539 Long Bien bridge, Quan Chuong gate, Clock square

Cầu Long Biên, Ô Quan Chưởng, Cột đồng hồ

sông Hồngcửa ô

Cầu Long Biên

Người Hà Nội nào, khi qua cầu Long Biên cũng thấy cảm giác xao xuyến trong lòng như dòng sông Hồng cuồn cuộn dưới chân cầu.

Trẻ thơ mở trí nhìn đời
Cho nên luôn hỏi những lời: “tại sao?”
Người lớn nhắm mắt ra vào
Nhờ người dắt hộ, “tại sao” không cần.

Trước chiến tranh phá hoại, cầu Long Biên đẹp như con rồng uốn khúc qua sông Hồng. Ở đây ta thấy sự đồng cảm của vua Lý Thái Tổ khi rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, với kiến trúc sư người Pháp khi thiết kế cầu Long Biên, người kiến trúc sư sắt thép của tháp Eiffel [Thực ra cầu Long Biên do công ty Daydé & Pillé thiết kế, không phải Eiffel —NCCông CT.] lại nhập hồn với nét rồng bay phượng múa của tâm linh người phương Đông. Cuộc giao duyên kỳ ảo giữa đông Tây, kim cổ đã sinh ra chiếc cầu Long Biên.

Đường Trần Nhật Duật - Yên Phụ ©NCCong 2015

Đứng trên cầu Long Biên nhìn xuống bãi cát giữa sông, người Hà Nội thấy tâm hồn mình có gì trống vắng như thiên nhiên nơi này. Rồi đột nhiên ta tìm được tên để gọi cái trống vắng, hẫng hụt trên mom cát giữa sông: Đó là ngôi làng quê mà vì bảo đảm cho dòng chẩy sông Hồng, ta đã giỡ bỏ hết đi, nay chỉ còn bãi ngô xanh rì. Ngày xưa, khi mùa nước cạn, người Hà Nội chỉ xắn quần lội qua khe nước là được thưởng thức hương vị một làng quê ngay giữa Hà Nội. Cái làng quê này cũng đủ cả cây đa, giếng nước, chùa làng cùng hương đồng, gió nội. Mỗi chiều, các cô thôn nữ gánh nước giếng, mấy cậu mục đồng giắt trâu về trong tiếng sáo diều vi vu. Những con bò ngơ ngác ngắm chiếc máy bay bà già - máy bay cánh quạt hai thân - cất cánh từ sân bay Gia Lâm trong buổi hoàng hôn êm đềm.

Cái làng xưa ấy, nay chỉ còn nương ngô, vạt khoai, giữa là một cái lều vịt liêu xiêu trong gió cát.

Đặc biệt mom cát này có một bãi tắm truồng của nam giới mà ít người biết đến. Một số người Hà Nội hàng ngày đến đây tắm nude giữa thiên nhiên nude. Sau khi tắm xong, nước sông lạnh, gió sông mạnh, ai cũng thấy đói cồn cào. Họ tồng ngồng ngồi quanh một ngôi mộ, họ bầy đồ nhắm nhậu nhẹt thâu đêm. Ngôi mộ này là mả của một cô gái chết trôi. Đến khúc sông này thì xác cô cứ quay vòng. Dân làng nghĩ là thiêng, vớt xác cô vùi nông xuống doi cát. Rồi không biết từ bao giờ, có người nào đó, nặng duyên nợ đã xây lại ngôi mộ, chứ không còn “sè sè nắm đất bên đường” như mả Đạm Tiên nữa.

Nhậu nhẹt bên nấm mồ của cô gái chết trôi, các nude nhân cảm thấy được sự hoà hợp giữa âm dương, giữa thật và ảo, giữa ánh trăng lạnh lẽo ban đêm và chất men rượu rừng rực trong lòng.

Tắm tiên bãi giữa sông Hồng

Thuở 1947, ai đi qua cầu Long Biên cũng rợn. Đầu cầu là một bốt gác của lính lê dương. Ai trông thấy lính da đen rạch mặt trông như cột nhà cháy vác súng đi lại mà chả run. Cái bốt ngày xưa dây thép gai rào chằng chịt hơn tơ nhện, một con chuột chạy vào không lọt, lổng chổng chỉ có những ống bơ vứt bừa bãi và những bao thuốc lá Cô-táp. Ai trông thấy lính lê dương, lính Pháp chả run như cầy sấy. Ngay cả đến loại anh chị bợm trạo cũng phải lảng thật xa. Dạo ấy dân sợ lính lắm. Các tay anh chị thanh toán nhau, nếu phe nào kéo bè đảng được với lính tay cầm súng, thắt lưng giắt lựu đạn thì thắng là cái chắc.

Cầm đầu băng đảng ở đầu cầu Long Biên và chợ Đồng Xuân ̣(lúc đó chợ Bắc Qua chỉ là bãi đá bóng nghiệp dư) là ba tên: Chào Mào, Mả Lươn, Tâm Ba Tai. Tên thật của Mả Lươn là gì thì không ai biết, chỉ biết ở bắp đùi tay này có chỗ bì rò, máu mủ chảy ra hôi thối không thuốc nào chữa được. Còn tay Chào Mào thì hay đội mũ của lính Chào Mào và cũng có quen một vài tay lính Chào Mào. Trong một cuộc tranh địa bàn hoạt động, hai tên đã thi nhau, ai dám chặt một ngón tay thì được làm đại ca. Trận đấu đó, Mả Lươn đã thắng. Nhưng Chào Mào không phục, gọi Tâm Ba Tai đến thi tài. Tâm Ba Tai đã rút dao cắt một miếng tai nướng tại chỗ để uống rượu nên gọi là Tâm Ba Tai. Tuy vậy, thế lực của ba tên xã hội đen vẫn chỉ là Tam quốc diễn nghĩa.

Ta mới nói về chuyện quanh cái bốt gác dưới chân cầu Long Biên. Còn các mố cầu cũng rào dây thép gai chằng chịt sâu tận xuống dưới đáy sông. Đến tối đèn dưới chân cầu sáng rực để đề phòng Việt Minh phá cầu. Có lần bọn trẻ chúng tôi bơi ở bãi Phúc Tân, vì mải chơi lội đến tận chân cầu, đã bị lính Tây trên cầu bắn loạn xạ xuống, may mà không ai chết. Đặc biệt, tất cả bọn lính gác cầu toàn là Tây chứ không có lính Ngụy.

Không hiểu sao suốt chín năm kháng chiến, chiếc cầu Long Biên, cái cổ họng này của Hà Nội được Pháp bảo vệ tuyệt đối an toàn.

An toàn cho đến 10/10/1954, tên lính lê dương cuối cùng rút khỏi, vứt xuống dưới đường cho lũ trẻ con bao thuốc lá Cô-táp.

Còn bãi Phúc Tân thì không có một cái nhà nào, chỉ toàn là lau sậy và mía de - loại mía nhỏ hơn cây sậy, nhai vào rát lưỡi như bị đứt, nhưng nhai kỹ cũng hơi ngọt. Dưới bãi có một số sân phơi vải nhuộm. Xưởng nhuộm nằm gần đồn Chợ Gạo. Đồn cảnh sát Chợ Gạo cũng trùm kín từ nóc nhà xuống là dây thép gai, trông như một con nhím khổng lồ. Dạo ấy trẻ con đều đói, chúng tôi thường xuống bãi lùng sục loại dưa lộn kiếp (loại dưa mọc lên từ hạt dưa lẫn trong phân người, phân chim muông, súc vật) chỉ ăn được vỏ, còn ruột thì đắng ngắt. Tụi tôi kiếm mía de ăn đến tướp cả lưỡi, tối về đau không nuốt nổi cơm. Đặc biệt đi sục dưới bãi Phúc Tân, thỉnh thoảng lại gặp chim sơn ca bất thình lình từ bụi sậy bay thẳng lên trời. Chim sơn ca hốt hoảng vừa bay lên vừa hót một thôi một hồi giữa trời xanh, nó bay cao đến khi mất hẳn giữa đám mây. Con đê Phúc Tân thời đó đẹp lắm. Cái hàng cây cơm nguội với những quả li ti tròn như viên bi may-ơ xe đạp, quả chín thì tím sẫm ăn hơi ngọt pha vị chát. Đặc biệt, hàng cây cơm nguội dưới chân đê cứ mỗi độ xuân về phủ một mầu xanh non mát rượi, có lẽ không một mầu xanh của loại cây nào mát mắt bằng xanh cơm nguội đổ lá non khi xuân đến. Bây giờ con đê đã san thấp để đổ bê tông, hàng cây cơm nguội thay bằng dãy lan can sắt rỉ.

Ngày xưa, từng đàn bò thong thả gặm cỏ trên đê. Trẻ con tung tăng thả diều. Ác nhất là hàng dây điện cao thế dưới vệ đê, đã bắt sống các loại diều treo lơ lửng để rồi mưa gió làm nát bươm, trông mà đau lòng. Sau đó, có một ông lão bán bánh mỳ, mặt phúc hậu, râu tóc bạc trắng dựng căn nhà đầu tiên dưới bãi Phúc Tân, đối diện với bóp cảnh sát Chợ Gạo, nay đã bán cho Ngân hàng nước ngoài xây cao ngất ngưởng cạnh trường Trần Nhật Duật. Bóp đồn Chợ Gạo - trông thẳng ra sông Hồng phía trái sát trường Trần Nhật Duật bao chằng chịt dây thép gai vì sợ Việt Minh tấn công.

Phía bóp Chợ Gạo trông sang phố Nguyễn Siêu là nhà tắm hương sen công cộng. Thời bao cấp được tắm hương sen là loại quý tộc nhất, còn tắm nóng lạnh như bây giờ chỉ là nằm mơ giữa ban ngày.

Giữa bóp Chợ Gạo xưa là nhà thi đấu bóng bàn của Hà Nội. Hà Nội được chứng kiến những trận bóng bàn nổi tiếng nhất giữa danh thủ số 1 Trung Quốc: Phó Kỳ Phương và Tiết Thủy Sơ gặp danh thủ số 1 Việt Nam: Mai Văn Hòa và Trần Văn Đức. Trận đấu diễn ra ngang ngửa và tuyệt đẹp. Sau này, Mai Văn Hòa được thế giới công nhận là đệ nhất danh thủ bóng bàn. Chẳng hiểu vì sao ngày xưa người Hà Nội chơi thể thao chỉ nghiệp dư, mọi người tự bỏ tiền túi ra tập vẫn đạt thành tích tuyệt vời. Họ đạt huy chương vàng bóng đá SeaGame như chơi. Ngày nay, ta đầu tư cho thể thao hàng bao nhiêu nghìn tỉ đồng vẫn vào loại bét thế giới. Việt Nam chưa bao giờ chạm được vào chiếc cúp vàng SeaGame.

Đặc biệt ngành bóng bàn Hà Nội nhớ mãi tuyển thủ Lê Tất Cử được bầu là ông vua cò Cử. Suốt trận đấu, không bao giờ Lê Tất Cử tấn công chỉ cò cử thôi. Ngày xưa, mỗi tuyển thủ bóng bàn đều có lối đánh riêng. Ngày nay, tất cả các tuyển thủ đều đánh giống nhau. Phải chăng cũng vì thế mà ta không tiến được.

Từ đầu cầu Long Biên xuôi xuống nhà Bác Cổ độ 100m, có xưởng nước mắm Vạn Vân, khai thác nước mắm ở đảo Cát Bà của gia đình nhạc sỹ Đoàn Chuẩn. Đoàn Chuẩn là thái gia, tay chơi có cựa ở Hải Phòng: đàn hay, hát giỏi, đẹp trai, con nhà giầu… mua hẳn một chiếc ô tô đẹp hơn cả của Bảo Đại. Xe chạy không tiếng động, phảng phất mùi thơm hoa bưởi. Sau đó Đoàn Chuẩn cặp bồ với danh ca, mỹ nữ Thanh Hằng nhà ở phố Chợ Gạo. Cảnh làm tình giữa Thanh Hằng và Đoàn Chuẩn, đứng ở nóc nhà phía sau Ô Quan Chưởng trông rất rõ, còn nếu đứng ở Chợ Gạo nhìn lên thì hoàn toàn kín như bưng. Cái kim trong bị lâu ngày cũng phải thò ra. Sau khi vợ Đoàn Chuẩn dò được, đã tìm đến đánh ghen một trận tơi bời, báo chí đăng ầm ỹ Hà Nội.

