572 Mui Pagoda

Chùa Mui (Hưng Thánh Quán)

huyện Thường Tínđạo quánsông Hồng

Chùa làng Mui có từ thế kỷ XVI. Tên chữ: Hưng Thánh Quán 興聖觀. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1994). Vị trí: RV4Q+72, Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 28 km (hướng 6h). Trạm bus lân cận: đầu phố Tía (xe 06a, 06c, 06d, 06e, 101, 101b, 108).

Lược sử

Chùa làng Mui xưa kia vốn là một nơi tu luyện của các đạo sĩ Lão giáo, do đó còn để lại tên chữ Hưng Thánh Quán 興聖觀. Trước mặt chùa có ao hình trái xoan, tương phản với ngôi đình nằm song song bên cạnh nhìn ra một hồ vuông. Du khách bước qua tam quan mới xây sẽ thấy một sân gạch rất rộng, bên trái là trường Tiểu học Tô Hiệu. Ngôi chùa hiện nay nằm trong cụm di tích lịch sử văn hoá cùng với đình làng Mui và đền thờ cụ Hậu — một người dân sở tại đã hiến tặng toàn bộ đất đai, của cải cho làng sau khi qua đời.

Ngôi đền chỉ nhỏ khoảng 5m2 và phần lớn được trùm bằng bộ rễ của một cây bồ đề lớn. Bên trong có một tấm bia đá chữ Hán ghi công đức đời đời của cụ Hậu. Vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm, dân làng Mui (tức thôn An Duyên) vẫn làm giỗ để tỏ lòng thành kính, biết ơn và tôn vinh cụ Hậu.

Hoành phi chùa Mui. Photo ©LêTiênLong 2019

Trước đó vào mùng 7 tết còn có lễ hội diễn ra tại khu vực đình, đền, chùa làng Mui. Khách thập phương thường đổ về đây để xem các trò vui truyền thống dân gian như đánh gậy, múa lân, múa võ và nhiều tiết mục đặc sắc khác.

Tại Quyết định số 01/1999/QĐ-BVHTT ngày 04/01/1999 của Bộ Văn hoá và Thông tin, chùa Hưng Thánh Quán được xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Chùa Hưng Thánh Quán nhìn qua cổng tam quan ra toà tháp nhỏ giữa hồ nước ở về hướng nam, không về hướng tây như thường thấy trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Mặt bằng xây dựng tổng thể của chùa có hình "nội Công ngoại Quốc": phía trước là toà tiền đường, phía sau có điện thờ Mẫu, hai bên là hai dãy hành lang, ở giữa sân sau là toà thượng điện được dựng trên nền cao và gần như có hình vuông.

Bệ thờ Champa ở chùa Mui. Photo ©LêTiênLong 2019

Tiền đường rộng 5 gian 2 chái, bộ mái đồ sộ lợp ngói vẩy rồng đè nặng lên khung với 4 cột cái và 12 cột con bằng gỗ lim. Chính giữa bờ nóc có xây bức đại tự đắp nổi ba chữ Hán 興聖觀 (Hưng Thánh Quán), hai đầu là hai hình đầu rồng bằng đất nung nguyên khối, mắt lồi, bờm hất ngược, miệng há to ngậm một khung vuông có hình tròn ở giữa, tượng trưng cho quan niệm vũ trụ cũ với mô hình "Trời tròn đất vuông".

Di sản

Bên trong toà tiền đường có nhiều mảng chạm khắc gỗ các đề tài rồng mây hoa lá, mang dấu ấn của thế kỷ XVII. Từ những hiện vật trang trí thì đáng chú ý nhất là đôi đầu rồng bằng đất nung đã nói ở trên. Tác phẩm cao tới gần 1m, với tai thú, mũi sư tử, miệng há rộng, nhe răng, hai sừng tê vắt chéo như một trong những biểu tượng của tín ngưỡng đạo Giáo.

Bộ tượng Tam Thanh, Hưng Thánh Quán. Ảnh NCCong ©2019

Niên đại chủ đạo ở hành lang và thiêu hương là TK XVII, ở thượng điện là TK XVI. Tại toà thượng điện có đặt một bệ tượng đất nung khá lớn, cao khoảng 1m, rộng 150cm dài 250cm. Lớp trên là đài sen trang trí hình rồng, hoa lá và bốn góc là chim thần trong tư thế nâng đội đài sen. Phía sau bệ, ở tầng thờ cao nhất là nơi bài trí bộ tượng Tam Thanh của Hưng Thánh Quán.

Di tích lân cận

572 Mui Pagoda ©NCCông 2019-2020