544 Van Ho pagoda

Chùa Vân Hồ (Linh Thông Tự)

hồ đầmthời Trầnquận Hai Bà Trưng

Chùa Vân Hồ có từ thời Trần. Tên chữ: Sách Tào Tự, Linh Thông Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1988). Vị trí: ố 40 Lê Đại Hành, 2R6X+FG, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 2,2 km (hướng 5 h). Trạm bus lân cận: 188 Bà Triệu (xe 08, 23, 31, 35, 38, 52), Hoa Lư (23), 319 Phố Huế (08, 31, 35, 38, 52)

Lược sử

Chùa Vân Hồ tên chữ Sách Tào Tự và Linh Thông Tự, được cho là có từ thời Trần. Tương truyền, chùa Vân Hồ toạ lạc trên nền thư viện cũ của hoàng tử Linh Lang, ở gần đàn Nam Giao. Theo sách “Tây Hồ chí” và “Thăng Long cổ tích khảo” thì Uy Linh Lang lại là con trai thứ 7 của Trần Nhân Tông, vị vua trị vì từ năm 1279 đến 1293. Chàng không thích sống đời vương giả mà chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật và tu Thiền.

Khi quân Nguyên xâm chiếm nước ta, chàng Uy Linh Lang được vua cha cho thành lập “Thiên tử quân” và đã chỉ huy đạo binh này góp công lớn vào chiến thắng chung của dân tộc. Ngày 8-8 năm Bính tuất (1286) ngài hoá khi mới 36 tuổi; vua phong tước Dâm Đàm đại vương. Đến đời vua Trần Nghệ Tông, lại được truy phong là Dực chính hiển ứng phu hựu đại vương.

Cổng chùa Vân Hồ cũ

Trải qua mấy trăm năm, đàn Nam Giao nay không còn. Chùa Vân Hồ đã nhiều lần đổ nát rồi lại được trùng tu, tôn tạo ở ven sông Kim Ngưu. Sông ăn thông với hồ Khang Thuỷ, từng được coi là thắng cảnh thứ nhì của Thăng Long, chỉ đứng dưới hồ Tây. Đến đầu thế kỷ XX, người Pháp đã xẻ đôi Khang Thuỷ để làm đường sắt và lấp bớt mặt nước để mở rộng đô thị, dân gian gọi là hồ Ba Mẫu và Bảy Mẫu. Khuôn viên chùa cũng bị thu hẹp, Phật đường phải dịch chuyển về phía đông ở sau nhà Mẫu.

Sang đầu thế kỷ XXI, chùa Vân Hồ được xây dựng lại hoàn toàn mới, phần lớn nguyên liệu là gỗ lim và đá xanh. Sáng ngày 7 tháng 10 năm 2010, tại đây đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Ngày 16-11-1988, Bộ Văn hoá và Thông tin đã xếp hạng chùa là một di tích lịch sử - kiến trúc - nghệ thuật quốc gia. Địa chỉ hiện nay ở tại số nhà 40 phố Lê Đại Hành, thuộc phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

Ban thờ Uy Linh Lang, chùa Vân Hồ. Photo by NCCong ©2019

Kiến trúc và di vật

Xung quanh chùa có tường bao, kiến trúc hiện nay chủ yếu bao gồm tam quan, sân lớn, Tam Bảo, nhà thờ Tổ, điện Mẫu, điện Uy Linh Lang và vườn tháp với 11 ngôi tháp ba tầng. Tam quan chính nhìn về phía tây nam, ba cửa đóng đinh như cổng thành trì. Cổng hậu nhìn về hướng đông, làm cùng kiểu nhưng chỉ có một cửa, mang số 312 phố Bà Triệu, bên cạnh điểm dừng xe bus đối diện Trung tâm thương mại Vincom (xưa kia là khu vực đàn Nam Giao).

Du khách từ cổng chính bước vào sân lớn sẽ thấy trước mặt là nhà thờ Mẫu và điện thờ Thánh Uy Linh Lang, vườn bên trái có các lầu Cô, lầu Cậu. Ngay bên phải tam quan là hòn non bộ ở đầu hồi dãy nhà ngang dài 9 gian, ở giữa có ban thờ Tổ. Hàng hiên cột đá của nhà ngang kéo đến sát sân sau và cổng hậu. Toà tiền đường rộng 5 gian nhìn về hướng tây, Phật điện nối theo hình chuôi vồ với hậu cung sâu 3 gian. Bên phải Tam Bảo là dãy nhà Ni và khu phụ 5 gian, phía sau và vườn tháp.

Cổ vậ̣t ở chùa Vân Hồ. Photo by NCCong ©2019

Ngoài một vài tượng cũ, đồ tế lễ và các ngôi tháp Tổ, đáng tiếc hiện nay trong chùa không còn lưu giữ được những cổ vật phổ biến khác như bia đá và chuông đồng. Cần lưu ý: chùa Vân Hồ trùng tên và còn có thể có chung nguồn gốc thiền phái Tào Động với chùa Tào Sách trên hồ Tây. Hơn nữa hai chùa này đều cùng thờ hoàng tử Uy Linh Lang.

Di tích lân cận

©NCCong 2019, Van Ho pagoda