Sau này công tư hợp doanh, gia đình Đoàn Chuẩn gần như bị án treo, bị đầy ra ở phố Cao Bá Quát. Thái gia Đoàn Chuẩn xuống mã trông thấy, răng rụng, má tóp, đôi mắt đeo kính không biết nhìn đi đâu, độ nhật hàng ngày bằng dậy ghi ta Ha-viên. Sau đó, cậu con Đoàn Chính dinh tê sang Mỹ thì cuộc đời Đoàn Chuẩn gần như sụp đổ hẳn. Ngày nay, nhiều người được thưởng thức thứ nhạc mầu tím của sáng tác Đoàn Chuẩn. Khi Đoàn Chuẩn được tôn vinh thì mồ đã xanh cỏ từ lâu:
“Trẻ tạo hoá đành hanh quá đỗi
Chết đuối người trên cạn mà chơi
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”.

Chỗ phố Trần Nhật Duật của xưởng nước mắm Vạn Vân, mặt sau thông với ngõ Thanh Hà, Thanh Hà thông với chợ Bắc Qua, nơi này tập trung xã hội đen mạnh nhất của Hà Nội ngày đó.

Cánh ăn cắp vặt chuyên đi xích lô không trả tiền bằng cách bảo xích lô chờ ở cửa vào nhà lấy đồ, rồi thông qua ngõ Thanh Hà mất tích. Xích lô có chờ ở cửa đến mùa quýt cũng không gặp.

Đầu phố Hàng Chiếu. Photo ©NCCong 2016

Ô Quan Chưởng

Từ cầu Long Biên, qua Trần Nhật Duật rẽ vào là thấy ngay cổng Ô Quan Chưởng sừng sững, uy nghi. Đứng ở phía đê Trần Nhật Duật, lòng người cứ thấy trống trải lo lo thế nào ấy, chỉ khi đi qua cổng Ô Quan Chưởng, tự nhiên lòng ta mới thấy tĩnh, ta có cảm giác cổng Ô Quan Chưởng như một sự đảm bảo vững chắc che chở thân tâm mình. Đặc biệt, khi nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc, 48 ngày đêm Hà Nội chìm trong khói lửa mà cổng Ô Quan Chưởng gần như không bị phá hoại. Bên thành cổng chỉ lỗ chỗ những vết đạn súng trường, mà sau đó là chỗ cư trú cho nhái bén và thằn lằn, hoặc cây dương xỉ mọc lên.

Thời ấy, cổng Ô Quan Chưởng không có ai bảo vệ, cũng đã bị chung quanh lấn chiếm. To gan nhất là ông Kiểm, thợ giặt là sát cổng, đã đục tường sang cổng Ô, lấy Ô Quan Chưởng làm chỗ phơi quần áo.

Trước mặt cổng Ô Quan Chưởng là phố Hàng Nâu, phố này ngày xưa bán củ nâu để nhuộm quần áo. Ngày xưa toàn quần nâu áo vải, nên bán nâu chạy lắm. Cái bà bán nâu bên số chẵn cạnh cổng Ô mấy năm gần đây vẫn giữ nghề bán củ nâu để nhuộm vó, lưới. Giữa phố có cửa hàng bán nâu của bà San. Sau đó chẳng hiểu sao phố Hàng Nâu đổi thành phố Ô Quan Chưởng. Thời đó, hỏi phố Ô Quan Chưởng người Hà Nội không biết, phải nhận là phố Hàng Chiếu thì mọi người mới biết.

- Xem: Ô Quan Chưởng nhìn từ phía đông. Panorama ©NCCong 2012

Còn cách đánh số nhà thì theo quy luật của sông. Nghĩa là nếu phố dọc sông thì cứ xuôi theo dòng nước sông chẩy để tính số nhà. Như phố ngang sông Ô Quan Chưởng thì sát sông là số 1. Nhà số 1, phố Ô Quan Chưởng kề với trường Trần Nhật Duật. Thời 1946 ngôi trường này gọi là trường Ke vì nó ở sát với ke đê sông Hồng. Trong ngày toàn quốc kháng chiến, trường này đã diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa Việt Minh và Pháp, cho nên gần như sập đổ hoàn toàn. Thời đó từ trường Ke, Việt Minh đục tường thông qua phố Chợ Gạo sang phố Đào Duy Từ.

Khoảng 1950, Mỹ viện trợ cho Pháp xây dựng lại trường Ke. Cổng trường Trần Nhật Duật đề cái biển to có vẽ quốc kỳ Mỹ, với hàng chữ: “Mỹ quốc viện trợ”.

Thời Hà Nội tạm chiến, toàn dân đều hướng về kháng chiến và hàng ngày nhìn lính Pháp đi lại trên đường phố bằng con mắt căm thù. Trong trường Trần Nhật Duật có một thầy giáo tên là Chân mà học trò rất ghét vì thầy chửi Việt Minh là tụi trộm cắp vặt, hèn hạ, dã man. Đặc biệt, cổ thầy cao, mặt thầy nhỏ, học trò thường đặt hỗn danh là thầy ngỗng cổ cò. Thầy đánh học trò rất ác. Thầy dùng thước kẻ lim vụt vào mu bàn tay học trò đến toé máu, dầm xương.

Còn ngôi trường tiểu học nổi tiếng thời đó là trường Nguyễn Du, hiệu trưởng là thầy Mai Đình Niên, thầy mặt vuông rất phúc hậu. Thầy luôn tỏ lòng hướng về kháng chiến, căm ghét Tây, học trò quý thầy lắm. Thời ấy, quý thầy từ tâm chứ không bao giờ có chuyện quà cáp biếu xén thầy như ngày nay. Sát ngay lớp học của trường, đối diện với viện Văn Học ngày nay là phòng tra tấn cộng sản của mật thám Pháp. Nhiều lúc thầy giáo, học sinh nghe thấy cả tiếng rên rỉ, giẫy giụa thảm khốc của các tù nhân, vì thời ấy không có phòng cách âm như ngày nay. Có lần, ngày 2/9, Việt Minh buộc cờ đỏ sao vàng vào chân chim bồ câu bay khắp Hà Nội, thầy hiệu trưởng cho học sinh ra xem thoải mái. Cảnh sát Pháp phải nhờ hiến binh mang súng bắn đạn ghém mới hạ sát được đàn chim này.

Học sinh Nguyễn Du không quên cảnh bị hành hạ khi nhà trường phát cho một cái cờ ba que, và một chiếc bánh mỳ không nhân, chờ đón thủ tướng Nguyễn Văn Tâm từ sáng tới trưa, mệt và chán khủng khiếp.

Bên cạnh trường Nguyễn Du có một ông Tàu mặc áo đen bán món nộm thịt bò khô. Hàng nộm thịt bò khô rất đơn giản, chỉ một cắp tay là coi như đủ cả cửa hàng. Cái món nộm thịt bò khô của ông làm chẩy nước rãi các học sinh háu ăn. Món dấm ông Tàu Đen pha thật độc đáo, ăn một lần ngon cay đến chảy nước mắt. Chỉ cần trông thấy ông Tàu Đen giơ chiếc kéo bật tanh tách, học sinh đều tứa nước miếng.

Sau Hà Nội giải phóng, ông Tàu Đen về bán tại ngõ Gia Ngư, cạnh cái nhà vệ sinh công cộng mùi xú uế nồng nặc. Cái thời bao cấp coi chuyện bán hàng là gian thương thì ông Tàu Đen chỉ còn cách bán hàng cạnh nhà xí, mà là nhà xí gần như lộ thiên, mọi nhà xí công cộng đều là chỗ tự do ngôn luận, tự do báo chí, thích vẽ bất cứ cái gì bậy bạ thì tuỳ ý, bậy bạ đây chỉ có dương vật và âm hộ.

Nghĩ cũng kinh, ông Tàu Đen bán nộm thịt bò khô bên cạnh hố xí lộ thiên mà khách vẫn đông như kiến vì thời đó dân quá đói, cứ được ăn thì chẳng còn nghĩ đến văn hoá ẩm thực là gì.

Một số học sinh trường Nguyễn Du ngày nay tìm bằng được ông Tàu Đen ăn nộm thịt bò khô còn để kỷ niệm thời học trò.

Thuở ấy, khoảng năm 1948, chúng tôi không bao giờ nghĩ tới có thế nào mà thời gian lại là 1960, xa quá, không thể đến được. Học sinh Nguyễn Du nhìn người 30 tuổi cho là già lắm rồi, họ không nghĩ được ngày nào đó mình lại 30 tuổi.

Thế mà ngày nay, lớp học sinh Nguyễn Du ấy đã ngoài 70 tuổi cả rồi. Còn ông Tàu Đen bán nộm bò khô cũng đã mồ yên mả đẹp. Hiện nay, con cháu ông Tàu Đen lại về mở cửa hiệu bán nộm bò khô tại phố Hoàn Kiếm, cạnh rạp múa rối. Chữ “Tàu Đen” trở thành thương hiệu: “Nộm bò khô Tàu Đen”, hoặc “Mã Vĩ Ổn”. Nghe đâu lại có cả “Nộm bò khô Tàu Đen” giả nữa cơ. Nhưng Tàu Đen cũng là Tàu giả, ông người Lạng Sơn, nên khi người Hoa bị xua đuổi thì ông mới khai là người Việt. Con cháu Tàu Đen ngồi bán hàng bây giờ cũng đã tóc hoa râm:
“Vừa ngoảnh mặt đã thành ra mộng
Chưa quay nhìn đã hoá cố nhân”.

Đối diện với phố Trần Nhật Duật là nhà thổ cao cấp: Nhà số 2, phố Ô Quan Chưởng. Nhà thổ này lưng quay ra phố Trần Nhật Duật, cửa mở về Ô Quan Chưởng. Đây là nhà thổ cao cấp nên toàn khách sang trọng cả Tây lẫn ta. Các cô gái điếm buồn sang chơi nhà hàng xóm, nhưng mọi người đều lảng tránh. Hoa hậu ca ve lúc đó có lẽ là cô Xuân. Cô Xuân đẹp lắm, mặt hiền lành phúc hậu, không hiểu kiếp trước thế nào mà kiếp này cô lại ra nông nỗi này. Cô đi đâu là cánh đàn ông lấm lét thèm thuồng nhìn theo. Dạo ấy ca ve ăn mặc kín đáo lắm, chỉ có chiếc quần sa tanh trắng trong đó lờ mờ chiếc xi líp đỏ là khiêu dâm thôi. Mặt mũi ca ve cũng không tô mắt xanh mỏ đỏ như bây giờ. Nhà thổ ngày xưa cũng có biển hiệu, biển hiệu của nhà thổ là cửa sơn mầu đen hắc ín. Các cô ca ve hàng tháng đều được đi khám bệnh lục xì. Nhà hàng có kinh doanh môn bài hợp pháp đàng hoàng.

Mụ chủ chứa người cũng đẫy đà như mụ Tú bà, nhưng da dầy và đen chứ không “lờn lợt mầu da”. Còn con mụ Tú bà là một thanh niên tuấn tú nhưng hom hem vì mắc bệnh giang mai, do đau ở hạ bộ nên đi đứng khệnh khạng. Thời đó không có bao cao su nên khách làng chơi cũng như ca ve thường mắc bệnh lậu, giang mai, gọi là cù đinh thiên pháo.

Bọn trẻ trong phố Ô Quan Chưởng thường đục lỗ vào buồng ngủ của nhà chứa phần cửa sổ quay ra phố Trần Nhật Duật để xem ca ve làm tình, mặt đứa nào cũng lấm lét vì nếu bố mẹ bắt được thì có mà nhừ đòn.

Ca ve Ô Quan Chưởng là ca ve cao cấp, các cô chỉ ngồi trong nhà. Còn ca ve thấp cấp như ở ngõ Hàng Giầy thì từng tốp ra giữa đường níu kéo khách.

Thời tạm chiếm, loại ca ve phục vụ người Việt được đánh giá yêu nước hơn ca ve ngủ với Tây. Ca ve phục vụ Tây gọi là me Tây, me Tây bị khinh bỉ nhục nhã cả về nhân phẩm, còn chính trị thì coi như phản bội Tổ quốc.

Những trận Pháp càn vào khu kháng chiến, theo nhà văn Tô Hoài viết thì một số thanh niên Hà Nội đi chơi ca ve đầm, đè nó xuống chiếu dập thật mạnh để trả thù cho dân tộc. Đó là kiểu yêu nước của lãng tử con nhà giầu trác táng.

