571 Mui community hall

Đình làng Mui

h.Thường Tínsông HồngHai Bà Trưng

Đình làng Mui có từ lâu đời. Thờ thành hoàng: 4 vị đi theo Hai Bà Trưng. Lễ hội: 7 tháng Giêng âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1994). Vị trí: RV4Q+96, xã Tô Hiệu, H. Thường Tín, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 27 km (hướng 6h). Trạm bus lân cận: đầu phố Tía (xe 06a, 06c, 06d, 06e, 101, 101b, 108).

Địa lý

Làng Mui là tên Nôm của thôn An Duyên, nay thuộc xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Xã này ở phía tây nam tiếp giáp xã Phượng Dực của huyện Phú Xuyên. Còn lại giáp với 6 xã cùng huyện Thường Tín, bao gồm: Văn Tự ở phía nam, Thống Nhất phía đông, Lê Lợi phía đông bắc, Thắng Lợi phía bắc, Dũng Tiến ở phía tây bắc, Nghiêm Xuyên ở phía tây.

Xã Tô Hiệu có 4 thôn: Tử Dương, An Duyên, An Định, Đông Duyên. Trước 1831 thuộc huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng; 4 thôn này gọi là xã, gồm: An Duyên (tên Nôm: Mui), An Định (Giành), Đông Duyên (Đình Dâu) là 3 xã của tổng Tín Yên, và xã Tử Dương (Tía) của tổng Bình Lăng. Sau 1831 mới cùng phủ Thường Tín thuộc về tỉnh Hà Nội. [1]

Mặt tiền đình làng Mui. Photo NCCong ©2019

Xã nằm bên đường sắt Thống Nhất, quốc lộ QL1A cũ và đường cao tốc Pháp Vân–-Cầu Giẽ, trung tâm là phố Tía. Thời Pháp thuộc, đất xã thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Từ năm 1945, bỏ cấp tổng, thành lập xã Tô Hiệu. Cùng huyện Thường Tín, xã lần lượt thuộc tỉnh Hà Đông, Hà Tây, Hà Sơn Bình, Hà Tây; tới năm 2008 nhập về thành phố Hà Nội.

Lược sử

Đình làng Mui (tức thôn An Duyên) có từ lâu đời nhưng ban đầu chỉ là tranh tre nứa lá đơn sơ, đến năm 1925 được xây lại khang trang cao ráo. Trong đình thờ 4 vị thành hoàng bản thổ, tương truyền là mấy người còn sống sót trong đội thôn binh gồm 80 chàng trai tình nguyện đi theo Hai Bà Trưng chiến đấu với quân Hán do Mã Viện chỉ huy sang xâm lược nước ta vào năm 43 đầu công nguyên.

Ảnh vệ tinh đình, đền, chùa làng Mui

Ngôi đình hiện nay nằm trong cụm di tích cùng với chùa làng Mui (tức Hưng Thánh Quán) và đền thờ cụ Hậu - một người dân sở tại đã hiến tặng toàn bộ đất đai, của cải cho làng sau khi qua đời. Ngôi đền chỉ nhỏ khoảng 5m2 và phần lớn được trùm bằng bộ rễ của một cây bồ đề lớn. Bên trong đền có một tấm bia đá chữ Hán ghi công đức lớn của cụ Hậu.

Vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm, dân sở tại vẫn làm giỗ để tỏ lòng thành kính, biết ơn và tôn vinh cụ Hậu. Trước đó vào mùng 7 còn có lễ hội tại khu vực đình - đền - chùa làng Mui, nhân dịp này cũng diễn ra các trò vui truyền thống dân gian như đánh gậy, múa lân, múa võ, ca hát và nhiều tiết mục đặc sắc khác.

Đền cụ Hậu và đình làng Mui. Photo NCCong ©2019

Cụm di tích của làng Mui gồm đình An Duyên và chùa Hưng Thánh Quán đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 01/1999/QĐ-BVHTT ngày 04/01/1999.

Từ ngã ba QL1A - phố Tía bạn đi về phía đông theo đường liên xã ĐT73 khoảng 400m sẽ gặp một ngã ba nhỏ, nơi có ngôi chợ làng thường nhóm họp vào hai buổi sáng chiều hàng ngày. Rẽ tay phải vào con đường làng, đi qua hết chợ bạn sẽ thấy ngay cổng tam quan ngoại chung cho cả cụm di tích đình - đền - chùa làng Mui.

Chợ làng Mui. Photo NCCong ©2019

Kiến trúc

Đình làng Mui quay mặt về hướng nam nhìn ra một hồ vuông, song song bên cạnh ngôi chùa lớn có tam quan nội giáp với ao tròn. Chùa này vốn là một quán tu hành của các đạo sĩ và có từ thời nhà Trần, tên chữ là Hưng Thánh Quán. Ở giữa đình và chùa là một ngôi đền nhỏ thờ cụ Hậu nằm trong gốc cây bồ đề nổi tiếng, xung quanh là một sân gạch rất rộng, phía sau laị có cổng hậu mở ra đường liên xã ĐT73.

Mặt tiền của đình là một ngũ môn quan đồ sộ. Giữa những trụ biểu và trên diềm tường có gắn nhiều phù điêu lớn nhỏ với hình người, cảnh sinh động mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Có thể từ sân buớc lên hiên qua các cửa nách và cửa trước đều xây hình vòm. Hàng hiên chia thành 5 khúc, tương ứng với 5 gian cửa bức bàn cột trốn. Phía dưới mái là những mảng chạm khắc gỗ khá đẹp.

Ban thờ trong đình làng Mui. Photo NCCong ©2019

Mái đại đình lợp ngói ri, dựa trên một bộ khung gỗ với 24 cây cột. Cụ thủ từ kể rằng nghe nói xưa kia người ta phải đào riêng một cái máng nước để đưa về làng những thân gỗ lim to dài rất nặng. Gian giữa bày hương án, lộ bộ, đại đình kết nối với hậu cung theo kiểu hình “chữ Đinh”. Cung cấm được xây 2 tầng, bên trong bày 4 bộ long ngai bài vị thành hoàng làng.

Di tích lân cận

Chú thích
[1] Theo sách "Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc kỳ" của Ngô Vi Liễn thì tổng Tín Yên gồm 5 thôn xã: Đông Duyên (làng Dương Dần), Hà Vĩ, Lưu Khê, Tín Yên (Dừng), Yên Duyên (Mui).

©NCCông 2018-2019, Mui community hall