552 Quang Huc community hall

Đình Quang Húc

Lê trung hưngh.Ba Vì

Đình Quang Húc có từ thế kỷ XVII. Thờ: thần núi Tản Viên (Sơn Tinh). Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: 5CQR+CG, Đông Quang, H. Ba Vì, TP Hà Nội. Tọa độ: 21°11’19"N 105°26’29"E. Cách BĐX Bờ Hồ: 56km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Ngã 3 phố Nả trên QL32 (xe 70, 70b, 76, 92).

Du khách từ Hà Nội theo quốc lộ QL32 đi hơn 55km đến quá ngã Ba phố Nả thì rẽ sang phải vào đường làng Quang Húc và đi tiếp khoảng 700m sẽ đến nơi.

Lược sử

Thôn Quang Húc tên Nôm gọi là làng Bôm, ngày nay thuộc xã Đông Quang, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Ngôi đình làng này thờ thành hoàng Tản Viên, một trong "Tứ bất tử" của người Việt. Theo truyền thuyết dân gian, Tản Viên chính là thần núi Ba Vì tức Sơn Tinh, con rể của đức vua Hùng cuối cùng.

Đình Bôm được xây dựng vào thế kỷ XVII-XVIII, dưới thời Lê trung hưng, cũng như ngôi đình Chu Quyến của làng Chàng ở ngay bên cạnh. Tương truyền, các hàng cột của 2 ngôi đình này được lấy từ cùng một bè gỗ lớn, cho nên có câu nói trong địa phương là: “gốc đình Chàng, ngọn đình làng Bôm”.

Ngôi đình Quang Húc lúc đầu xoay theo phía nam, về sau đổi lại theo phía đông bắc, nhìn ra sông Hồng. Nghi môn được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Hai bên phía trước đình có xây mấy bức tường bao xung quanh. Trong khuôn viên có nhiều cây cổ thụ.

Cổng đình Quang Húc. Photo ©NCCong 2019

Đình Bôm trải qua gần bốn thế kỷ đầy chiến tranh và mưa nắng liên miên nhưng đã được sửa chữa, tôn tạo mấy lần. Đáng tiếc vào đầu thậ̣p niên này, một dự án trùng tu thực hiện không đúng cách tại đây đã gây nên biết bao tai tiếng, làm cho ngôi đình mất đi một số dáng vẻ và di vật quý báu.

Theo quyết định số 1539/VH – QĐ ngày 27-12-1990, ngôi đình [và chùa] Quang Húc đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Đại đình rộng 3 gian 2 chái. Phía trước sát với bậc thềm gian giữa có tượng đôi sư tử chầu vào nhau. Liên kết dọc ở đại đình gồm các hệ thống xà dọc cột cái, cột quân và cột hiên. Liên kết ngang là hệ thống các bộ vì. Các bộ vì nóc có kết cấu kiểu giá chiêng chồng rường cụt.

Trong đình Quang Húc. Photo ©NCCong 2019

Ở bộ vì nóc bên phải gian giữa, trên cùng là một con rường nhỏ, ăn mộng qua đầu hai cột trốn lớn, giữa cật rường có kê một dép dọc đỡ thượng lương. Đặt sát hai bên thượng lương là một đôi hoành chạy dọc suốt chiều dài mái và cũng tì lực lên cật con rường trên cùng qua các ván gỗ.

Ở bộ vì nóc bên trái gian giữa và vì nóc gian bên trái, đỡ đôi hoành mái 3 là rường suốt ăn mộng xuyên qua cột trốn. Đỡ hoành mái 4 lại là đôi rường cụt cũng được kê trực tiếp trên cật câu đầu. Tại hai bộ vì này, con rường nhỏ trên cùng được tạo kê trên đầu trụ trốn qua hai đấu vuông thót đáy, hai đầu rường đỡ đôi hoành mái 1.

Các bộ vì nách đại đình đều làm theo kiểu cốn chồng rường. Một chiếc xà nách lớn, một đầu ăn mộng vào thân cột cái, một đầu gác lên đầu cột quân qua đấu vuông thót đáy, đỡ hoành mái. Trên cật xà nách là 4 con rường cụt chồng lên nhau qua đấu vuông thót đáy, đầu rường đỡ các hoành mái. Các con rường này ngắn dần về phía trên theo chiều dốc của mái.

Chạm khắc ở đình Quang Húc. Photo ©NCCong 2019

Liên kết hiên ở đại đình làm theo kiểu kẻ. Các hiên có độ dài từ 260cm – 280cm, rộng từ 25cm – 30cm và dày 24cm. Một đầu kẻ ăn mộng qua thân cột quân tạo thành nghé kẻ, đỡ xà nách. Thân kẻ ăn mộng qua đầu cột hiên, vươn ra ngoài đỡ tàu mái. Cật kẻ gác một tấm ván dong lớn đỡ hoành mái. Tổng cộng có 7 hoành mái tại vì hiên đại đình.

Điêu khắc trang trí

Đình Quang Húc là một trong số ít ngôi đình thế kỷ XVII còn giữ được các mảng trang trí sống động với những đặc trưng riêng. Đa số chủ đề điêu khắc là hoa cỏ, linh thú, không thấy xuất hiện hình người như nhiều ngôi đình thế kỷ XVII khác. Các mảng chạm ở đây sử dụng nhiều thủ pháp như chạm lộng, kênh bong, chạm nổi, chạm thủng, mang đậm tính dân gian.

Đề tài chủ đạo là rồng. Có 12 đầu dư chạm rồng theo phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVII, mỗi con một vẻ riêng. Hình rồng còn xuất hiện trên các ván nong giữa rường cụt vì nách với chiếc đầu lớn, quay nhìn chính diện, tai thú, cằm bạnh, miệng rộng, mắt tròn lồi. Đề tài rồng ổ được thể hiện trên bức cốn vì nách sau gian giữa với những con rồng quay mặt nhìn chính diện, mắt lồi, cằm bạnh, các đao mắt, tóc bốc ngược lên trên như những đao lửa.

Trong đình Quang Húc. Photo ©NCCong 2019

Rồng còn được thể hiện trên bức cửa võng ở gian giữa cũng mang dấu ấn cuối thế kỷ XVII. Cửa võng chia 3 tầng: tầng dưới cùng chạm rồng, hai tầng trên chạm phượng. Ngoài đề tài rồng, trên các đầu kẻ hiên là đao lửa và lá hoá. Các đao mác ở đây cũng được chạm khắc như những đao ở rồng.

Tại vì nách hồi sau chái bên trái, ngoài các đầu rồng còn có chạm đôi voi chầu qua một con rồng chỉ được đặc tả chiếc đầu lớn quay nhìn chính diện. Cả đôi voi được tạc khá giống nhau với thân mập, vòi dài hướng lên trên. Hai chân sau choãi về phía sau, hai chân trước hơi giơ lên phía trước.

Trên nóc đại đình có hai đầu con kìm dạng Makara đang tì hai chân trước như chặn giữ đầu bờ nóc. Con kìm được đắp bằng vôi vữa, ghép mảnh sành, mắt tròn to lồi có vành gờ ngoài, miệng há rộng, thân mảnh khảnh, có niên đại cuối thế kỷ XIX, phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII với thân mảnh phủ một lớp vảy kép, đầu lớn dữ tợn, mắt lồi.

Trên đỉnh tường nối giữa cột trụ lớn và trụ nhỏ ngoài nghi môn cũng có đôi rồng đắp bằng vữa, ghép mảnh sứ kiểu nghệ thuật giữa thế kỷ XX. Trên đỉnh mỗi cột trụ lớn có đắp 4 con phượng dạng lá lật đang trong tư thế lao từ trên xuống, mỗi con quay đầu về một hướng, ngực áp vào nhau, đuôi xòe, toàn thân cũng ghép các mảnh sứ. Phượng có thân mập, mỏ vẹt, đầu tròn, mắt giọt lệ, đuôi công, cánh dài.

Trang trí ở đình Quang Húc. Photo ©NCCong 2019

Hiện tại trong cung cấm đình Quang Húc còn giữ được một bản thần tích ghi đầy đủ, rõ ràng về vị thần núi Tản Viên. Bên cạnh đó có các di vật quý hiếm khác như bia đá, cây hương đá, bức cửa võng, câu đối, hoành phi cổ kính....

Di tích lân cận

552 Quang Huc community hall ©NCCông 2019