Ngày xưa me Tây là cặn bã của các loại ca ve. Còn ngày nay đang có xu hướng ngược lại. Gái lấy chồng Tây lại có ý hãnh diện:
“Ngày xưa một cối một chầy
Bây giờ nhiều cối nhiều chầy giã chung
Tiến lên thế giới đại đồng
Chầy ngoại cối nội đều dùng như nhau”.

Năm 1947, phố Ô Quan Chưởng chỉ có một vài ngôi nhà. Còn thì đều bị đổ nát và bọn thổ phỉ đi hôi của khắp nơi. Căn nhà nguyên vẹn là nhà số 7, số 5. Đây là hai căn hộ người Hoa. Người Hoa được lãnh sự quán Tàu phát cho cái biển cỡ 60x80cm làm bùa hộ mệnh. Biển này trên vẽ cờ Tưởng Giới Thạch ghi bằng ba thứ chữ Tàu, Việt và Pháp: “Đây là nhà Hoa kiều”. Hoa kiều là ngoại kiều nên được cả Việt minh lẫn Pháp để yên.

Thuở ấy, thành phố đi ngủ sớm lắm. Khoảng 18 giờ là thiết quân luật, múi giờ ngày ấy theo múi giờ Bắc Kinh, bây giờ ta chỉnh lại chỉ là 17 giờ. Xe quân sự Pháp chạy như xe gió, giờ đó Hà Nội chìm trong im lặng. Lính Pháp chĩa súng ra thành xe cứ thấy bóng người là nã súng như điên. Bọn thổ phỉ đêm khối đứa đi hôi của bị trúng đạn sáng hôm sau mới được dọn xác đem đi chôn.

Đến 20 giờ là tất cả Hà Nội chìm vào giấc ngủ, thỉnh thoảng một loạt súng ngắn nổi lên, mọi người trong nhà lại giật mình sợ hãi trùm chăn kín đầu.

Nếu gia đình nào có người bị cấp cứu, như đi đẻ thì phải bố trí ba đèn bão, người đi trước nạn nhân cầm một cái, người khênh nạn nhân cầm một cái, người đi sau cách 3m cầm một cái, mỗi người đều phải cầm đủ giấy tờ thông hành để hiến binh kiểm tra.

Bọn trẻ con thường vào các ngôi nhà đổ nát bới tìm đồ vật ra làm trò chơi. Có lần, các cậu bé tìm được một cái chai đem ra vỉa hè đập chơi, ai ngờ đấy lại là chai chứa thuốc nổ của tự vệ, chai nổ tung nhiều đứa bị thương. Nhà số 7 có hai bé bị thương, tuổi khoảng lên 8, một bé bị thương vào bụng, một bé bị thương vào mông. Cả hai bé này hiện tuổi ngoài 70. Bé bị thương vào bụng đã di tản sang Mỹ. Bé bị thương vào mông đi dậy học, đã về hưu sống bình yên, an lạc.

Còn phố Trần Nhật Duật, bọn trẻ ăn cắp táo tợn hơn, vào bới móc ở trường Ke ra một quả đạn Ba-dô-ka rồi gạ bán cho ông đồng nát ngồi tựa gốc cây cơm nguội, ông ta thấy viên đạn to sợ vãi linh hồn đuổi ngay chúng đi. Chúng tức, ra sau lưng ông đập quả đạn xuống vỉa hè, quả đạn nổ, ba đứa trẻ tan xác. Còn cái đùi của ông đồng nát thò ra khỏi gốc cây cơm nguội thì bay ra giữa đường. Khi tỉnh, ông đồng nát chỉ lầu bầu: “Tôi đã bảo không mua cơ mà!”. Sau đó, người ta mang cẳng chân ông đi chôn, giá như là bây giờ thì y học có khả năng nối lại được.

Cột Đồng Hồ ngày nay. Ảnh NCCong ©2013

Cột đồng hồ

Cuối phố Trần Nhật Duật, ở giữa ngã năm có một cái cột đồng hồ. Đối diện phía cột đồng hồ là trường mẫu giáo Long Hưng trong ngõ Phất Lộc. Trường mẫu giáo đặt trong chùa, thời ấy gần như không có trường mẫu giáo. Trẻ con đẻ ra muốn khai sinh lúc nào cũng được, khai dôi ra 10 tuổi hoặc bớt đi 10 tuổi cũng chẳng sao. Thường thì lớp con em công chức khai ăn gian bớt hai tuổi sẽ có lợi cho việc hưởng lương. Cho nên, những cụ già khai thọ 100 tuổi hay hơn cũng thường do tự nghĩ ra, chỉ gọi là tương đối đúng. Còn về mục vợ thì được quyền khai bao nhiêu cũng hợp pháp. Đàn ông có quyền năm thê bẩy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng.

Ta theo Nho giáo, đạo lý nam nữ thụ thụ bất thân thời đó nghiêm lắm. Dù trẻ con thì học sinh nam cũng học riêng. Tiểu học, trung học thì học ở trường Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Chu Văn An. Còn nữ thì học ở trường Thanh Quan, Trưng Vương. Chỉ có từ sau ngày giải phóng 1954, trai gái mới học lẫn lộn như ngày nay.

Các nam học sinh nếu có ân oán giang hồ thì gọi nhau ra cột đồng hồ phố Trần Nhật Duật chân cầu Chương Dương đánh nhau tay không một trận phân huynh đệ là xong. Đặc biệt nếu kẻ nào dùng vũ khí coi như phạm luật sẽ bị coi như xã hội đen, bạn bè xa lánh. Thời đó, có câu thành ngữ về luật phân huynh đệ: “Một chọi một ra cột đồng hồ”. Cách giải quyết này cũng na ná kiểu đọ súng của giới quý tộc Châu Âu xưa.

Thời 1950, dọc đê sông Hồng, từ cầu Long Biên đến nhà Bác Cổ, tối đến đèn bật sáng là các loại dế mèn, dế cụ, cánh cam, cánh quýt, cà cuống, các loại muỗi, dơi bay quanh các ngọn đèn điện. Trẻ con ngước mắt nhìn lên đèn đường chuẩn bị đón bắt những con vật quý ấy. Quý nhất là loại cà cuống. Cà cuống khi bị rơi tiếp đất thì bay sà xuống như máy bay hạ cánh. Khi tiếp đất, cà cuống nằm ngửa. Ta không nên vồ ngay sẽ bị cà cuống đốt như ong. Ta cần chờ cho cà cuống lật ngược lại, ta ấn lưng cà cuống xuống đất rồi nhấc lên sẽ an toàn tuyệt đối. Cà cuống có hai loại: cà cuống thịt và cà cuống cay. Cà cuống thịt không có bọng cay, không có giá trị lấy hương cà cuống. Dế cụ thì bay quanh ngọn đèn bỗng bổ nhào xuống để hạ cánh. Bắt dế cụ ta phải nhanh chóng chộp vào lưng, rồi hai tay cặp vào nách cánh, nếu để tay phía trước sẽ bị cắn, để tay phía sau sẽ bị càng có gai đá rách tay. Còn cánh cam, cánh quýt, bọ dừa khi hạ cánh thì nằm quay đơ. Muốn bắt kiểu gì cũng được. Vấn đề chính là ai đón đúng hướng rơi để bắt được con vật yêu thích, vì trẻ con tranh nhau ác liệt lắm. Đội bắt cà cuống nhà nghề thì sáng sớm hôm sau, độ năm giờ, đi một quệt từ cầu Long Biên, tới nhà Bác Cổ mò ở hai bên cống sẽ bắt được hàng trăm con. Sao độ ấy nhiều cà cuống đến thế, còn ngày nay có lẽ thuốc trừ sâu đã tiệt chủng giống này. Nằm dưới cống, cà cuống thường nấp sau chỗ có nhiều lá. Mò cà cuống phải khéo léo bắt ngang lưng, kẻo bị đốt thì khốn.

Sau đó mang cà cuống ra chợ Đồng Xuân bán. Dạo ấy cà cuống rẻ như bèo. Bán trăm con cà cuống chỉ mua được bát phở. Ngày nay một con cà cuống đủ để mua ba bát phở.


(Trích "Bát Phố" của Nguyễn Bảo Sinh)