56 Mid-autumn Festival

Tết Trung thu

Tết

Tiếng hát vui của đám trẻ con làm ta da diết nhớ những đêm trăng tròn đẹp đẽ của mình thủa xưa.

Nguồn gốc

Suốt cả năm chỉ có mỗi đêm rằm tháng tám âm lịch thì trăng sáng nhất, tròn nhất và người lớn quây quần cùng trẻ em bên mâm cỗ. Trung thu là dịp tết đoàn viên, một phong tục có từ lâu đời và mang theo những sự tích đầy ý nghĩa...

Nhiều người nghĩ rằng tết Trung thu ở Việt Nam là từ Trung Quốc lan sang nhưng nếu bạn xem xét những giai thoại liên quan của hai dân tộc thì sẽ thấy chúng rất khác nhau về nội dung và bài học có thể rút ra.

Cổ tích Trung hoa kể về chàng Hậu Nghệ có tài bắn rơi 9 mặt trời để chống hạn mà trót làm cho cô vợ Hằng Nga ôm chú thỏ ngọc cùng chày giã thuốc bay tít đến mặt trăng và sống vò võ trong cung Quảng lạnh lẽo nhìn xuống nhân gian xa lắc... Theo sử nhà Đường, vua Huyền Tông mê Dương Quý Phi đến bỏ bê triều chính. Khắp nơi loạn lạc, tướng sĩ đòi vua phải để nàng tự thắt cổ. Vua thương nhớ nàng khôn nguôi và một đêm rằm tháng Tám đã mơ được đạo sĩ đưa lên cung trăng gặp lại Dương Quý Phi. Sau đó tết Trung thu ra đời...


Bà con ta ở đồng bằng sông Hồng thì có câu chuyện về chú Cuội trí trá cả đời lừa người, cuối cùng lấy phải vợ đần làm cho chồng vì ôm chặt cây đa thần mà bị bay lên mặt trăng... Tấm bia dựng ở chùa Đọi cho biết Tết Trung thu đã được tổ chức hàng năm ở kinh thành Thăng Long từ đời nhà Lý với các hội đua thuyền, múa rối nước và lễ rước đèn...

Cỗ Trung thu

Theo phong tục Việt vào dịp rằm tháng Tám, ban ngày các nhà đều cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trà, ngắm trăng. Mâm cỗ có nhiều thứ hoa quả thơm ngon và bánh mứt kẹo đủ màu sắc. Phụ nữ thành thị còn thi tài gọt trổ trái cây thành hình các bông hoa, nặn bột làm tôm cá, ở nông thôn thì thường thổi xôi, nấu chè các loại. Có lẽ ai cũng mong ước được trở lại tuổi thơ để ca hát, rước đèn và sung sướng chờ phá cỗ mà bánh dẻo và bánh nướng có hình trăng là hai thứ không thể thiếu.

Bánh nướng thường có vị mặn, nhân làm bằng lạp xưởng, lá chanh, vỏ cam và lòng đỏ trứng. Bánh dẻo có vị ngọt làm bằng bột gạo dấp nước hoa bưởi bọc nhân đậu xanh hay đậu đỏ nấu nhừ và đánh nhuyễn. Bánh Trung thu tượng trưng cho sự đoàn viên, dùng khi thưởng trăng và cúng những người thân đã khuất.

Các trò chơi

Đồ chơi trong dịp tết Trung thu thường làm bằng nan tre bồi giấy thành hình các con thú như voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá, bươm bướm, bọ ngựa, con cóc... và cành hoa, giàn mướp, đèn cù, ông nghè... Từ thế kỷ 20 đến nay còn có nhiều đồ chơi làm bằng sắt tây hoặc bằng nhựa và mới nhất là điều khiển bằng điện tử.

Trẻ em chia thành các nhóm chơi đèn kéo quân, nhảy ô, kéo co... hoặc dắt nhau từng đàn từng lũ rước đèn ông sao, đèn cá chép, đèn cầy, múa sư tử, gõ trống, thổi còi, ca hát, reo hò rầm rộ...

Múa sư tử còn gọi là múa lân. Con lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà. Một người đội chiếc đầu Lân bằng giấy bồi sặc sỡ và múa những điệu bộ của con vật này, sau lưng có đuôi dài bằng vải màu do một người cầm cùng múa và phất theo nhịp trống. Ngoài ra còn có ngưởi gõ thanh la, giương đèn màu và cờ ngũ sắc, cùng người cầm côn múa theo như hộ vệ cho Lân... Đám múa đi trước, người lớn và trẻ con nối đuôi đi sau.

Fête des Enfants