562 Canh Nau community hall

Đình Canh Nậu

h.Thạch ThấtTiền Lýsông Đáy

Đình Canh Nậu có từ thế kỷ XVII. Thờ: Thành hoàng bản thổ, Quy Hải Long Vương, Ả Lã Nàng Đê, Lý Phục Man, Đỗ Viện. Lễ hội: 17/7 âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: 3J38+QM, xã Canh Nậu, H. Thạch Thất, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 34km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: Cây xăng Dị Nậu trên ĐT420 (xe CNG01), Chợ Ngọc Tảo trên QL32 (xe 20b, 20c, 70a, 70b, 92).

Địa lý

Xã Canh Nậu cách Hồ Gươm 34 km và cách huyện lỵ Thạch Thất 3 km. Phía bắc giáp xã Hương Ngải, phía nam giáp xã Dị Nậu, phía tây giáp xã Chàng Sơn (đều cùng huyện), phía đông giáp xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ). Dân số năm 1999 là 11.198 người, khoảng 1% theo đạo Thiên Chúa. Tổng diện tích là 506 ha, mật độ dân số vượt 2.000 người/km². Diện tích đất canh tác năm 2000 xấp xỉ 370 ha. Xã gồm 4 thôn. Diện tích khu dân cư khoảng 40 ha.

Canh Nậu hiện nay chủ yếu là một làng nghề thủ công tiêu biểu, với các sản phẩm mộc cao cấp và truyền thống: tủ chè, tràng kỷ, sập, phản, giường, cầu thang, đồ thờ, đồ gỗ nội thất... Ngoài nghề nông và nghề mộc là cơ bản, dân địa phương còn có nghề thợ xây, thợ sắt... Đạng lưu ý rằng đường làng ngõ xóm ở đây khá sạch sẽ và ít bị lấn chiếm, tuy nhiên nguy cơ ô nhiễm môi trường vẫn đang đe doạ trước sự bùng nổ dân số và công nghiệp hoá.

Trong đình Canh Nậu. Photo ©NCCông 2019

Lược sử

Ngày xưa, Canh Nậu gồm những gò đống không cao, phía dưới là những bãi trũng, lầy, cỏ dại lau lạch, các ngòi rãnh nước chằng chịt. Trải qua nhiều thế kỷ khai phá, người dân đã tạo nên những đồng ruộng bằng phẳng. Tên Nôm của xã là Kẻ Núc, sau đặt tên chữ là Canh Nậu với nghĩa CANH 畊 là "cày", NẬU 耨 là "bừa". Ngoài nghề nông, gần đây Canh Nậu còn nổi tiếng bởi nghề mộc.

Thời Nguyễn, xã Canh Nậu thuộc tổng Hương Ngải, huyện Thạch Thất. Năm 1945 được sáp nhập với các xã trong tổng Hương Ngải cũ thành khu Hương Ngải. Đầu tháng 4-1948, thôn Hương Ngải được tách ra thành một xã riêng; còn 3 làng Canh Nậu, Dị Nậu, Bến Thôn lập thành một xã mang tên Lam Sơn. Tháng 5-1955, thôn Canh Nậu lại được tách khỏi Lam Sơn và trở thành một xã riêng với cái tên ban đầu là xã Canh Nậu.

Nghi môn đình Canh Nậu. Photo ©NCCông 2019

Đình làng Canh Nậu được khởi dựng vào thế kỷ XVII dưới thời Lê Trung Hưng. Trong đình thờ Thành hoàng bản thổ, thần Quy Hải Long vương, Ả Lã Nàng Đê — nữ tướng thời Hai Bà Trưng; Lý Phục Man — võ tướng thời Lý Nam Đế; Đỗ Viện — thái thú quận Giao Chỉ thời nhà Tấn.[1]

Kiến trúc

Đình làng Canh Nậu toạ lạc trên một mảnh đất cao, mặt quay về phía đông-nam. Trước cửa đình là một ao nước hình chữ nhật. Giữa ao có ụ đất tròn, xưa làm xới vật, nay để hoang.. Nghi môn mới xây gồm 4 trụ biểu, có đắp các câu đối chữ Hán, hai bên sân là hai dãy tả, hữu mạc nằm đối diện. Cuối sân lại có tam quan và hai cửa nách để ngăn cách với khu đình trong,.

Tam quan gồm 3 gian, cửa gỗ, tường hồi bít đốc có 2 cột trụ nhỏ. Nhà tiền tế gồm 3 gian để trống làm thành hình "chữ Nhất". Mái dựa trên 4 hàng chân, vì nóc giá chiêng, chủ yếu bào trơn đóng bén. Đại bái rộng 5 gian 2 chái, kết nối với hậu cung gồm 2 gian theo hình "chữ Đinh".

Hữu mạc và tam quan đình Canh Nậu. Photo ©NCCông 2019

Di sản

Đình Canh Nậu đã qua nhiều lần tu bổ. Trụ biểu và các khung gỗ nói chung được trang trí đẹp. Các di vật và hoạ tiết hoa văn cho biết đình được khởi dựng vào thế kỷ XVII rồi tôn tạo lớn vào thế kỷ XVIII—XIX khá công phu. Bốn góc mái cong đao rồng, hoa chanh và các kiểu chữ “Thọ” cách điệu.

Trên lớp kiến trúc ở vì nách gian giữa còn có bốn bức cốn gỗ chạm trổ thời Lê, đề tài chủ yếu là hình rồng. Điều đáng lưu ý là hình tượng rồng không dữ tợn mà đang vui đùa với các loài thuỷ tộc, ở một bức cốn khác rồng đang đùa giỡn trên sóng và đùa giỡn với các chàng trai đóng khố, cởi trần đang ngồi trên sóng nước mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII. Hiện vật cổ đáng quý là một bát hương lớn thời Lê cao tới 32cm.

Tại hậu cung có đặt 5 cỗ long ngai bài vị chạm khắc cầu kỳ, sơn son thiếp vàng, là nơi thờ 5 vị thành hoàng làng. Hàng năm xuân thu nhị kỳ dân làng tổ chức lễ hội lớn vào tháng Hai và ngày 17 tháng Bảy âm lịch. Trong dịp hội có đám rước, tế lễ, đánh vật và nhiều hoạt động văn hoá dân gian khác.

Chạm gỗ trong đình Canh Nậu. Photo ©NCCông 2019

Tại Quyết định số 1430/VH/QĐ ngày 12-10-1993 Bộ Văn hoá - Thông tin đã xếp hạng ngôi đình là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.[2]

Di tích lân cận

©NCCông 2019, Canh Nau community hall
[1] Đỗ Viện có ông nội người Trung Quốc từ Kinh Triệu di cư sang Việt Nam. Ngài cát cứ ở Giao Châu, mở trường dạy chữ Hán, muốn ly khai phương bắc, hậu duệ dần dần Việt hoá.
[2] Ngoài ngôi đình, Canh Nậu còn có một quán ở cách đó khoảng 1km về phía tây làng. Quán đó là ngôi nhà chạy dọc với 3 gian ngoài bày đồ tế tự, gian trong có một khám thờ lớn bằng gỗ bài trí long ngai bài vị thành hoàng làng. Quán Canh Nậu xuất hiện từ lâu đời, được tu sửa lớn vào năm Cảnh Thịnh 1 thời Tây Sơn (1793), hiện vật có giá trị là một cây chân đèn gốm thời Mạc.