537 Truong Dinh fishmen village

Làng cá Trương Định

thôn làngq.Hoàng Mai

Đường Trương Định xưa là nơi quan lại trước khi vào kinh thành dừng chân nghỉ ngơi, cơm nước; sau này đào ao lấy đất, nung gạch xây phố: khu trại cá ra đời.

Thời mở cửa ao hồ bị lấp hết, làng cá không để lại một vết tích gì, chỉ duy nhất còn lại những dãy nhà xây trên đất ao bị lún, nghiêng, tường nứt mà thế hệ sau không hiểu vì sao. Nay làng cá thành phố hẹp, ngõ nhỏ chằng chịt, đây là khu có nhiều tệ nạn xã hội. Đầu ngõ căng biển to tướng, hàng chữ màu xanh vô cảm: “Khu dân cư văn hoá”. Ngõ nhỏ ngoằn nghèo theo hình bờ ao, nơi có nhiều cặp trai gái sinh viên đến sống thử vì giá nhà thuê rẻ:
“Giường chật vợ dễ làm lành
Ngõ nhỏ người dễ trở thành thân quen”.

Nơi này các đồng chí hộ tịch, công an rất vất vả trong khâu quản lý, dọn sạch địa bàn.

Làng cá xưa ao hồ liên chi hồ điệp, đêm đêm ếch nhái kêu đến điếc tai. Tối tối có người soi đèn pin đặt trên đầu đi bắt ếch. Ếch bị ánh sáng rọi chói mắt sẽ bất động nên rất dễ bắt.

Những người đi bắn chim cò lại soi đèn pin xuống mặt đất: chỗ nào cứt cò trắng như đổ vôi ướt là trên ngọn cây cò vạc đậu hàng đàn. Mỗi tối bắt ếch, bắn cò kiếm được hàng xâu. Sáng hôm sau mang ra chợ Mơ bán cũng kiếm được bát cơm, manh áo:
“Sông kia nay đắp nên cồn
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Tưởng như còn thấy lời ai gọi đò”.


Dân làng cá có hai nghề chính là thả cá bột và nuôi cá thịt. Cá bột có hai loại: một loại tự đẻ trong ao như cá chép, cá rô phi, cá riếc…; một loại chỉ đẻ ở sông như cá mè, cá trôi, cá trắm… Cá đẻ tự nhiên trong ao hồ rất ít đậu vì bị các loài ếch nhái, rắn và các loại cá dữ ăn mất. Muốn để cá đẻ thành công, ta phải tát ao, phơi khô độ mươi ngày, rắc vôi bột, diệt hết cá dữ mới tháo nước vào. Sau đó thả cá bố mẹ hoặc cá bột vớt ở sông Hồng về. Khi thả cá bố mẹ vào ao, ta chỉ tháo nước lưng ao. Một vài tuần sau ta tháo nước thêm vào, cá gặp nước mới là đẻ liền. Cá chép khi vật đẻ thường rạch lên trên bèo để đẻ trứng vào rễ. Cá đực trườn sau cá cái, phun tinh trùng thụ tinh cho trứng qua dung môi nước. Tinh trùng của cá đực màu trắng như sữa – dân nuôi cá gọi là “sịa”. Người nuôi vớt bèo bám đầy trứng cá màu vàng như hạt kê thả vào ao đã dọn sạch. Cá bột vớt ở sông về cũng vậy. Đặc biệt là cá giống nhỏ chịu sự ô nhiễm của nước cao hơn cá giống lớn và cá trưởng thành nhiều. Ao thả cá giống con có thể đổ nhiều thức ăn mà không sợ cá chết vì ô nhiễm. Mỗi buổi sớm tinh mơ, chủ hồ đứng trên bờ ao mà tự nhiên thấy đàn cá con đang nổi đầu bơi bỗng chạy dạt sang hai bên là đang bị cá dữ đuổi bắt ăn thịt. Một con cá ngồng măng ăn thịt cá giống có sức tăng trọng nhanh gấp hai mươi lần cá con khác. Chủ ao phải tìm cách tiêu diệt bằng được loài cá dữ này.

Làng cá Trương Định cũng như toàn quốc phải thành lập hợp tác xã như câu thơ Tố Hữu viết một cách tô hồng:
“Dân có ruộng dập dìu hợp tác
Lúa mượt đồng ấm áp làng quê
Chiêm mùa cờ đỏ quanh đê
Sớm khuya tiếng trống đi về trong thôn”.

Trên tường làng cá Trương Định căng khẩu hiệu đỏ choé:
“Mỗi người dân là một công an
Quyết tâm gìn giữ xóm làng yên vui”.

Làng cá có bà Nga tuổi chừng năm mươi, mặt đầy đặn phúc hậu. Trong mọi cuộc họp hợp tác xã, bà đều phát biểu một cách hết sức nhiệt tình về bất cứ chủ trương nào của trên đưa xuống dù bà có hiểu hay không. Tại các cuộc họp, bà đều được cán bộ chỉ định phát biểu, nếu không bà cũng đứng lên tự phát biểu, mắt sáng chói niềm tin khiến ai có thắc mắc gì cũng ngồi im re. Trong nhà bà Nga dán đầy giấy khen. Bà sống một cách hồn nhiên nên nhiều người biết bà phát biểu sai cũng không ai giận. Trong lúc phát biểu, bà Nga thường hay ngâm thơ Tố Hữu – bài “Ba mươi năm đời ta có Đảng” và thơ Bác Hồ:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút đánh cho Nguỵ nhào
Tiến lên chiến sỹ đồng bào
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

Đầu làng cá có ông Phúc Đậu. Ông Phúc người dỏng cao, đầu hói bóng, mặt trái xoan, mũi dọc dừa, đôi mắt nhìn đời vừa riễu cợt vừa táo tợn vừa láo liên. Ông Phúc có hai vợ. Vợ đẹp, con cũng đẹp. Mỗi vợ có hàng đàn con. Mỗi lần hai vợ và hai đàn con đánh cãi nhau thành một trận chiến dữ dội bất phân thắng bại thì dù đang ngồi ở trong nhà hay bất cứ đâu, hễ nghe tin hai vợ nổ ra chiến tranh là ông Phúc vội ù té quyền, tẩu phi thượng sách. Ông trốn khỏi nhà vài ba ngày, thấy sóng yên bể lặng mới mò về.

Ông Phúc nổi tiếng vì dám làm một việc tày trời. Ông có đến hai mẫu ao hồ bị sung công vào hợp tác xã. Ông dám ngang nhiên chỉ huy hai vợ và hơn chục con cháu dũng cảm xông lên rào đất, rào ao, chiếm lại đất ao đã nhập vào hợp tác xã. Hành động ấy vào thời đó là một việc kinh thiên động địa. Chính quyền náo loạn, lòng dân hoang mang. Thật kì lạ như chuyện thần thoại, ông Phúc nhờ trời phật phù hộ đã đòi lại được toàn bộ ao vườn mà ông đã đưa vào hợp tác xã, việc mà phải tới thời mở cửa mới làm được. Dân làng cá nhìn ông bằng con mắt vừa cảm phục, vừa ghen tuông kẻ trúng số độc đắc và buồn cho số phận mình.

Việc vớt và thả cá bột là cả một quy trình kỹ thuật thủ công chặt chẽ. Khoảng tháng tư, tháng năm nước sông Hồng lên to, cả làng cá tấp nập ra sông Hồng vớt cá bột. Ngày ấy chưa có thuỷ điện sông Đà, nước sông Hồng dâng cao đến mép đê, cao hơn đường phố bốn năm mét. Khác với ngày nay, nhiều khi lòng sông dùng làm bãi phi ngựa, du lịch hoặc sân bóng đá. Đứng xa trông nước sông mênh mông, sóng cuộn đục ngầu, củi rác trôi lềnh bềnh. Con đê cao bảy mét chỉ như một sợi chỉ mỏng manh. Các điếm canh đê trên bờ sông Hồng dọc xã Thanh Trì đỏ lửa suốt đêm, thuốc lào rít song sọc, tổ tôm sóc đĩa vui như hội. Khúc đê này triều Nguyễn đã bị vỡ, cả một vùng chìm trong bể nước. Những nóc nhà chỉ thấy chỏm mái, rặng tre làng chỉ nhô lên đầu ngọn, rắn rết trèo lên tránh nước dày đặc. Thỉnh thoảng lại thấy xác lợn nổi lềnh bềnh, ruồi nhặng bu đặc. Nội thành Hà Nội nhờ có con đê Đại Cồ Việt ngăn lại nên không việc gì. Thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đê Mai Lâm bị vỡ cũng gây kinh hoàng cho vùng tả ngạn sông Hồng. Dân làng cá Trương Định tấp nập chở đồ nghề đi vớt cá bột bằng xe đạp, xích lô, xe rùa ra đê sông Hồng. Mọi người chuẩn bị đầy đủ lều lán, nồi niêu xoong chảo, tất nhiên không quên chiếc điếu cày. Dụng cụ vớt cá gồm có một cái săm – không phải là săm lốp xe đạp – mà là đồ nghề để lùa cá bột vào một cái hom trong đó có giăng lưới mắt rất nhỏ như màn vì cá bột chỉ nhỏ như con bọ gậy. Trên mặt đê đào một cái lò cá bột đường kính độ 1.5m, sâu khoảng 50cm để luyện cá bột vớt từ sông lên. Cá bột quen sống ở sông nên phải thả vào lò luyện trên mặt đê để cá quen dần mới được vận chuyển về nuôi ở hồ ao. Trong vài ngày cá ở trong lò luyện, người nuôi cá phải tạo sóng nhân tạo bằng cái thúng sơn để tăng độ oxy cho cá thở. Thời ấy không có oxy bơm cho cá như ngày nay.

Chở cá từ lò trên đê về tới làng cá là cả một công phu tỉ mỉ không thì cá sẽ chết hết. Ngày xưa chở cá chủ yếu bằng cách gánh. Cá bột được thả vào đôi thúng sơn vừa đi vừa đánh sóng hàng chục kilomet, mà phải đi thật nhanh. Tất cả dân làng khi thấy người đánh cá bột đi qua đều nhường đường như ưu tiên cho xe cứu hoả, cứu thương. Khi mệt ngồi nghỉ, người đánh cá mở chiếc sàng đậy nắp thúng sơn rồi dùng tay vỗ vào mặt nước để tăng oxy. Chiếc sàng đậy trên nắp thúng sơn mắt thưa vừa phải để khi gánh đung đưa cá không bắn ra ngoài, nhưng phải đủ độ thoáng để cá không nghẹt thở. Chiếc thúng sơn bằng sơn ta màu đen bóng trông rất bắt mắt.

Đem cá bột thả xuống ao cũng phải thật kỹ thuật. Ta để chìm chiếc thúng cá thật từ từ để cá làm quen dần từ môi trường nước sông sang nước ao, nếu đổi thúng sơn nhanh, mạnh quá cá bột cũng dễ choáng.

Cá bột mới nở người trong suốt chỉ có bụng màu thẫm, đôi mắt to đen và có vành như đeo kính, thường bơi nổi trên mặt nước như con bọ gậy. Lúc này thức ăn chính của cá là những bó lá cây cúc tần ngâm dưới ao vài ngày đang độ tan rữa. Thời gian sau, cá bột mới bắt đầu ăn được bột cám, bột ngô và các loại thức ăn nổi trên mặt nước. Cá nhỉnh lên một chút bắt đầu ăn được phân lợn hoặc phân bắc trôi lềnh bềnh trên ao. Cá bột không lặn sâu xuống đáy ao để ăn những thức ăn chìm. Những hôm thay đổi thời tiết cá bị thiếu oxy, người nuôi cá phải dùng đòn tre sục trên mặt bùn để tăng độ oxy làm dẻo cá. Cá bột thả chung với cá mè to vì cá mè lành, chỉ toàn ăn tảo và phù du.

Sau một vài tháng cá bột được vớt đem bán hoặc thả vào các ao nuôi cá thịt. Đánh cá bột dùng loại lưới kéo thật mau nên dân kéo lưới tốn rất nhiều sức. Cá bột bắt lên thả vào cái cháng rộng hơn cái màn đôi để dưới ao. Sau đó mọi người vận chuyển cá thật nhanh, chậm là cá chết hết. Người gánh cá bột phải có sức khoẻ như vận động viên chạy việt dã và biết cách đánh võng tạo sóng như diễn viên múa. Cá càng nhỏ vận chuyển càng dễ sống.

Bán cá con có hai cách: cách thủ công nhất là đếm, còn cá thì tính theo centimet. Người đếm cá cũng cần thật nhanh, nhiều khi cũng phải dùng nhiều người cùng đếm nên rất dễ nhầm lẫn. Người nuôi cá giống phải điêu luyện và tỉnh táo. Người bán cá trong khi đếm có lúc lại đưa một con cá lên cho chủ xem và bảo:
— Con này tốt.

Chủ đang tập trung vào xem cá thì lập tức người đếm cá đang từ 21 chuyển sang 81 nên chủ không phát hiện ra được chiêu lừa này. Cách bán thứ hai theo bát. Múc một bát cá đem ra đếm. Lúc này đơn vị bán sẽ là bát. Ví dụ một bát cá 100 con, bán 100 bát là một vạn con. Cách này người bán sẽ múc chỗ có nhiều cá nhỏ nhất nên một bát thành nhiều con. Bán 100 bát sẽ tính thành 120 bát. Dù gì chăng nữa người mua cũng thua người bán.

Nếu cá bột bán xa lên tận vùng Tây Bắc chẳng hạn thì phải chở bằng thùng phuy đặt trên ô tô. Người bán cá đánh sóng trên thùng phuy suốt dọc đường. Bán cá đường xa được món hàng lớn nhưng cực vất vả, nhiều khi cá chở đến nơi chết hết đành phơi khô hoặc cho lợn ăn dần.

Chuyên gia nuôi cá phường Trương Định là hai ông Ba Mùi và Ba Còi, người Giáp Nhị nằm bên đường Trương Định. Đặc biệt Giáp Nhị nằm ngay sát đường Trương Định nhưng người Giáp Nhị có giọng nói khác hẳn người Trương Định, các cụ bảo vì uống hai giếng nước khác nhau:
“Toét mắt là bởi hướng đình
Cả làng toét mắt chứ mình em đâu”
.

Thuở ấy, hai ông này mới trên năm mươi mà đã được cả làng tôn xưng là cụ. Cụ Ba Còi sống cùng vợ và không có con. Cụ Ba Còi ông đầu húi trọc, mặt hình tam giác, có vết sẹo ở trên trán. Cụ Bà Còi bà mặt hơi bẹt và dài. Hai cụ đều có nước da của dân mò tôm bắt tép: mái mái và thâm thâm.

Cả hai cụ mắt rất kém, cùi mắt đục như lòng nhãn. Hại cụ quờ quạng đi trong nhà có khi đâm vào nhau ngã bổ chừng, người này đổ tại người kia cuối cùng ôm nhau khóc vì nghĩ tới số phận sau này của mình mà kinh. Có lần tôi vào ngồi chơi, cụ Ba Còi lấy ấm rót nước. Thấy cụ cứ vồ vào con mèo làm tôi ngạc nhiên hoá ra cụ tưởng con mèo là ấm nước. Cụ Ba Mùi quắc thước hơn: mặt trái xoan, mũi dọc dừa, mắt sáng, ăn nói rất chậm rãi chừng mực. Con cái cụ Ba Mùi đều làm nghề cá. Lịch sử cái tên Ba Mùi có lẽ do cụ lội ao suốt đời cho nên có đủ ba mùi: tôm cá, mùi bùn ao và mùi mồ hôi của người.

Cụ Ba Còi mắt kém vẫn phải đi trông ao chống trẻ con câu trộm. Ngày xưa các chủ ao thường bắc cầu tiêu trên bờ để mọi người đi đại tiện lấy thức ăn cho cá. Nhiều chủ ao đi xa nếu mót vệ sinh vẫn cố nhịn để về cầu tiêu của mình đại tiện cho cá nhà ăn. Thấy phân người rơi tõm xuống ao là cá xô đến quẫy đớp ùm ùm, cho nên cầu tiêu gọi là “cầu tõm”. Cầu tiêu thời ấy trống trải lắm, chỉ che phất phơ mấy tàu lá chuối, trong ngoài cũng trông thông thống thấy nhau. Thuở ấy không có giấy, mọi người thường tước lá chuối khô làm giấy vệ sinh. Trẻ con thường trả vờ đi vệ sinh và câu trộm cá. Các chú nhóc ngày xưa câu cá rất hiền lành, thấy chủ ao đuổi là bỏ chạy chứ không như câu trộm cá sau này toàn tụi đầu gấu có thể đánh lại chủ như chơi. Cụ Ba Còi mắt ba cà loé, cụ chỉ nhìn thấy hình người lờ mờ không phân biệt được kẻ câu trộm và người thường. Cụ Ba nghĩ mẹo mua một cái còi thổi toe toe để đuổi trẻ con. Tụi trẻ con biết cụ doạ nên chả ai sợ. Nếu cụ mắt sáng về mách bố mẹ chúng câu trộm thì bọn trẻ mới sợ bị ăn đòn.

Thỉnh thoảng cụ Ba Còi tỏ ra Mít tơ oai để doạ kẻ câu trộm: cụ khoe xưa đã từng đánh chết một người rồi ngồi tù. Hỏi ra mới rõ thời còn tỉnh mắt, cụ Ba đạp xích lô đâm chết bà cụ già tuổi chín mươi đã gần đất xa trời nên phải tù, hưởng án treo.

Làng cá gồm năm thành phần chính: chủ hồ ao, thợ lưới, cánh tát ao, người buôn cá và thợ đào đất đắp bờ. Thợ đào đất gọi là “đấu đất”, nghề thổ mộc này rất vất vả cần phải có sức khoẻ như lực sĩ, người làm nghề này đến già dễ bị ho ra máu. Nhưng đôi lúc có những cô gái mảnh mai, xinh đẹp đấu đất không thua gì loại lực điền. Cô như bông hoa sen mọc từ đầm lầy tanh tưởi. Những cô gái này là nguồn động viên vô tận cho cánh thợ đất.

Thường đấu đất khoán theo hai cách: khoán khối chìm dưới lòng ao, khoán khối nổi trên bờ ao. Trông coi thợ đất cực vất vả, khoán khối chìm rất khó quản lý thợ vứt đất lung tung. Khoán khối nổi thợ cũng đầy mưu mẹo tìm cách xếp đất lổng chổng để ăn gian khối lượng. Khi đo khối lượng đất để trả công là lúc gay go nhất. Chủ ao chỉ có một hai người không đủ mồm cãi lại với mấy chục thợ đất.

Thợ đấu đất mệt nhất là người thủ mai, bốc lỗ rồi đến người ném đất cuối cùng: “Thứ nhất thủ mai thứ hai bốc lỗ”. Cánh thợ đấu đất nổi tiếng nhất toàn quốc ở Hà Nam vì vùng này đồng chiêm trũng nên thợ mò và vác đất cực giỏi. Ngày xưa cắt đất toàn bằng mai, sau này cải tiến dùng kéo cắt năng suất tăng gấp ba. Kéo cắt đất gồm hai càng bằng sắt trên có tay cầm, dưới hai càng sắt nối nhau bằng một dây phanh. Thợ đấu ấn mạnh kéo xuống đất rồi quay một vòng nhấc lên là đã có một khoanh đất to như lợn con.

Thợ kéo lưới thường dân Vân Đình gần chùa Hương, Hà Đông. Đám này trọ ở nhà cụ Hiến, nguyên là thợ xẻ gỗ. Người cụ chắc như gỗ lim, da nâu bóng, tóc bạc phơ trông như một hiệp sĩ Võ Đang. Nhà cụ Hiến ở cuối ngõ 176 Trương Định.

Đầu ngõ vào nhà cụ Hiến có một cái lò gạch bị phá dở, cây cối, cỏ hoang phủ đầy khiến ai ngắm cũng dễ liên tưởng tới cái lò gạch nơi Chí Phèo ra đời. Phía trước lò gạch là khu ruộng. Thời chiến tranh phá hoại, đây là bãi bom B-52. Bom khoét ruộng thành hai cái ao. Một đồng chí cán bộ khối phố và một đồng chí công an tranh nhau chiếm hữu. Kết thúc, công an mạnh hơn nên đã thắng.

Nhà cụ Hiến ở giữa khu vườn rộng hơn ba nghìn mét, đường vào nhà lát gạch như đường làng, cây cổ thụ xanh tốt um tùm. Nhà cụ Hiến xây một tầng như chiếc lô cốt và cũng rất hợp với hình bóng cụ Hiến: người làm sao của chiêm bao làm vậy.

Đường vào nhà cụ Hiến men theo những hồ ao thẳng đứng vì đây là nơi lấy đất làm gạch chứ không phải ao hồ thiên nhiên. Trẻ con hằng năm đều có đứa chết đuối. Mọi người đồn nhau dưới ao này có nhiều ma lam. Ma lam là ma bị chết đuối. Nếu ma lam muốn siêu thoát thành người thì phải dụ dỗ một người chết đuối thay mình làm ma lam. Trẻ con không dám bơi ở ao hồ có người chết đuối vì sợ ma lam rút chân dìm xuống nước. Đứa trẻ nào ở xa đến bơi doạ ma lam đều bủn rủn chân tay, chạy tót lên bờ.

Cụ Hiến tên thật là gì không ai biết. Ngày xưa kiêng tên gọi cúng cơm mà chỉ lấy tên người con cả đặt cho mình để tỏ lòng kính trọng. Cụ Hiến có ba con trai. Con cả tên Hiến; con thứ hai tên Đế, họ Hoàng nên gọi là Hoàng Đế; con út tên Cương đi tu ở chùa Hương nên gọi là Sư Cương. Hai con đầu đã quy tiên. Sư Cương đã đắc đạo hay chưa không ai biết.

Hoàng Đế lấy vợ rất sớm. Đôi vợ chồng tảo hôn thường chơi đùa cõng nhau quanh vườn, chơi bi, chơi đáo, đánh nhau chí choé, khóc lóc ầm ĩ. Sau khi trưởng thành có hai mặt con một trai một gái thì li hôn.

Ngày xưa tôi thường lang thang trên gò đống, bãi tha ma, bờ ao chuôm quanh nhà cụ Hiến. Có thời hội khảo cổ đã đào được cổ mộ gần nghìn năm ở đây nhưng dân làng cá không hề để ý. Khu này tôi thường đi bắt ếch nhái, cào cào, châu chấu đem về nướng ăn một cách hết sức thú vị. Năm Ất Dậu 1945, đây là huyệt chôn chung hàng nghìn dân chết đói. Mỗi sáng xe bò lại kéo đi gom xác chết toàn thành phố đổ về đây. Xe chở đầy xác chết được đắp lên trên một manh chiếc rách. Chân tay người chết thò ra ngoài thõng thẹo, đung đưa theo nhịp xe lọc cọc, gập ghềnh:
“Bãi tha ma mưa phùn lất phất
Những cô hồn húp bát canh ma
Một làn gió nhẹ lướt qua
Hồn siêu phách tán biết là về đâu”.

Đêm đêm những đống mả chôn chung phụt lên những ánh lửa lân tinh xanh lét gọi là ma trơi. Ma trơi thấy người thì đuổi theo luôn nhưng bao giờ cũng giữ một khoảng cách. Người chạy ma đuổi. Người đuổi ma chạy. Người đứng ma đứng. Người bị ma trơi đuổi thường hốt hoảng chạy ngã xuống ao chết đuối hoặc tự ngất, nếu không cấp cứu kịp thời có thể sáng ra thấy nằm chết cứng trên nghĩa địa:
“Lửa ma trơi không làm ấm mộ
Ma lìa cành hú gió đêm thâu
Cô hồn lạnh lẽo đất sâu
Chỉ mong ấm xuống một câu nhân tình”.

Khu này chim lợn kêu eng éc suốt đêm. Khi trăng tỏ, nhìn lên bầu trời thấy từng đôi chim lợn bay cách nhau khoảng 50m vừa bay vừa kêu não nùng, có lẽ là tiếng kêu gọi bầy hay đi tìm xác chết của đôi chim ma.

Mỗi buổi trưa cánh thợ phơi đầy lưới trong sân, mùi tanh ngòm, ruồi nhặng bay vo ve. Thợ lưới ngoài tiền công còn được chủ hồ thưởng một vài cân cá về nhà nhắm rượu. Tất cả thợ lưới đều nghiện rượu nặng. Nhiều khi say rượu, người cùng làng cùng họ, chú cháu đánh nhau lung tung, công an phải bắt lên đồn nhốt lại, tỉnh rượu tự giải quyết với nhau. Thủ đoạn của thợ lưới ăn cắp cá của chủ hồ rất tinh vi: khi thu lưới gánh về, thợ lưới cuốn một số cá vào đống lưới, chủ ao không thể phát hiện, nếu có bắt được cũng chỉ coi như vô tình. Thủ đoạn bại lộ vì cánh lưới chia làm hai phe tố cáo lẫn nhau. Phe ông Trống và phe ông Sáu. Phe ông Trống đông nhất. Ông Trống mặt dài, người cao, cổ cao nên dễ dàng lội qua những hố nước tương đối sâu mà không ngập đầu. Ngày xưa thường thả phân người tươi cho cá ăn. Phân nổi lều bều trên ao. Nếu người cao sẽ không phải ngụp lặn dưới những bãi phân. Nhiều khi kéo lưới, cá và phân lẫn vào nhau. Ông thợ lưới nhặt từng nắm phân bỏ ra ngoài như nắm bùn rác. Có ai bảo phân bẩn, cánh lưới trả lời hồn nhiên như cô tiên:
— Cứt mà thối à.

Ông Sáu phe đối lập với ông Trống thì người vuông chắc như cục gạch.

Mẻ kéo lưới đầu quyết định 80% số cá thu hoạch được. Mọi người trên bờ hồi hộp chờ kết quả của mẻ lưới đầu như chờ kết quả xổ số. Nếu thấy thợ lưới gò lưng kéo chắc sẽ được nhiều cá, nhưng cũng có khi mừng hụt vì lưới mắc phải cây tre chìm nên cá chạy hết. Trước khi kéo cá, thợ lưới phải đi dọn sạch ao xem có cây cối gì chìm dưới ao không nhưng cũng có khi bỏ xót. Cá kéo lên bờ là lúc ồn ào nhất. Cánh buôn phân loại cá rồi bỏ vào các rổ khác nhau, mặc cả thành giá cho vào mẹt rồi hối hả chở đi các chợ bán. Cá không chở bằng rổ vì chúng đè lên nhau dễ thành ươn, mất giá. Ngày xưa chở cá đi các chợ bằng xe đạp hoặc gánh nên phải đi nhanh. Khi tàn chợ, chủ hồ nhẩm tính xem thắng nhiều hay thắng ít rồi ra sức kì cọ sân sướng, nhà cửa vẫn không hết mùi tanh lòm. Chủ ao bớt lại một số cá ngon đem đi biếu, còn mình chỉ ăn mấy con cá tép, tôm riu, cá mè. Nhà hàng săng chết bó chiếu là vậy.

Đặc biệt nhất người phường Trương Định có nghề đi đánh vó te. Vó te là một miếng màn, mỗi chiều khoảng độ 40cm, dùng hai thanh tre mỏng căng lên thành vó. Đánh vó te chỉ chỉ bắt được tôm, tép nên chủ hồ ao cho phép những người nghèo khổ đi kiếm miếng ăn đỡ đói.

Cạnh nhà cụ Hiến có cụ Hai Lợi người có vườn ao rộng nhất phường Trương Định và cũng có cách sống khổ nhất phường Trương Định. Cụ Lợi người gầy như que củi, quần áo rách rưới, chân nam đá chân chiêu, nửa say nửa tỉnh, luôn mồm không biết chửi hay nói chuyện với ai. Cụ Lợi tuổi trẻ đánh chết một người cùng làng. Khi ra tù cụ đi lại như người mất hồn. Làng nước bảo cụ Lợi bị hồn ma người chết ám. Con cụ Hai Lợi là ông Dĩ. Ông Dĩ người thấp, mắt to lồi. Ông cũng là người giàu nhất phường Trương Định và cũng là người có cách sống khổ nhất. Ông Dĩ làm ở bệnh viện Bạch Mai bị bắt vì nghi chống đối chế độ. Ra khỏi tù ông giữ gìn mấy bộ quần áo ghi rõ cả số tù còn quý hơn cà sa báu, Phật tặng cho Đường Tam Tạng, chỉ ngày Tết, ngày lễ lớn như 1/5, ngày Quốc khánh 2/9 ông mới mang ra diện, đi ngông nghênh suốt phố không biết vì dở hơi hay chính trị, chính em gì.

Đánh lưới chỉ là cách thu hoạch tỉa. Cách thu hoạch chính là tát ao. Ngày xưa tát ao có ba cách: gầu sòng chỉ tát vũng nước không sâu lắm. Gầu gồm một cái sòng nan tre buộc trên hai cây tre gác chéo vào nhau. Gầu này chỉ cần một người tát và chỉ bắt được tôm tép, to nhất là chú cá quả bằng chuôi liềm.
Hình ảnh những cô gái tát nước trữ tình sống mãi trong ca dao, tục ngữ Việt Nam:
“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”.

Gầu dai dùng để tát ao nhỏ nhưng sâu. Gầu dai có hai người đứng đối diện nhau cầm hai sợi dây thừng vung gầu lên cao rồi vục xuống nước, hất lên đổ sang bờ bên cạnh. Gầu dai tát khó hơn gầu sòng vì phải phối hợp uyển chuyển giữa hai người. Tát nước gầu dai thường một đôi nam nữ. Họ tát nước như đôi uyên ương múa lượn giao tình giữa cánh đồng xanh mướt, thoảng mùi hương đồng cỏ nội, rộn ràng tiếng cười khúc khích của những cô gái chưa chồng, trêu ghẹo đôi trai gái tát nước:
“Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy vào khâu cho cùng
Khâu rồi anh sẽ trả công
Đến lúc lấy chồng anh sẽ giúp cho
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp đôi chằm em đeo
Giúp em quan tám tiền treo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau”.

Cô tát nước đôi lúc nứng tình cũng hát ghẹo trai qua đường:
“Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại em than đôi lời
Đi đâu vội lắm anh ơi
Việc quan đã có chị tôi ở nhà”
.

Trai qua đường cũng nứng tình thầm mong ước trong câu ca:
“Hỡi cô tát nước một mình
Cho tôi tát với chung tình làm đôi
Cô còn tát nữa hay thôi
Cho tôi tát với làm đôi vợ chồng”.

Tát ao, đầm hồ lớn phải dùng đến guồng tát nước. Guồng tát nước bằng gỗ, nguyên lý vận chuyển như bánh xe nước của người dân tộc thiểu số nhưng phải dùng sức người. Guồng tát nước gồm một cái hòm dẹt độ 20cm, cao 40cm, dài 2m. Có những lá gỗ hình chữ nhật đặt vừa trong đó. Khi những chiếc lá gỗ được đạp như người đạp xe đạp, nước sẽ vận chuyển từ ao lên rồi đổ qua bờ. Khi guồng nước đạp ngang chỉ một người là đủ, còn bình thường cần hai người cùng đạp. Ngang tầm ngực có đòn tre để người tát tựa vào và buông thõng hai tay hoặc bíu vào một sợi dây thừng để giữ thăng bằng. Nếu khi bánh xe bị tuột hoặc đứt như xích xe đạp thì thợ tát phải đu người trên đòn tre, hai chân co lên để bàn đạp bằng khúc gỗ tròn khỏi đập vào ống chân tím bầm, đau lịm. Trên đòn tre có lợp mái bằng cót hay rạ che nắng mưa. Tát ao phải có bốn người, chia làm hai kíp tát suốt ngày đêm, thêm một người chuyên phục vụ cơm nước. Phải tát suốt ngày đêm vì nếu nghỉ các mạch nước rò rỉ vào coi như toi cơm. Thợ tát phải luôn tìm chỗ mạch nước rò rỉ để bịt lại, nếu không bịt lại được đành bỏ của chạy lấy người. Nếu vô phúc trong lúc tát ao bị mưa to, nước ao đầy như cũ sẽ phải làm lại từ đầu. Thời ấy không có dự báo thời tiết, mặc dầu dự báo thời tiết cũng sai lung tung nhưng có cũng hơn không. Người thợ tát phải tự: “Trông trời trông đất trông mây, trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm”. Thí dụ thấy hoa tóc tiên nở rộ biết sắp có mưa to hoặc:
“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”.

