Trang nhà > Vườn Thiền > Nam nội thành > Chùa Bình Vọng
Binh Vong Pagoda
Chùa Bình Vọng
Báo Quốc Tự
Thứ Năm 19, Tháng Ba 2020, bởi
Chùa Bình Vọng tương truyền có từ thế kỷ XII. Tên chữ: Báo Quốc Tự. Xếp hạng: di tích quốc gia (1999). Vị trí: VVG8+F9, xã Văn Bình, H. Thường Tín, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 20km (hướng 6h). Trạm bus lân cận: Đd cột mốc H5/12 đường ĐT427 (xe 06b)
- Tiền đường chùa Báo Quốc. Photo NCCong ©2020
Địa lý
Xã Văn Bình nằm dọc đường quốc lộ QL1A; phía bắc giáp xã Nhị Khê và Duyên Thái, phía đông giáp xã Liên Phương, phía tây giáp xã Hòa Bình và thị trấn Thường Tín, phía nam giáp xã Hà Hồi. Xã có diện tích 5,2 km2, dân số 10.733 người, thuộc huyện Thường Tín, TP. Hà Nội.
Xã Văn Bình hiện gồm ba thôn: Văn Giáp, Văn Hội, Bình Vọng. Thôn Bình Vọng có từ thời Lý, tên Nôm là làng Bằng, nằm ở phía bắc thị trấn Thường Tín, cách sông Hồng và sông Nhuệ gần 4km đường chim bay. Thời Nguyễn, sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi: “Chợ Bình Vọng ở huyện Thượng Phúc, là chợ lớn trong phủ Thường Tín”.
Ngõ vào hậu đường chùa Báo Quốc. Panorama NCCong ©2020
Lược sử
Chùa Bình Vọng tên chữ Báo Quốc Tự, nằm liền kề với đình làng. Theo cuốn thần phả còn lưu giữ trong đình thì “... thời nhà Trần có nàng công chúa đoan trang, thuần hậu, được vua phong cai quản địa phận Bình Vọng. Tại đây, bà xin vua miễn tô thuế cho dân. Lại sai đào một con ngòi ở phía nam làng, gọi là ngòi Nam Lang để tiện cho thuyền bè qua lại. Khi công chúa và vua cha tới thăm chùa Báo Quốc, thuyền ngự đi về thường có đám mây ngũ sắc vờn che...” .
- Tam quan chùa Báo Quốc. Photo NCCong ©2020
Tấm bia “Trùng Tu Báo Quốc Tự Bi” do tiến sĩ Nguyễn Đăng soạn năm Hoằng Định thứ 13 (1612) ghi rằng “...chùa ở xã Bình Vọng là nơi danh lam cổ tích, phong cảnh hữu tình, lâu ngày đã hư hỏng. Các quan viên trong làng đứng ra quyên góp tiền của trùng tu thượng điện, thiêu hương, tam quan, dựng bảy gian nhà cầu để tránh mưa nắng khi đi lại...”. Bia “Bình Vọng Tự Bi” do tiến sĩ Nguyễn Tư Hiền soạn năm 1780 có câu: “Chùa Báo Quốc có từ thời Lý rất linh thiêng, từng âm phù giúp nước, yên dân”.
Ngày 19 tháng 2 năm 1999, Bộ Văn hoá và Thông tin đã xếp hạng chùa Báo Quốc và đình làng Bình Vọng là di tích lịch sử - kiến trúc - nghệ thuật quốc gia.
- Hậu đường chùa Báo Quốc. Photo NCCong ©2020
Kiến trúc
Chùa Báo Quốc đã trải qua nhiều lần sửa chữa, tôn tạo, trong đó có mấy đợt đại trùng tu còn lưu giữ được các tấm bia đá ghi chép sự kiện, cụ thể vào những năm 1612, 1780, 2008. Quy mô chùa hiện nay khá lớn và mang đậm dấu vết nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Mặt chùa nhìn về phía đông-nam qua sân trước và hai hàng muỗm cổ thụ trên bán đảo kéo dài tới cây cầu ngói nổi tiếng. Cổng giữa tam quan xây ba tầng, sân trước cũng rộng, được các cây nhãn lâu năm che mát.
Chùa xây kiểu "nội Công ngoại Quốc" rộng rãi, đặt được nhiều pho tượng tròn. Tiền đường 5 gian 2 dĩ, tường hồi bít đốc, tại hai đầu hàng hiên có 3 tấm bia cổ. Hai dĩ thông với hai hành lang dài kéo xuống trung đường 7 gian. Thiêu hương dẫn tới thượng điện 3 gian. Qua cổng phụ cạnh tam quan khách đi theo ngõ vào sân chủa trong giáp với trung đường, hậu đường, nhà khách và nhà tăng. Cạnh ngõ có cầu đá bắc ra tượng đài Quan Âm Nam Hải trên ao chùa, phía sau là vườn cây và 13 ngôi tháp mộ.
- Ngõ vào hậu đường chùa Báo Quốc. Photo NCCong ©2020
Di tích lân cận
- Chùa Khê Hồi: thôn Khê Hồi, xã Hà Hồi.
- Chùa Pháp Vân: 29 QL1A, xã Văn Bình.
- Đình Bình Vọng: thôn Bình Vọng, xã Văn Bình.
- Đình Hà Hồi: thôn Hà Hồi, xã Hà Hồi.
- Đình Khê Hồi: thôn Khê Hồi, xã Hà Hồi.
- Đình Văn Giáp: thôn Văn Giáp, xã Văn Bình.
- Nhà thờ Giáo xứ Hà Hồi: thôn Hà Hồi, xã Hà Hồi.
Bản đồ trực tuyến
Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong