丁 先 皇, người sáng lập triều đại nhà Đinh (970-979) trong lịch sử Việt Nam. Ngài đã kết thúc nội chiến, thống nhất giang sơn và trở thành vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất.

Tiểu sử

Đinh Bộ Lĩnh quê ở làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay là thôn Vân Bồng, thuộc xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Ngài sinh ngày Rằm tháng Hai Giáp Thân (tức 22 tháng 3 năm 924). Cha là Đinh Công Trứ, nha tướng của Dương Đình Nghệ, giữ chức thứ sử Hoan Châu. Đinh Công Trứ mất sớm, Bộ Lĩnh theo mẹ về quê ngoại ở Gia Thủy, huyện Nho Quan, rồi nương nhờ người chú ruột là Đinh Thúc Dự ở quê nội gần đó. Từ bé Đinh Bộ Lĩnh đã tỏ ra là người có khả năng chỉ huy và mong ước tạo nên sự nghiệp.

Theo An Nam chí lược: "Đinh Bộ Lĩnh, người động Hoa Lư, Giao Châu. Cha là Đinh Công Trứ, nha tướng của Dương Đình Nghệ. Cuối thời Ngũ Đại, Dương Đình Nghệ đi trấn Giao Châu, phong Công Trứ làm quyền Thứ sử Hoan Châu. Khi Ngô Quyền giết Kiều Công Tiễn, cha con Bộ Lĩnh về với Ngô Quyền, Quyền nhân khiến Công Trứ về nhiệm chức cũ. Khi Công Trứ mất, Bộ Lĩnh kế tập chức cha. Sau đến nương nhờ Trần Minh Công [Lãm], làm chỉ huy của quân Trần đánh đâu được đấy, gọi là Vạn Thắng Vương. Quần thần dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế.".

Tượng Đinh Tiên Hoàng ở đền Hoa Lư

Theo Việt Nam sử lược: "Do không hòa với chú cho nên Đinh Bộ Lĩnh cùng với con là Liễn sang ở với Sứ quân Trần Minh Công ở Bố Hải Khẩu (Phủ Kiến Xương, Thái Bình)". Sau khi Trần Minh Công mất, Đinh Bộ Lĩnh thay quyền, đưa quân về Hoa Lư, chiêu mộ binh lính, chống lại nhà Ngô và các sứ quân khác. Ngài tập hợp được những hào kiệt đương thời với nòng cốt gồm Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Phạm Cự Lạng, Phạm Hạp, Lê Hoàn.

Đinh Tiên Hoàng đã nhanh chóng kết thúc thời kỳ nội chiến quen gọi là "loạn 12 sứ quân" [1]. Ngài đã thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời kỳ Bắc thuộc dài hơn nghìn năm. Đại Cồ Việt là nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam.

Đinh Tiên Hoàng cho xây cung điện, định chế triều nghi, định phẩm hàm quan văn, quan võ; phong Nguyễn Bặc là Định Quốc công, Đinh Điền là Ngoại giáp, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư, ban hiệu cho Tăng thống Ngô Chân Lưu là Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục, Đạo sĩ Đặng Huyền Quang làm Sùng chân uy nghi và tấn phong Đinh Liễn là Nam Việt vương. Vua lập 5 hoàng hậu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc, Ca Ông.

Căn cứ của 12 sứ quân

Năm Canh Ngọ 970, Đinh Tiên Hoàng đặt niên hiệu Thái Bình, truyền cho đúc tiền đồng, được coi là cổ nhất của Việt Nam. Nhà Đinh là triều đại đầu tiên đặt nền móng cho nền tài chính - tiền tệ của Nhà nước phong kiến Việt Nam. Đồng tiền Thái Bình được đúc bằng đồng, hình tròn, lỗ vuông, có thể xâu thành chuỗi. Mặt phải có đúc bốn chữ "Thái Bình Hưng Bảo", mặt sau có chữ "Đinh". Hầu hết gần 70 triều vua sau đó, triều nào cũng cho đúc tiền của mình bằng đồng.

Đinh Tiên Hoàng lập con út Hạng Lang làm Thái tử. Đầu năm Kỷ Mão (979), Đinh Liễn sai người giết Hạng Lang. Theo chính sử, tháng 11 (âm lịch) năm đó, hoạn quan Đỗ Thích, mơ thấy sao rơi vào miệng, tưởng là điềm báo được làm vua nên đã giết chết cả Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn. Đinh Tiên Hoàng làm vua được 12 năm, thọ 56 tuổi. Ngài được táng ở sơn lăng Trường Yên, kinh đô Hoa Lư.

Đánh giá

Đinh Tiên Hoàng bên ngoài xưng phiên thuộc, trong nước thì vẫn xưng Đế. Năm Nhâm Thân (972), sai con trưởng là Đinh Liễn sang cống nhà Tống Trung Quốc. Năm 975, vua nhà Tống sai sứ sang phong cho Tiên Hoàng làm Giao Chỉ quận vương và phong cho Nam Việt vương Đinh Liễn làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ.

Về đối nội, Đinh Tiên Hoàng thiên về sử dụng hình phạt nghiêm khắc. Vua muốn dùng uy để chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh "Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn". Về quân sự, thực hiện "ngụ binh ư nông", xếp binh đội thành đạo, quân, lữ, tốt, ngũ. Mỗi đạo có 10 quân, 1 quân 10 lữ, 1 lữ 10 tốt, 1 tốt 10 ngũ, 1 ngũ 10 người. Như vậy trên danh nghĩa nhà Đinh khi đó có 10 đạo với khoảng 1 triệu quân (?) trong khi dân số khoảng 3 triệu.

Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt. Ngài lập triều đình, xây kinh đô riêng cho một vương triều hùng mạnh. Trước đó đã từng có Lý Bí xưng Đế năm 544, Khúc Thừa Dụ xưng Tiết độ sứ năm 905, rồi Ngô Quyền xưng vương năm 939. Nhưng chỉ đến thời nhà Đinh, người cầm quyền Việt Nam mới thực sự vươn tới đỉnh cao ngôi vị và danh hiệu, khẳng định vị thế vững chắc của một quốc gia độc lập, thống nhất và buộc điển lễ, sách phong của các chính quyền phương Bắc phải công nhận.

Từ Đinh Bộ Lĩnh trở về sau, các vị vua Việt Nam không xưng Vương hay Tiết độ sứ nữa mà đều xưng Đế ngang hàng các Hoàng đế phương Bắc. Đinh Tiên Hoàng đã đặt nền móng cho nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam như một người mở nền chính thống cho các triều đại phong kiến tiếp theo trong lịch sử. Nhận xét về Đinh Tiên Hoàng đế, sử gia Lê Văn Hưu viết: có lẽ ý Trời vì nước Việt ta mà sinh bậc thánh triết, còn Lê Tung thì cho rằng vua chính thống của nước Việt ta, thực bắt đầu từ đấy.

Nghi môn đền Vân Bồng

Thờ phụng

Các di tích thờ vua Đinh Tiên Hoàng rất đa dạng và có ở nhiều vùng miền khác nhau như ở Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hòa Bình, Quảng Bình, Đà Nẵng, Đắc Lắc, Hưng Yên, Quảng Nam... Hơn 500 di tích về thời Đinh ở nhiều nơi cũng cho thấy do sự nghiệp, công đức đặc biệt mà dân chúng tôn vinh Đinh Tiên Hoàng và các đại thần của ngài.

Chú thích
[1] Năm 944 Ngô Quyền mất. Dương Tam Kha - anh vợ của Ngô Quyền - tự xưng là Dương Bình Vương. Năm 950, Ngô Xương Văn - con thứ hai của Ngô Quyền - lật đổ Dương Tam Kha, giành lại ngôi vua và xưng là Nam Tấn Vương. Ngô Xương Văn đón anh trai là Ngô Xương Ngập về cùng làm vua, xưng là Thiên Sách Vương. Đến năm 954, Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập bị bệnh mất. Năm 965, Ngô Xương Văn đi đánh thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình bị phục binh bắn chết. Năm 966, các hùng trưởng đua nhau nổi dậy chiếm cứ quận ấp để tự giữ, hình thành 12 sứ quân.

531 Emperor Dinh Bo Linh ©NCCông 2018