Thợ thường chọn tát ao vào cuối thu, trước khi tát làm lễ ngay cạnh cỗ xe tát nước để cầu trời phật phù hộ độ trì như khởi công xây móng nhà. Tát ao chỉ thuê khoán chứ không ai thuê công nhật.

Làng cá thường thuê thợ tát ao Giáp Nhị, Yên Duyên, Yên Sở… Người tát ao uy tín nhất là cụ Hai Liên người Yên Sở. Cụ người nhỏ bé, râu ba chòm, đi lại nhanh thoăn thoắt như Tôn Ngộ Không. Yên Sở làm ao còn có cụ Bếp, cụ Bếp từng đi làm đầu bếp cho Tây nên thành danh. Niềm tự hào duy nhất suốt đời của cụ Bếp là được quan Tây tát cho một cái ở Paris. Người làm nghề trông dọn ao thuê còn có ông Nhu người Đại Từ. Khi ai hỏi ông ở đâu, ông thường dặn cặn kẽ, đến làng Đại Từ hỏi ông Nhu đi làm thuê để khỏi nhầm với ông Nhu là cục trưởng nông nghiệp. Ông Nhu đi làm thuê, hình dáng oai phong hơn ông Nhu cục trưởng. Ông Nhu cục trưởng lại giống kẻ làm thuê. Ông Nhu có cậu con trai to khoẻ tên là Toan bị điên. Một lần lên cơn, Toan dùng đòn gánh đánh vợ bị thương. Cả nhà vợ đuổi đánh Toan, đến khúc ngoặt trong làng, Toan trốn vào chuống xí, nhà vợ lại vác gậy đuổi sang ngõ khác. Sau khi thoát nạn, Toan đi suốt làng trên xóm dưới rêu rao là cả nhà vợ bị điên vì Toan nấp vào chuồng xí xóm Đông, nhà vợ lại tìm đánh Toan ở ngõ Đoài. Vậy ai điên, ai tỉnh? Phải chăng loài người đều thế cả:
“Thiên hạ điên tất cả rồi
Chỉ cách dở chứng mỗi người khác nhau”.

Ông Nhu đêm trông ao cho chủ bị kẻ trộm vào bắt cá. Chủ trách, ông bảo vì lúc đó mưa to ông lo con bò ở nhà bị trộm nên mặc dầu trông thấy kẻ trộm lội dưới ao mà ông vẫn quên không hô hoán. Ngày xưa, để chống kéo lưới trộm, chủ ao chặt cây tre cắm dưới ao, kẻ nào lưới trộm biết ngay vì cành tre mất dấu.

Những người tát ao bằng guồng chỉ có nam giới tuổi trung niên nên không lãng mạn bằng trai gái tát nước bằng gầu dai, gầu sòng giữa đồng lúa xanh mướt, cánh cò bay lả bay la.

Guồng tát nước được đặt trên bờ ao, dưới tán bụi tre hoặc cây vối, cây xoan nơi vắng vẻ, chẳng có chút gì là tình tứ lãng mạn nên cũng chẳng có hò hát ca dao, long lanh liếc mắt đưa tình. Chỉ thỉnh thoảng thấy vài tiếng cười ằng ặc khi các vị tởn lên kể câu chuyện tiếu lâm bốc mùi mắm tôm, tiếp theo là một câu quát:
— Cười đéo gì, đứt cả xích guồng nước, bàn đạp đập vào chân bố mày đau chết mẹ.

Những đêm thanh vắng, mấy ông thợ tát chống mất ngủ bằng cách uống nước chè đặc và hút thuốc lá sòng sọc. Cánh thợ tát thường cả đêm rên rỉ một câu thơ đầu ngô mình sở:
“Em ra ngồi gốc cây đu đủ
Em ngủ một mình”.

Tiếng guồng tát nước đều đều, ọc ạch suốt đêm ngày một giai điệu buồn buồn như ru ngủ.

Khi ao cạn khoảng một nửa, các góc gách bờ ao bắt đầu lộ ra những tiểu sành, đầu lâu xương cốt, những quan tài vô thừa nhận hàng trăm năm, xưa chôn ở giữa vườn bị nước xói lở thành nửa trong đất nửa ngoài ao. Người tát ao lúc đó rất thành kính bốc xương cốt vào tiểu sành, đặt lại nghiêm chỉnh, rồi mua đồ cúng lễ, thắp hương đốt vàng mã cầu cúng hồn linh thiêng phù hộ. Nếu thấy trong hốc áo quan có vũng nước váng màu hồng nhạt, họ sẽ thò tay vào bắt từng đàn cá trê béo nhẫy, vàng ươm.

Ao sắp cạn là lúc hồi hộp nhất. Cá bơi sục đục ngầu khắp hồ. Những con cá to nổi vây quẫy đoành đoành. Người thợ tát phải khơi một dòng nước chảy vào guồng tát, cá thường bơi theo dòng nước xuôi vào guồng tát làm tắc máy. Thợ phải dùng cái đăng chặn cá từ đầu dòng. Lúc này người hôi cá đứng trên bờ đông như hội, đa số là đàn bà trẻ con, mắt đăm đắm nhìn đàn cá dưới ao một cách thèm thuồng, hi vọng.

