558 Giao Tu community hall
Đình Giao Tự
h.Gia Lâmsông Đuốngnhà LýĐình Giao Tự tức đình làng Chè, có từ thế kỷ XVII. Thờ: Vua bà Lý Chiêu Hoàng. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: 2XJQ+Q7, thôn Giao Tự, X. Kim Sơn, H. Gia Lâm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 18km (hướng 3h). Trạm bus lân cận: Phố Keo – TBA Kim Sơn trên QL17 (xe 52)
Địa lý
Thôn Giao Tự, tên Nôm làng Chè, vào đầu thế kỷ XIX là một xã thuộc tổng Kim Sơn, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh). Trong kháng chiến chống Pháp, làng Chè thuộc xã Quyết Thắng, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (đầu năm 1949 chuyển về tỉnh Hưng Yên). Đến năm 1956 xã chia đôi thành Quyết Chiến (nay là xã Phú Thị) và Quyết Thắng. Tháng 5–1961, huyện Gia Lâm sáp nhập về TP Hà Nội. Năm 1965, xã Quyết Thắng đổi tên thành xã Kim Sơn, gồm 4 thôn: Giao Tự, Giao Tất, Kim Sơn, Linh Quy.
Thôn Giao Tự thuộc vùng Dâu (Luy Lâu) – một trong những nơi cư tụ sớm của người Việt và từ đầu thời Bắc thuộc đã trở thành trung tâm hành chính, văn hóa, Phật giáo ở châu thổ Bắc Bộ. Giao Tự nằm trên đất phù sa mầu mỡ ven sông Đuống (Thiên Đức). Dân làng sống bằng sản xuất nông nghịêp và chăn nuôi, ngoài ra còn có nghề buôn bán nhờ sẵn đường giao thông thuỷ bộ. Vùng Kinh Bắc còn lưu truyền câu ca dao cổ: “Lênh đênh ba mũi thuyền bè / Đường sang Thiên Đức, đường về Chè, Ghênh”
- Cổng đình Giao Tự. Photo NCCong ©2015
Lược sử
Thôn Giao Tự vốn có chùa Linh Tiên, nơi bà Lý Chiêu Hoàng (李 昭 皇 1218–1278) – vị vua cuối cùng của nhà Lý về tu hành một thời gian, sau khi bị Trần Thủ Độ ép vua Trần Thái Tông giáng xuống làm công chúa với lý do bà không sinh được con. Đến vua Trần đời thứ tư là Anh Tông (1276–1320) nhân đi kinh lý vùng Dâu đã nghỉ ở thôn Giao Tự, đêm nằm mộng thấy bà Lý Chiêu Hoàng hiện về. Đức vua bèn cho dân làng 5 thỏi vàng, 5 nén bạc và sức cho lập miếu thờ bà.
Đến cuối thế kỷ XVII, một người làng là Phương Đình hầu tước Đặng Quang Tiến, làm quan đến chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, đã bỏ tiền bổng lộc để dân Giao Tự mua gỗ, cải tạo miếu thành đình, lại hiến ruộng cho làng nên được bầu làm hậu thần. Trụ bia đá dựng năm Vinh Trị thứ tư (1679) ở sân đình có ghi việc đó.
Kiến trúc
Hiện tại, đình Giao Tự nằm trên gò đất ở đầu làng, cây cối xanh tươi. Đình quay về hướng tây, cách đó chừng 500m có hai di tích của làng Giao Tất là nghè Keo và chùa Keo ở ven đường QL17, còn ở phía bắc chừng 500m là con sông Đuống. Từ QL17 du khách đi qua đê vào làng sẽ thấy ngay ngôi đình ở bên tay trái, mặt tiền và bên tả giáp với cánh đồng.
Trải qua 4 thế kỷ ngôi đình đã được sửa chữa, tôn tạo nhiều lần; gần đây nhất là vào đầu thập niên 2010. Tam quan xây kiểu nghi môn với 4 trụ biểu có gắn các câu đối chữ Hán, hai cổng bên trổ giữa các bức tường đắp hình hộ pháp và voi ngựa. Sau cổng là sân rộng, hai bên có tả, hữu vu 7 gian và cổng ngách. Toà đại đình rất lớn gồm 5 gian 2 chái, nối liền với toà thiêu hương và hậu cung theo hình "chữ Công".
Lễ hội
Giao Tự là một làng nhỏ, năm 1928 có 546 nhân khẩu, trai đinh trong làng sinh hoạt trong 4 giáp, phân bố theo 4 xóm: Cừ, Đỏ, Ngô, Bê. Trước đây, làng có tục kết nghĩa với làng Đa Tiện (nay thuộc xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Hàng năm vào ngày 10 tháng Ba âm lịch, đại biểu dân làng sang dự hội làng Đa Tiện, đến 15 tháng Ba lại đón “quan Anh” Đa Tiện sang dự hội làng mình.
Hội làng Giao Tự diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng Ba âm lịch. Mỗi năm, mỗi giáp có một người gánh trưởng phải nuôi lợn thờ (nuôi trước một năm) để làm đồ tế lễ. Mở đầu hội là lễ rước nước từ chùa Keo về làm lễ mộc dục. Ngày 14 nhập tịch, ngày 15 chính hội, tế lễ và rước cùng làng Đa Tiện. Trong hội có các trò chơi: đu quay, chọi gà, hát quan họ, đặc biệt có khúc hát văn ca ngợi bà Lý Chiêu Hoàng.
Di tích lân cận
- Chùa Báo Ân: Thôn Quang Trung, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm.
- Chùa Keo (Báo Ân Trùng Nghiêm Tự): Làng Chè, xã Kim Sơn.
- Chùa Sủi (Đại Dương Tự): phố Ỷ Lan, xã Phú Thị.
- Đình Gia Lâm: thôn Gia Lâm, xã Lệ Chi.
- Đình, nghè Kim Sơn: thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn.
- Đình Trân Tảo: thôn Trân Tảo, xã Phú Thị.
©NCCông 2015-2018, Giao Tu community hall