584 Tho Khoi pagoda

Chùa Thổ Khối (Sùng Phúc Tự)

q.Long Biênsông HồngLê trung hưng

Chùa làng Thổ Khối có từ thế kỷ XVIII. Tên chữ: Sùng Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1991). Vị trí: 2W54+58, đường ĐT378, P. Cự Khối, Q. Long Biên, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 10km (hướng 4h). Trạm bus lân cận: Đd điếm Cự Khối (xe 47A).

Lược sử

Thời Nguyễn, Thổ Khối là một xã thuộc tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Năm 1956, tổng Cự Linh được chia thành hai xã Cự Khối, Thạch Bàn. Xã Cự Khối gồm hai thôn Thổ Khối, Xuân Đỗ. Ngày 20-4-1961, xã Cự Khối cùng các xã khác trong huyện Gia Lâm được chuyển từ tỉnh Bắc Ninh về TP Hà Nội. Ngày 6-11-2003, xã Cự Khối trở thành phường Cự Khối, thuộc quận Long Biên mới thành lập.

Tam quan chùa Thổ Khối. Photo NCCong ©2019

Vùng đất này xưa kia đã có 5 gò cao gồm: Gò Cát, Cầu Cao, Đồng Sơn, Đồng Dễ, Đồng Hột, được coi là Ngũ Nhạc. Đôi câu đối chữ Hán tại trụ biểu của tòa tiền đường ghi như sau:

  • Ngũ phong kinh pháp giới ngọc lộ hương kim quả hưởng cảnh ngưỡng sùng cương,
  • Nhị thủy tức tuệ lâm tường vân cái tuệ nhật phiên quang lung bảo tòa.
    Tạm dịch:
  • Năm đỉnh tựa pháp giới, bình ngọc tỏa hương thơm kết trái ngưỡng vọng cao,
  • Sông Nhị tức tuệ tâm, tốt lành thay tuệ nhật xoay luồng ngóng tòa sen.

Hiện nay chưa biết chính xác về năm khởi dựng chùa Thổ Khối mặc dù tên gọi Sùng Phúc Tự đã có từ khá sớm.

Tiền đường chùa Thổ Khối. Photo NCCong ©2019

Truyền thuyết nói thế đất của chùa tượng trưng cho đầu một con rồng, giống như ngôi đình bên kia đê, tạo thành biểu tượng “lưỡng long chầu nguyệt” mà mặt trăng là giếng đình. Đôi câu đối khác tại hai trụ biểu trước tiền đường viết:

  • Dũ khám Nhị hà, long hấp liên hoa phù bảo tòa,
  • Tường vũ ngọc tỉnh, ngư du cụ diệp thính chân kinh.
    Tạm dịch:
  • Bến cửa sông Nhị, rồng ngửi hoa sen nâng tòa báu,
  • Quanh bờ giếng ngọc, cá đùa cành lá ngộ chân kinh.

Ngày 02-10-1991, chùa Thổ Khối đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Chùa Thổ Khối nằm trên một thế đất cao gần ngang lưng đê, mang dáng vẻ nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Tam quan xây kiểu ngũ môn, trên cửa giữa là gác chuông, mặt quay về hướng tây nhìn qua sân trước và vườn cây ra sông Hồng. Bên tả sân trước là khu tháp mộ với di cốt của 4 vị trụ trì đã quá cố.

Thượng điện chùa Thổ Khối. Photo NCCong ©2019

Tiền đường rộng 7 gian, cửa gỗ bức bàn, tường hồi bít đốc, được kết nối với thiêu hương và thượng điện 4 gian thành hình chuôi vồ. Nhà Mẫu nằm ở phía bên tả đã được xây dựng lại khang trang đồng thời với gác chuông. Nơi đây thờ Tam tòa Thánh Mẫu, Tứ phủ Chầu bà, Tứ phủ Quan hoàng, Cô, Cậu, Động Sơn Trang và Đức Thánh Trần. Trong sân sau còn có nhà Tổ, nhà khách và nhà Ni.

Di sản

Ngoài hệ thống chuông, khánh và bia đá, chùa Thổ Khối còn giữ được nhiều hiện vật cổ như hoành phi, câu đối miêu tả cảnh sắc nơi đây. Trong đó có đôi câu đối ghi như sau:

  • Ngô hương thuận tụ Gia Lâm thủ tẩu thự hoa thanh chấn,
  • Thiền quan khai phong Thổ Khối đảo bôi hồ nhãn chúng khoan.
    Dịch nghĩa:
  • Gia Lâm chốn quê nhà tụ hội phồn vinh cây hoa tươi tốt,
  • Cửa thiền khai phong thổ mở cõi mênh mông vượt tầm nhìn.
Phật điện chùa Thổ Khối. Photo NCCong ©2019

Vào thập niên 1980, chùa bị mất một số cổ vật, trong đó có bộ tượng Tam thế Phật, tượng Bồ Tát cưỡi trên lưng trâu và tượng Quan Âm Nam Hải. Theo kể lại thì pho tượng Quan Âm đặt chính giữa thượng điện và có kích thước lớn nhất. Tượng này thường thấy trong các ngôi chùa ven sông vì dân gian tin rằng Quan Âm Nam Hải thường xuyên ra tay cứu độ cho các thương thuyền.

Di tích lân cận

©NCCong 2018-2020, Tho Khoi pagoda