Trang nhà > Vườn Thiền > Nam nội thành > Chùa Ngọc Trục
Ngoc Truc pagoda
Chùa Ngọc Trục
Đại Phúc Tự
Thứ Sáu 1, Tháng Giêng 2021, bởi
Chùa Ngọc Trục có từ thời Lê. Tên chữ: Đại Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: XQRF+59, ngõ 77 phố Ngọc Trục, phường Đại Mỗ, Q. Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 13km (hướng 8h). Trạm bus lân cận: Làng Ngọc Đại - Đại Mỗ (xe 57)
- Cổng chùa Ngọc Trục. Photo NCCong ©2015
Lược sử
Làng Ngọc Trục phía đông-bắc giáp sông Nhuệ, phía đông-nam giáp đường Tố Hữu, phía tây-nam giáp đường Đại Mỗ, ngày nay thuộc phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Nhân dân chuyên về làm ruộng trồng lúa và gần đây lại nổi tiếng về đào Tết. Trước kia họ có nghề nông kết hợp với đan bồ, đan cót, vì thế tên làng còn được gọi là Dộc Bồ. Theo sổ Địa bạ đời vua Gia Long thì diện tích đất canh tác năm 1805 đo được 320 mẫu ruộng.
- Sân chùa Ngọc Trục. Photo NCCong ©2014
Nơi đây lúc đầu vốn là một khối thống nhất cùng với phần làng nhỏ hơn bên bờ bắc sông Nhuệ, về sau chia thành hai thôn độc lập, gồm Dộc Cả (tên chữ Thượng Thư, đầu thời Nguyễn đổi thành Thượng Văn) và Dộc Bé (tên chữ là Trung Văn). Cạnh Văn chỉ là ngôi chùa làng Ngọc Trục được xây dựng từ thời Lê, lúc đầu có tên chữ Đại Bi Tự, sau đổi là Đại Phúc Tự. Chùa cùng với đình làng đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng ngày 31-01-1992 là Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Mặt chùa quay về phía tây-nam, nhìn qua sân gạch lớn ra giếng tròn. Sau tam quan xây theo kiểu ngũ môn là 2 nhà giải vũ ở hai bên sân và một phương đình ở giữa, gồm 4 mái dựa trên 16 cột tròn nhỏ. Toà tiền đường 5 gian kết nối với hậu cung 2 gian theo kiểu chuôi vồ. Nền chùa cao, thềm có 5 bậc, mỗi bậc cao 20cm. Phía lưng thượng điện là sân hậu với nhà Mẫu, nhà Tổ và nhà Ni bao quanh.
- Chuông, bia chùa Ngọc Trục. Photo NCCong ©2014
Bên trong chùa chính bài trí một hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông gồm 50 pho, trong đó có những pho tượng tròn nổi bật là: tượng Phật Di Lặc (cao 60cm), tượng Phật Tuyết Sơn (cao 56cm, niên đại thế kỷ XIX), tượng Quan Âm Bồ tát Chuẩn Đề, tòa Cửu Long (thế kỷ XVIII)...
Di vật
Gác trên tam quan chùa Ngọc Trục trước kia có treo một quả chuông đồng khá lớn, đúc năm Cảnh Thịnh thứ hai (1794) thời Tây Sơn, về sau bị vỡ. Các bài ký trên bia và chuông cho biết làng xưa có tên là thôn Thượng Thư, sau đổi là thôn Thượng Văn cùng với thôn Trung Văn bên kia sông Nhuệ thuộc xã Ngọc Trục, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây.
- Sân hậu chùa Ngọc Trục. Photo NCCong ©2018
Hằng năm nhà chùa tổ chức hai ngày lễ quan trọng là hội chùa vào ngày 2/2 âm lịch và giỗ sư tổ vào ngày 12/11. Trong hội chùa có lễ chay đàn của các nhà sư; ngoài sân thì làm lễ khất thực, phá dàn, lại có một nong bày hoa quả, thóc giống, khoai giống... Sau khóa lễ và hiệu lệnh, những người dự lễ xin lộc để lấy phước về cho gia đình. Ngoài ra, hội chùa còn có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đập niêu, đu tiên... Đây là nét độc đáo của hội chùa hiếm thấy ở Từ Liêm và Hà Nội.
Trước cổng chùa Đại Phúc. Panorama: NCCong ©2015
Di tích lân cận
- Chùa Sét (Đại Mỗ): xóm Tháp, phường Đại Mỗ.
- Đình Đại Mỗ: xóm Ngang, phường Đại Mỗ.
- Đình Ngọc Trục: ngõ 93 Ngọc Trục, phường Đại Mỗ.
- Đình Trung Văn: thôn Trung Văn, phường Trung Văn.
- Quán Ngọc Trục: XQVC+32, ngõ 24 đường Đại Mỗ, phường Đại Mỗ.
- Từ đường họ Nguyễn Quý: xóm Đình, phường Đại Mỗ.
Bản đồ trực tuyến
Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong