Trang nhà > Đình làng > Đình Thanh Lũng
Thanh Lung Community Halls
Đình Thanh Lũng
Maison communale de Thanh Lung
Thứ Hai 16, Tháng Chín 2019, bởi
Đình Thanh Lũng có từ thế kỷ XVI. Thờ: thần núi Tản Viên. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1999). Địa chỉ: thôn Thanh Lũng, 5CHP+C6 Tiền Phong, Ba Vì, Hà Nội, Việt Nam. Tọa độ: 21°10’43"N 105°26’08"E. Cách Hồ Gươm: 57km về phía tây-bắc. Điểm dừng bus lân cận: Ngã 3 phố Nả trên QL32 (xe 70, 70b, 76, 92)
Giới thiệu
Xã Tiên Phong nằm trong vùng trung du bán sơn địa, cách trung tâm huyện Ba Vì 4km về hướng Đông Nam. Phía Đông giáp xã Đông Quang; phía Tây giáp xã Thụy An; phía Nam giáp xã Cam Thượng; phía Bắc giáp xã Tây Đằng và Chu Minh.
Địa hình xã Tiên Phong có hai dạng cơ bản. Vùng tả ngạn sông Tích là khu vực gò đồi xen kẽ các vùng hồ, các nấc ruộng bậc thang. Vùng hữu ngạn sông Tích chiếm ½ diện tích phân bổ từ các gò đồi nhỏ đến các cánh đồng tiếp giáp với vùng châu thổ sông Hồng theo hướng từ Tây Nam xuống Đông Bắc.
Tổng diện tích tự nhiên của xã Tiên Phong là 876 ha. Dân số năm 2017 có 2.406 hộ, gồm 8.538 nhân khẩu. Mật độ 975 người/km². Toàn xã có 05 thôn: Thanh Lũng, Vị Nhuế, Bằng Lũng, Kim Bí, Đông Phong. Hoạt động kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và chăn nuôi.
Nổi tiếng nhất trong số những di tích lịch sử văn hóa của xã Tiên Phong là ngôi đình cổ Thanh Lũng. Đình được xây dựng vào đầu thế kỷ 16 dưới thời nhà Mạc. Tại đây, dân làng thờ thần núi Tản Viên tức Sơn Tinh làm thành hoàng.
Với những giá trị kiến trúc nghệ thuật và lịch sử văn hóa độc đáo, ngôi đình đã được xếp hạng di tích quốc gia theo Quyết định ngày 12-2-1999 của Bộ Văn hóa – Thông tin. Điện thoại liên hệ với Ban Quản lý đình hiện nay là 091.4621.790.
Kiến trúc
Đình Thanh Lũng là một trong 3 ngôi đình cổ nhất và có kiến trúc nghệ thuật thuộc dạng đặc biệt của xứ Đoài. Cổng đình xây theo kiểu nghi môn với các trụ biểu được đắp các câu đối chữ Hán. Sau nghi môn là một sân gạch rộng với dãy nhà tả mạc còn sót lại.
Tòa đại đình 3 gian, 2 dĩ với 4 lá mái to chảy rộng và 4 đầu đao cong thanh thoát nên đứng ở góc độ nào cũng thấy rõ toàn bộ cấu trúc bên trong. Mặt bằng xây dựng có hình chữ "Nhất" (—) với bề dài 23,5m và bề rộng 13m. Bộ mái đình được lợp ngói ri và dựa vào kết cấu truyền thống bằng khung gỗ, đè nặng lên 48 cây cột gỗ lim, trong đó có 8 cây cột cái với đường kính to hơn 60cm.
Hiện trạng
Trong đình Thanh Lũng đang lưu giữ nhiều di vật quý như bản thần phả “Tản Viên Sơn – Tam vị Quốc chủ Đại Vương sự tích”, hương án, khám thờ, cỗ long ngai bài vị và một số đồ tế tự từ các chất liệu gỗ, gốm, vải…
Suốt mấy trăm năm, ngôi đình này đã trải qua sửa chữa, trùng tu nhiều lần. Năm 1989, một bên mái bị sụt xuống, về sau được nâng lại. Đến đầu thế kỷ 21, toàn bộ đình bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập. Ngày 1-9-2015, Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Thanh Lũng được khởi công và đến đầu năm Đinh Dậu 2017 đã hoàn thành.
Sân đình Thanh Lũng. Panorama ©NCCong 2019
Di tích lân cận
- Chùa Mía: thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây.
- Đền Và: đường Đền Và, thị xã Sơn Tây.
- Đình Chu Quyến: thôn Chu Quyến, xã Chu Minh, huyện Ba Vì.
- Đình Quang Húc: thôn Quang Húc, xã Đông Quang, huyện Ba Vì.
- Đình Thụy Phiêu: thôn Thụy Phiêu, xã Thụy An, huyện Ba Vì.
- Đình Tây Đằng: Thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì.
- Miếu Mèn: thôn Nam Nguyễn, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì.
Bản đồ trực tuyến
Du khách từ Hà Nội theo quốc lộ QL32 gần đến ngã Ba phố Nả rẽ sang trái vào đường tỉnh lộ ĐT90 và đi khoảng 1km thì đến nơi.
Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong