Trang nhà > Vườn Thiền > Đông nội thành > Chùa Hiển Quang
Hien Quang pagoda
Chùa Hiển Quang
Hiển Quang Tự
Thứ Bảy 26, Tháng Mười Hai 2020, bởi
Chùa Hiển Quang có từ thời Lý. Tên chữ: Hiển Quang Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: 3WCH+8P, thôn Trung, xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 12km (hướng 2h). Trạm bus lân cận: 44 Hà Huy Tập (xe 10a, 10b, 15, 17, 43, 54, 59)
Lược sử
Chùa Hiển Quang nằm ven dòng sông Đuống (Thiên Đức) thuộc địa phận thôn Trung, xã Hạ Dương, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc, ngày nay là thôn Trung, xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Chùa được xây dựng trên khu đất cao ráo vốn là phế tích của một ngôi miếu cổ có tên Đổng Linh Từ [1].
Vị sư đầu tiên trụ trì chùa Hiển Quang tên là Huyền Trang đại sư, đã mất ngày 13 tháng 3, được dân tưởng nhớ khắc bia phụng thờ. Tấm bia có bốn mặt khắc dòng chữ Hán “Cao Tôn Hoàng Đế - Cửu Thiên Huyền Nữ - Huyền Trang Đại Sư - Hiển Quang Phụng Tự” và ghi niên đại hoàng đế Lý Thái Tông, tức là vào thế kỷ XI [2].
Trải qua thời gian và sự biến đổi theo lịch sử của các triều đại phong kiến, chùa đã được nhiều lần trùng tu. Vào năm 1656 đời nhà Lê, có ông Đỗ Công Thông người ở thôn Trung làm quan trong triều đến chức Tư Lễ Giám chủ trì Điện Kính Thiên. Ông và vợ là Ngô Thị Ngọc Hy đã bỏ tiền bạc ra tu bổ chùa Hiển Quang, lại hiến 10 mẫu 6 sào cho nhà chùa để lấy tiền dầu đèn thờ cúng Phật...
Trong những năm 1947-1954, huyện Gia Lâm bị quân Pháp chiếm đóng, sau đó đất nước bị chia cắt rồi chiến tranh do Không quân Mỹ tiến hành đã tàn phá một phần. Đặc biệt năm 1971, đê sông Đuống bị vỡ, chùa Hiển Quang bị ngập lụt, tượng Phật và đồ pháp khí trôi theo dòng nước lũ, chỉ còn lại đống gạch đổ nát và các tấm bia đá nằm phơi nắng gió.
Từ năm 1986, nhà nước có chủ trương hỗ trợ trùng tu các di tích lịch sử. Nhân dân thôn Trung đã xây dựng lại chùa Hiển Quang trên nền đất cũ có từ thời xưa với tiền đường 3 gian tường hồi bít đốc và hậu cung sâu 2 gian, kết nối theo hình chuôi vồ truyền thống. Công trình này nhanh chóng bị xuống cấp do vật tư thời đó còn khan hiếm và chất lượng thấp.
Kiến trúc và di vật
Năm 2001, vị sư trụ trì đã cùng nhân dân thôn Trung khởi công tu tạo chùa Hiển Quang. (Lưu ý: thôn Hạ cũng có một ngôi chùa cùng tên, còn gọi chùa Dương Hà, được xây dựng lại vào ngày 20 tháng 3 năm Ất Mùi tức 2015). Khu chùa mới có tam quan, sân và chùa chính. Toà tiền đường 5 gian kết nối với thượng điện theo hình “chữ Đinh”, bên trong bài trí hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông và hoành phi, câu đối, cửa võng, v.v.. Bên ngoài chùa chính còn có thuỷ đình và nhà Mẫu với tiền tế 3 gian.
Trong chùa Hiển Quang còn lưu giữ được một số pho tượng mang đậm phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XIX và các đồ tế khí có cùng niên đại. Lại có một tấm bia trùng tu ghi niên hiệu Chính Hoà đời vua Lê Hy Tông (1671-1675). Ngày 11-05-1993, chùa và đình thôn Trung đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Kiến Sơ: làng Gióng, xã Phù Đổng.
- Chùa Nành: làng Nành, xã Ninh Hiệp.
- Đền Gióng: làng Gióng, xã Phù Đổng.
- Đình, miếu Công Đình: thôn Công Đình, xã Đình Xuyên.
- Đình, miếu Tế Xuyên: thôn Tế Xuyên, xã Đình Xuyên.
Bản đồ trực tuyến
Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong
[1] Tương truyền vào đầu thời kỳ nước ta bị Bắc thuộc lần thứ nhất, có ông Hà Hưng người ở vùng Đường Lâm - Sơn Tây hành hương cùng vợ đến miếu Đổng Linh Từ dâng lễ cúng để cầu tự. Đến ngày 9 tháng 2 năm 19, vợ ông là bà Đậu Thị Loan sinh được một bé trai, đặt tên Hà Uyên. Ngài lớn lên học giỏi, có tài thao lược, theo Hai Bà Trưng giúp cầm quân đánh đuổi giặc phương Bắc do thái thú Tô Định cầm đầu. Khi dẹp giặc xong, Ngài trở về thôn Trung tu tạo lại miếu Đổng Linh Từ, nơi sau này nhà Lý cho xây chùa Hiển Quang. Khi mất đi, Ngài được dân thờ làm Thành hoàng ở đình thôn Trung, xã Dương Hà và được các triều đại sắc phong là Trung đẳng phúc thần.
[2] Vua Lý Thái Tông 李 太 宗 sinh năm 1000 mất năm 1054, tên thật Lý Phật Mã 李 佛 瑪.