534 Bach Tru community hall
Đình Bạch Trữ
h.Mê LinhHai Bà Trưngsông Cà LồĐình Bạch Trữ có từ cuối thế kỷ XVII. Thờ 2 thành hoàng: Mỵ Nương (vợ Sơn Tinh) và Hoàng Cống (Cống Sơn, quân sư của Hai Bà Trưng). Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: 6MGH+J8, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, H. Mê Linh, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 34km (hướng 11h). Trạm bus lân cận: Trạm thủy sản Mê Linh (xe 63)
Lược sử
Làng Bạch Trữ xã Tiến Thắng ở ven bờ nam sông Nguyệt Đức tức Cà Lồ, thuộc vùng đất cổ huyện Mê Linh, xưa là Châu Phong, quê hương của Hai Bà Trưng. Vua Bà từng đóng đô ở Hạ Lôi, cách Bạch Trữ hơn 10km. Bạch Trữ nghĩa là cỏ Trữ Trắng, một thứ cỏ lai thời xưa mọc rất nhiều ở vùng này. Làng có một số phong tục lạ, về sau bỏ bớt dần.[1]
Đình Bạch Trữ xây vào cuối thế kỷ XVII; thờ Mỵ Nương (vợ thần núi Tản Viên) và Hoàng Cống (tức Cống Sơn, quân sư của Hai Bà Trưng) làm thành hoàng làng; trước đó đã có một ngôi nghè nhỏ nay gọi là đình Tây. Hiện nay làng có trên 16.000 dân mang 18 họ khác nhau, sống trong 5 xóm tương ứng ngũ hành (Rọ, Minh Hương, Minh Tảo, Ngọc Trì) và chia làm 8 giáp.
Năm 1993, Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng đình Bạch Trữ là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
- Đại đình Bạch Trữ. Photo NCCong ©2019
Kiến trúc
Đình ban đầu chỉ có mặt bằng "hình chữ Nhất" với tòa đại đình ở giữa, về sau mới dựng tiếp tòa tiền tế và tiếp sau là hậu cung. Cả 3 tòa được nối với nhau bởi 2 ống muống để tạo nên hình thức mái theo kiểu chữ “Vương”, nền chữ “Tam”. Trước đình có hồ nước, kế đến là bình phong kiểu cuốn thư có hình cành trúc mai sum họp. Phía sau là một sập thờ làm kiểu chân quỳ dạ cá đắp nổi hình dơi tượng cho ngũ phúc lâm môn (Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh) và tiếp nữa là một nghi môn tứ trụ.
Sau một khoảng sân hẹp là tòa tiền tế 5 gian 2 dĩ với bộ mái 2 tầng đồ sộ và những nét kiến trúc của thời Lê Trung hưng và thời Nguyễn. Tòa đại đình 3 gian 2 chái 2 dĩ, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII tập trung ở 2 cốn ngoài của gian giữa, các đầu dư chính và một số kẻ với đề tài chạm khắc cơ bản là rồng. Những đề tài về con người tuy không nhiều nhưng lại rất độc đáo.[2]
- Trong đình Bạch Trữ. Photo ©NCCong 2019
Phần cung cấm nằm gọn trong không gian 4 cột cái gian giữa, được bao ván kín, có sàn thờ, được nâng cao và nằm lọt trong tòa hậu cung 5 gian tường hồi bít đốc. Trên ban thờ chính, hai bên là 8 vị tướng hầu được vẽ dưới hình thức tả văn hữu võ, quan văn đội mũ cánh chuồn, cầm những hòm sách, bút, quạt; quan võ đội mũ kim khôi và vác đại đao.
Lễ hội
Mồng 10 tháng Giêng là ngày sinh của Đức Thánh Cống Sơn, có hát chèo tàu và đánh vật đến hết rằm. Hằng ngày có lễ tế ở đình. Tháng Hai có lễ khánh hạ của Đức Bà Công chúa, từ mồng 1 đến mồng 10 làng mở hội, lễ vật cúng do các giáp lo liệu. Ba ngày đầu là cuộc rước Bà từ miếu thờ về đình làng để hội tế, do 16 chàng trai khoẻ mạnh, áo quần mới, chít khăn mỏ quạ làm đô tuỳ rước kiệu, các bô lão túc trực ở đình để tiếp khách. Sau đó làng tổ chức các hội vui như đánh cờ người, đánh đu, thả vịt xuống sông, bắt chạch trong chum. Trò này ở Bạch Trữ kéo dài vì chỉ có 1 chum, các đôi trai gái phải xếp hàng và quàng vai nhau mà bắt chạch.
- Trang trí ở đình Bạch Trữ. Photo ©NCCong 2019
Tháng Tám mở hội từ chiều mồng 9 đến hết rằm nhân ngày sinh Đức Bà Công chúa. Tổ chức rước kiệu từ miếu về đình để tế lễ vào ngày mồng 10. Ngày 15 tế tạ, rước kiệu từ đình về miếu; lúc chuẩn bị rước kiệu về miếu thì ở sân đình tổ chức tung bông.[3]
Tháng Một: 8 giáp làm 8 cỗ bánh dầy mang ra đình cúng Đức Bà và thi tài. Các em trai đủ 3 tuổi trở lên được gia nhập giáp hay gọi là vào làng. Gia đình có cơi trầu trình cai giáp và cậu bé được chia phần bánh dày. Từ đó cho đến 10 năm sau, mỗi cậu bé phải nộp cho giáp một nồi nếp cái (làm được 1 thùng bánh dày loại nhỏ), cho đến 25 tuổi mới được ra ăn cỗ ở đình làng. Ngày 11 tháng Chạp mở cỗ giỗ trận tưởng nhớ ngày quân Mã Viện tràn được vào làng và sát hại toán quân của ngài Hoàng Cống sau khi họ anh dũng chống cự suốt trong 52 ngày đêm.
- Chính điện đình Bạch Trữ. Photo NCCong ©2019
Di tích lân cận
- Chùa Linh Quy: thôn Diến Táo, xã Tiến Thắng.
- Đền Thiên Cổ: thôn Thọ Lão, xã Tiến Thịnh.
- Đình Bồng Mạc: thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc.
- Đình Diến Táo: thôn Diến Táo, xã Tiến Thắng.
- Đình Phú Mỹ: thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập.
- Đình Yên Lão Thị: thôn Yên Lão Thị, xã Tiến Thịnh
Chú thích
[1] Sau khi cưới, ban ngày cô dâu ở nhà chồng, chập tối về nhà mình ngủ. Cô phải trồng dâu, nuôi tằm, kéo kén, xe tơ, dệt lụa sao đủ may cho mỗi người nhà chồng một bộ quần áo lụa. Trước kia tục này kéo dài từ 1 đến 3 năm, từ 1970 rút xuống còn 1 đến 3 tháng. Cô dâu sau khi sinh con đầy tháng thì đến giữa tháng sau sẽ về nhà mình “ăn chực” mẹ đẻ khoảng 45 ngày rồi mới trở lại nhà chồng. Nếu nhà có người chẳng may chết trùng dịp làng vào hội thì phải chờ hết hội mới được phát tang. Đám tang khi đi ngang qua đình không được thổi kèn gõ trống. Lo công việc tang hoàn toàn do người trong họ đảm nhiệm, người làng chỉ đến phúng viếng và đi đưa đám. Riêng bà con cùng ngõ có lệ tự đến nhà đám xin khai huyệt cho người mất. Huyệt đào sâu, khơi 3 cấp gọi là để nhớ người đã khuất. Cỗ tiệc chỉ ngồi bốn người một mâm. Các cụ đã lên lão 70 và khao làng rồi mới được ngồi đống đôi ở đình trong.
- Tiền tế đình Bạch Trữ. Photo NCCong ©2019
[2] Chẳng hạn như bức cốn ngoài bên trái gian giữa, ở con rường trên cùng, được đặt trên mình rồng thân rắn không vẩy là hình đôi trai gái tình tự mà nam là một ông già râu dài còn nữ là một cô gái quá trẻ. Trên nền rồng ở ván nong của xà nách có cảnh bà vợ ôm con một tay như đẩy chồng ra; cạnh đó là cảnh đôi trai gái ngồi ôm ấp nhau; hình tượng vũ công đội mũ tỳ lư mặc áo váy tỉa tót kỹ càng và hình ảnh nam múa quạt, nữ đeo túi ngả theo được chạm ở hai bên đầu kẻ phía ngoài bên phải; ở một đầu kẻ trước của gian bên trái lại có cảnh một ông lão ngồi câu cá với giỏ vịt để bên cạnh.
[3] Sáng mồng 10 các giáp mang lễ vật ra đình làng và rước đức Bà về đình. Người ta kê một bục cao ở giữa sân, chủ tế đứng cạnh chuẩn bị tung bông. Bông được làm bằng một đốt tre non, tước một đầu thành những mảnh xơ trắng – tựa như chỉ bông, được buộc lại thành búi. Một hồi trống dứt, chủ tế tung bông lên cao, mọi người dõi theo đường rơi của bông mà xô đẩy chen lấn nhau, cướp cho bằng được dù là một mẩu của bông để đem về nhà, đặt lên bàn thờ, đốt ba nén hương và coi như gặp may mắn.
©NCCông 2019, Bach Tru community hall