Sắp cạn ao, chủ hồ sẽ đánh một mẻ lưới thu hoạch khoảng 80% số cá. Ao cạn, chủ hồ huy động toàn lực lượng xuống bắt cá. Bắt cá vầy bùn là một thú vui tuyệt vời hơn hẳn thú tắm bùn hiện đại ngày nay. Thỉnh thoảng một chú cá nhảy lên gần bờ ao giãy đành đạch, mọi người tranh nhau vồ cướp. Chủ ao chia quân làm hai cánh: một cánh bắt cá, một cánh đuổi người hôi. Họ đuổi người hôi bằng cách té nước bùn để người hôi phải chạy ùa lên bờ, nếu ai chạy chậm sẽ bị bùn bắn đầy quần áo và mặt mũi. Nước ao cạn hết, người bắt cá kéo thuyền cá lên bờ. Người hôi cá ùa xuống ao. Cả ao hỗn loạn, hò hét inh trời. Có đứa táo bạo cướp cả cá của chủ ngay trong lưới.

Hôi cá có hai loại: loại nghiệp dư là lũ trẻ trai gái hàng xóm, chúng cởi áo buộc túm lại thành túi đựng cá, có đứa liều hơn tụt quần, thắt lại làm túi, rồi dùng bùn phết vào cu cho đỡ xấu hổ, có đứa dùng cọng cỏ làm dây xâu qua mang cá thành chuỗi. Cảnh hôi cá náo loạn và vui như hội, phảng phất nét vui như đi cướp ấn đền Trần ngày nay nhưng thanh tịnh, chân quê hơn. Người đi hôi sau tóm được cẳng chân người đi hôi trước tưởng là cá bự túm thật chặt rồi hất ngược lên khiến người trước ngã bổ chừng.

Đám hôi chuyên nghiệp ở các nơi đến: đeo sau lưng cái giỏ, quần áo nai nịt gọn ghẽ và kết quả số cá hôi được bao giờ cũng gấp năm lần số cá dân nghiệp dư, nhưng không vui bằng:
“Hôi cá mưa nắng suốt ngày
Được con cá tép mà say hết lòng
Hạnh phúc không thể đếm đong
To không hơn nhỏ, ít không kém nhiều”.

Cánh nghiệp dư vừa bắt cá vừa đùa nghịch chát bùn vào nhau vui hơn hội. Bố mẹ chúng đứng trên bờ cũng không nhận ra con mình là ai nữa. Các vị phụ huynh chỉ đứng trên bờ dứ cái roi xuống ao hò hét con mình về ngay không thì chết đòn. Nhiều trẻ đứng trên bờ thích thú quá ùa xuống ao không hôi cá chỉ vầy bùn. Bùn phủ đầy người, chúng ngắm nhau lạ lẫm vui như ngày hội hoá trang. Cuộc chơi nào rồi cũng kết thúc. Cá ao đã hết. Người hôi cá sang ao bên tắm rửa, giặt rũ quần áo và khoe nhau chiến lợi phẩm. Mặc dù đã cố kì cọ, tắm rửa thật sạch sẽ, nhưng thường về nhà thế nào cũng vẫn còn mảng bùn bám sau gáy, sau lưng hoặc cùi tay. Bố mẹ cánh hôi lôi con sềnh sệch về nhà quát tháo ầm ĩ nhưng cũng vẫn không quên mang cá hôi đươc ra đánh vẩy, mổ bụng và ánh mắt lấp lánh niềm vui.

Kỷ niệm ấu thơ hôi cá này sẽ in dấu suốt đời trong lòng người dân làng cá dù ở nơi chân trời góc bể nào.
“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ”.

Có lẽ làng cá chỉ còn sót lại một cái ao. Giữa ao xây tượng Phật Quán Thế Âm Bồ Tát tại gia đình ông Nguyễn Bảo Sinh số 167 Trương Định, Hà Nội. Ông Bảo Sinh xưa là trẻ đi hôi cá nay đã ở tuổi 80.

Sau này hôi cá toàn tụi đầu gấu nghiện hút như làng cá Thanh Nhàn. Chúng cướp cá trắng trợn và hành hung chủ ao không thương tiếc. Nhiều ao hồ bỏ hoang vì sợ.

Ngay những ao cá hợp tác xã của nhà nước cắm biển đề: “Ao cá Bác Hồ”, có chính quyền bảo vệ, tụi đầu gấu cũng chẳng thèm để ý. Chúng tháo biển đề lại là: “Ao cá bắt hộ”. Công an cũng đành bó tay. Nhiều chủ ao đã bị đầu gấu chém chết.

Cá thu hoạch đưa lên bờ các thương lái mua bán với chủ hồ. Người buôn cá nổi tiếng nhất vùng là bà Lai, bà Cả Thu, cô Đỗ, cô Teo… Bà Lai là dân buôn cá thành phố, còn cánh buôn khác thuộc dân quê. Bà Lai người thanh mảnh, mỏng mày hay hạt, da mặt lang trắng quá nửa, thời trẻ chắc xinh lắm. Bà Cả Thu người cao to, phục phịch, mặt phúc hậu. Cô Đỗ mặt tròn, da thiết bì, người đậm, có chồng tên Đông làm chủ tịch xã Giáp Nhị nay đã thành phường. Cô Teo đúng như tên, người teo tóp lại. Người buôn cá xưa đều là những người chất phác, thật thà cũng như xã hội thời đó.

Hình bóng các cô bán cá hối hả đạp xe trong sáng sớm tinh mơ trên đường phố Hà Nội vắng tanh không đèn xanh đèn đỏ chẳng bao giờ phai mờ trong lòng người Hà Nội.

(Trích "Bát Phố" của Nguyễn Bảo Sinh)