Trang nhà > Phường cũ > Phường Hàng Bồ > Phố Hàng Cá
Fish street
Phố Hàng Cá
Rue de la Poissonnerie
Thứ Năm 2, Tháng Giêng 2020, bởi
Phố Hàng Cá dài 124m, rộng 6m, đi từ ngã tư Hàng Đường—Ngõ Gạch cắt qua phố Chả Cá rồi đến ngã tư Thuốc Bắc—Lò Rèn. Nay thuộc: phường Hàng Bồ, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 600m (hướng 11h). Trạm bus lân cận: 22c Hàng Lược và 56 Hàng Cân (xe 31), 115 Phùng Hưng (01, 18, 23, 36, 36CT)
- Phố Hàng Cá. Ảnh NCCong ©2019
Lược sử
Phố Hàng Cá ở trên đất thôn Đồng Thuận, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ. Trước kia, sông Tô Lịch từng chảy ra sông Hồng qua đầu phố này, nơi đó có một chỗ tập trung bán cá tên là trại Tiên Ngư (cá tươi). Ngày nay vẫn còn di tích của ngôi đình thôn Đồng Thuận ở số nhà 27, cũng gọi là đình Hàng Cá.
Ngã phố Thuốc Bắc—Lò Rèn—Hàng Cá. Panorama NCCong ©2015
Đình Đồng Thuận thờ thành hoàng Lý Tiến, một trong những anh hùng chống ngoại xâm đầu tiên. Theo truyền thuyết, Ngài sinh ra và lớn lên ở trại Tiên Ngư, dưới đời Hùng Vương thứ 6. Ngài tham gia cùng Thánh Gióng ở vùng Vũ Ninh đánh giặc phương Bắc nhưng bị thương rất nặng, chạy về tới quê nhà mới chịu hoá.
- Phố Hàng Cá. Ảnh NCCong ©2019
Nền nhà trở thành nấm mộ và về sau dân trại lập ngay bên mộ đó một ngôi đền thờ Ngài. Ngày nay di tích đền Lý Tiến tức đình thôn Đông Thuận ở số 27 phố Hàng Cá thực ra chỉ là phần hậu cung còn sót lại sau khi người Pháp mở các đường phố mới đi qua thôn này (ngoài ra, Ngài còn được thờ ở đình Ngũ Giáp, số 54 phố Hàng Cót gần đó).
Ngã tư Hàng Đường—Ngõ Gạch—Hàng Cá. Panorama NCCong ©2014
Ngôi đền Lý Tiến cách phố Hàng Buồm 100m và cách phố Trần Nhật Duật (xưa là đê sông Hồng) chỉ khoảng 500m. Cho đến cuối thế kỷ XIX từng có chợ Cầu Đông và một cái hồ lắm cá ở phía đông phố Hàng Cá, tên là hồ Hàng Đào. Phía nam hồ này lại có một xóm ngư dân khác, nay còn di tích ở tên phố Gia Ngư.
- Ngã phố Hàng Cá—Chả Cá. Ảnh NCCong ©2019
Sau khi chiếm thành Hà Nội và lập quy hoạch mở rộng đô thị, năm 1889 người Pháp lấp khúc sông Tô Lịch từ phố Phan Đình Phùng đến phố Chợ Gạo bây giờ, lấp cả hồ Hàng Đào và xây một ngôi chợ mới để chuyển chợ Cầu Đông về đó, gọi là chợ Đồng Xuân. Họ dịch nghĩa tên phố Hàng Cá sang tiếng Pháp là “Rue de la Poissonnerie”. Đến giữa năm 1945, thị trưởng TP Hà Nội là bác sĩ Trần Văn Lai đã lấy lại tên cũ. Tên phố Hàng Cá vẫn giữ nguyên đến nay.
Bản đồ trực tuyến
Di tích lân cận
- Chùa Cầu Đông: nhà số 38b phố Hàng Đường, có thờ vợ chồng thái sư Trần Thủ Độ.
- Đền Bạch Mã: góc phố Hàng Giầy—Hàng Buồm.
- Đình Đông Môn: số nhà 8 phố Hàng Cân.
- Đình Đông Thành: số 7 phố Hàng Vải.
- Đình Lò Rèn: số 1 phố Lò Rèn.
- Đình Thanh Hà: số 10 phố Ngõ Gạch.
Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong