59 Flavors of traditional Tet

Hương vị Tết xưa

Tết

Khi trời bắt đầu rét đậm xen lẫn những hạt mưa lất phất ấy là báo hiệu một cái Tết đang đến gần. Không khí rạo rực khắp nơi, màu sắc tràn ra phố của hoa – cây cảnh, của bánh mứt kẹo, của đồ trang trí, của ánh đèn nhấp nháy khắp các cửa hiệu–nhà hàng, của phục trang người đi đường… Khoảnh khắc đó năm nào ta cũng gặp mà vẫn thấy bâng khuâng, khó tả. Nó gợi nhắc trong ta hương vị Tết đi cùng năm tháng, đi cùng ký ức để ta nhung nhớ, tìm về…

Nhớ hình ảnh mẹ lo toan cho một cái Tết thật tươm tất. Thực phẩm cho Tết chủ yếu là các thức hàng khô, như miến dong, mộc nhĩ… được mẹ túc tắc chuẩn bị. Để có nồi bánh chưng, mẹ lo mua ống giang chẻ lạt từ cả tháng trước. Mâm cỗ ngày Tết lúc nào cũng đủ lệ bộ là bốn bát – sáu đĩa. Mẹ có hẳn một bộ bát đĩa cổ để bày cỗ mà giờ chẳng mấy khi dùng đến. Nhưng Tết đến mẹ vẫn lôi chúng ra, lau sạch sẽ như lần giở kỷ niệm gia đình. Mình đã từng ao ước sẽ có lúc gói được những chiếc bánh chưng đẹp đẽ, xếp đĩa thịt gà hình bát úp, bó giò xào chặt tay như mẹ...

Ruộng hoa Mê Linh

Nhớ cái thời Hà Nội còn thênh thang những nẻo đường đê Yên Phụ chạy qua Nghi Tàm, Tứ Liên, Nhật Tân với những vườn quất vàng óng, vườn đào thắm sắc uốn lượn quanh Hồ Tây. Nườm nượp xe cộ chở quất, đào, hoa, cây cảnh đón Tết đổ từ các ngả vào thành phố nhưng không ùn tắc, chen lấn trong khói bụi như bây giờ.

Nhà nào cũng làm nồi bánh chưng thật lớn để ăn qua rằm. Đôi khi mấy nhà luộc chung một nồi to bằng thùng phuy, thay nhau canh lửa đủ 12 tiếng. Các chị, các mẹ tỉ mẩn rửa lá dong, đãi gạo, đãi đỗ, ríu rít chuyện trò. Trong những gian bếp, xực lên mùi mứt gừng, mứt táo, măng khô ninh, thịt thủ xào để bó giò... Đây đó là tiếng pháo râm ran càng làm cho không khí ngày Xuân đủ đầy với âm thanh, mùi vị.

Nhớ ngày 30 cả nhà bận rộn từ sáng tới đêm, mỗi người một việc để lúc giao thừa ăn vận đâu ra đấy, quây quần bên mâm cỗ ăn nhẹ với rượu sâm-panh. Vẫn là những câu chuyện năm cũ–năm mới xen lẫn, vẫn những lời chúc yên vui–mạnh khỏe mà sao thiêng liêng đến vậy. Nhớ đêm 30 tiếng pháo ùng oàng khắp nơi làm đứa bé con là mình khi ấy khiếp hãi vô cùng, chỉ biết nằm im chùm kín chăn.

Gói bánh chưng

Rồi qua sáng Mùng Một, ngỡ ngàng trước sân nhà nhuộm hồng xác pháo hòa lẫn trong làn sương mỏng và mưa phùn lất phất. Pháo làm cho Hà Nội đẹp như bức họa mùa xuân đầy chất thơ. Mùi pháo, mùi hương trầm đủ làm người ta nao lòng. Trẻ con phải đợi đến khi có người xông đất thì mới được ùa ra, túm năm tụm ba khoe quần áo mới. Đường phố vắng lặng, chỉ có tiếng người bán muối văng vẳng trong cái rét cắt da cắt thịt. "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi, ai mua muối không..."

Ngày Mùng 2, cả nhà mới đi chúc Tết họ hàng, vào phố du xuân. Mùng 3, trên các con phố bắt đầu bập bùng lửa hóa vàng. Mùng 4, mùng 5 đi với bạn lên chùa cầu may, vào Văn Miếu, qua Phủ Tây Hồ, lượn Hồ Gươm...

…Những ngày Tết rồi cũng vèo qua. Cuộc sống hối hả lại cuốn ta vào những guồng quay vô tận để rồi lại mong được xum họp vào năm mới, để được ôn lại những ký ức tuổi thơ thật đẹp và ngọt ngào, những ký ức nuôi ta lớn lên, trưởng thành.

Tập hồ sơ