536 Dai Yen community hall
Đình Đại Yên
s.Kim Ngưunhà Lýq.Ba ĐìnhĐình Đại Yên có từ lâu đời. Thờ: Ngọc Hoa công chúa (thời Lý). Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: ngõ 279 Đội Cấn, Ngọc Hồ, 2RPC+V82, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 3,3 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: 285 Đội Cấn, hoặc đối diện KS La Thành (xe 09)
Lược sử
Làng Đại Yên xưa gọi là thôn Đại Bi, được thành lập vào thời Lý ở vùng phía nam hoàng thành Thăng Long cùng với các trang trại khác nhằm phục dịch cho vua quan triều đình.
Đình thờ Ngọc Hoa công chúa, tên thật là Trần Ngọc Tường sinh ngày 14 tháng 3 năm Ất Hợi (1095). Theo thần phả, cha nàng là Trần Huấn từ Yên Định, Thanh Hóa ra Thăng Long dạy học, lấy vợ ở làng Đại Yên. Vua Champa là Chế Ma Na dẫn quân xâm phạm bờ cõi nước ta. Ngọc Tường khi ấy mới 9 tuổi đi theo cha đến biên giới, hoá trang thành bé gái bán trầu cau để do thám tình hình ở vùng giặc đóng trại và báo về cho cha. Nàng lựa thời cơ làm ám hiệu để quân ta tấn công. Chế Ma Na và đồng bọn bị thua phải rút lui.
Hoà bình trở lại, Ngọc Tường xin về quê mẹ, 10 năm sau không bệnh mà hoá vào đêm 15 tháng Chạp năm Giáp Thân (1104). Nàng được vua phong là Ngọc Hoa công chúa và dân làng thờ làm thành hoàng.
- Mộ Ngọc Hoa công chúa. Photo NCCong ©2023
Ngày 27-12-1990 đình Đại Yên đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Đình Đại Yên đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, lớn nhất là vào các năm 1886, 1901 và đầu thế kỷ XXI. Đình nhìn qua sân, giếng nước và cổng ngũ môn về phía tây nam. Hai bên sân có dãy nhà tả vu, hữu vu.
Toà tiền tế 5 gian được kết cấu theo kiểu vì kèo trụ trốn, 4 góc ở chân cột vẩy ra 4 chiếc bẩy, ở 4 gian bên, mái được lót kín theo kiểu vòm cuốn "vỏ cua" vốn hiếm thấy ở đình chùa miền Bắc. Trang trí trên các bức cổn của nhà tiền tế là vân xoắn, lá cúc cách điệu.
Toà đại bái nhỏ hơn nhà tiền tế, gồm 3 gian với 4 hàng chân cột, tường hồi bít đốc, kết cấu bộ vì kèo theo kiểu “giá chiêng chồng rường, con nhị, rường cụt”. Trang trí đơn giản, nhiều vân xoắn tạo thành khối lớn ở đầu rường và đầu quá giang. Ngoài ra có các hình vẽ rồng cuốn thủy, rồng cuốn cột ở các cột sơn son thếp vàng.
- Cổng đình Đại Yên. Photo NCCong ©2015
Toà hậu cung có trang trí ở bức cốn với hình chạm nổi phượng vũ đang bước về phía trước, miệng ngậm một bông cúc mãn khai. Bộ mái ở gian trong cùng hậu cung còn lại một số ít ngói cổ của thế kỷ XVIII có kích thước tương đối lớn, với mũi hài vểnh cao. Khám thờ được chạm rất kỹ. Mặt ván ở lưng khám vẽ đôi rồng chầu mặt trời với vẻ hung dữ uốn lượn trong mây cuộn, phần trong khung được chia làm ba ô ngăn cách bởi hai trụ lửng chạm lẵng hoa.
Tượng công chúa đặt trong hậu cung có kích thước to bằng người thực, được tạc trong tư thế ngồi, chân trái khoanh, chân phải co chéo, đầu đội khăn kết hình cánh phượng. Mặt tượng phương phi, nhân hậu, mắt nhìn xuống, miệng mỉm cười, áo tượng vạt chéo hai lớp, để lộ yếm ngực và chảy qua cánh tay, tạo những nét vểnh lên theo kiểu viền lá sen trong lòng đùi. Tay phải tượng cầm một quả đào nhỏ với ý nghĩa trừ tà ma, tay trái để ngửa trên đầu gối trong thế “kết ấn cam lồ” xua tan phiền muộn.
Phía sau đình có mộ công chúa Ngọc Hoa được xây thành hình vuông trên một gò đất nhỏ dưới tán cây đa cổ thụ.
- Sân đình Đại Yên. Photo NCCong ©2023
Di sản
Lễ hội đình tổ chức hàng năm vào hai ngày 13-14 tháng 3 âm lịch, dân làng và khách thập phương tham dự rất đông. Ngày 13, buổi sáng toàn thể đội lễ tế và đội dâng hương của làng cùng dân chúng làm lễ cầu phúc. Buổi chiều bắt đầu với màn dâng hương tế yết do đội tế của làng thực hiện, sau đó đội tế của các làng khách mời sẽ tế thánh. Tiếp theo là những tiết mục văn nghệ do dân làng tham gia biểu diễn.
Ngày 14 là chính hội. Buổi sáng có tiết mục đọc văn tế thánh của làng, sau đó là các dòng họ và các đoàn vào dâng hương lễ thánh. Tiếp theo là các đội tế nam và nữ của các làng lân cận vào tế và dâng lễ thánh. Buổi chiều vẫn tiếp tục các lễ tế của các làng lân cận, kết thúc là màn tế giã do đội dâng hương của làng Đại Yên đảm nhiệm. Trong lễ hội còn có biểu diễn văn nghệ do dân làng tổ chức, ngoài ra còn có các trò chơi dân gian như: thi đấu cờ tướng, biểu diễn cờ thẻ, cờ bảng, thi chọi gà…
- Chính điện đình Đại Yên. Ảnh NCCong ©2023
Đình Đại Yên còn giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: 3 câu đối gỗ, 3 bức hoành phi, 1 lọ lục bình, 1 chóe thời Càn Long, 2 bộ cửa võng, kiệu bát cống, long ngai, bài vị, lộ bộ và 4 hương án (trong đó chiếc đặt ở tiền tế mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII – XIX).
Di tích lân cận
- Chùa Bát Tháp (Vạn Bảo): ngõ 209 Đội Cấn.
- Đền Đống Nước: ngõ 173 ngách 63 Hoàng Hoa Thám.
- Đền Liễu Giai: ngõ 343 Đội Cấn.
- Đình Kim Mã: số 61 phố Kim Mã.
- Đình Liễu Giai: ngõ 343 Đội Cấn.
- Đình Vạn Phúc: ngõ 194 Đội Cấn.
©NCCông 2019, Dai Yen community hall