596 Rice soupe street

Phố Hàng Cháo

Rue Soupe de Riz

Phố Hàng Cháo dài 200m, rộng 8m, đi từ phố Nguyễn Thái Học (cạnh sân vận động Hàng Đẫy) đến phố Tôn Đức Thắng (CV Quốc Tử Giám). Nay thuộc: phường Cát Linh, Q. Đống Đa, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 2,3km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: 147 Nguyễn Thái Học (xe 18, 22A, 32, 34, 38, 50, CNG03), đầu phố Tôn Đức Thắng (02, 41, 49).

Lược sử

Phố Hàng Cháo dài 200m, rộng 8m, bắt đầu từ ngã năm Nguyễn Thái Học - Hùng Vương và kết thúc ở phố Tôn Đức Thắng. Thời Hậu Lê, nơi đây thuộc đất thôn Cổ Thành và đã có tên Hàng Cháo, có thể là do có các hàng bán cháo. Đến đầu thời Nguyễn, hai thôn Cổ Thành và Hậu Giám hợp nhất thành thôn Cổ Giám, thuộc tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương.

Thời xưa, dân làng Đông Lỗ, Kim Động, Hưng Yên ra Cổ Giám dựng xưởng sản xuất và bán các loại hương đen. Lúc ấy nơi đây được gọi là phố Hàng Hương. Thời Pháp thuộc, phố Hàng Hương từng được đặt tên là "Voie No 206" (đường số 206), sau đổi ra phố Phan Phù Tiên, rồi phố Bảng Nhãn Đôn. Từ năm 1947 tên phố Hàng Cháo được chính thức sử dụng.

Ngõ Hàng Cháo. Photo NCCong ©2017

Ngày nay trên phố Hàng Cháo không còn di tích văn hoá - lịch sử nào. Dân phố bày bán chủ yếu các loại sắt, thép và phụ liệu ngành điện, ngành xây dựng. Ngoài ra, có các cửa hàng bán đồ thể thao, máy cắt gọt kim loại, dụng cụ gia công khuôn mẫu, lưỡi cưa, kìm cắt, dụng cụ cầm tay, máy công cụ các loại và phụ tùng thay thế.

Ngõ Hàng Cháo

Ngõ Hàng Cháo rộng 5m, đi từ phố Nguyễn Thái Học rẽ vào khoảng 50m rồi chia đôi. Một nhánh rẽ sang phải theo cạnh phía Bắc của sân vận động Hàng Đẫy. Nhánh kia đi thẳng, cắt ngõ Hàng Bột rồi rẽ phải theo cạnh phía Nam của sân vận động. Cả hai nhánh đều đổ ra phố Trịnh Hoài Đức. Thời Pháp thuộc, ngõ này được gọi là "voie No 203" (đường số 203). Năm 1945, bác sĩ Trần Văn Lai thị trưởng Hà Nội đổi tên là phố Lê Như Hổ.[1]

Gánh cháo Hà Nội thời xưa. Bưu ảnh Pháp

Sân vận động Hàng Đẫy

Ban đầu sân được xây dựng khá nhỏ và do EDEP (École d’éducation physique - Trường thể dục Hà Nội) sử dụng từ năm 1934. EDEP năm 1936 được đổi tên thành SEPTO (Société d’éducation physique du Tonkin - Hội thể dục Bắc Kỳ). Năm 1957 sân Hàng Đẫy được xây lại lớn hơn nhiều và ngày 24-8-1958 đã chính thức ra đời với tường cao, 14 cửa nhỏ và 3 cửa lớn. Chính giữa là sân bóng đá, xung quanh có đường chạy điền kinh và sân bóng chuyền, bóng rổ... Khán đài xây theo hình lòng chảo có 20 bậc với khoảng 25.000 chỗ ngồi.

Năm 1964, khi xây dựng lại, phố Lê Như Hổ đổi tên là ngõ 141 Nguyễn Thái Học, trở thành con đường dẫn vào các cửa phía Đông và phía sau “gôn” của sân vận động Hàng Đẫy. Tháng 1 năm 2002, ngõ 141 Nguyễn Thái Học được chính thức đổi tên thành ngõ Hàng Cháo. Từ năm 2000 sân Hàng Đẫy được đổi tên thành sân vận động Hà Nội. Đến đầu năm 2018, tập đoàn T&T công bố kế hoạch đập bỏ và xây mới lại toàn bộ sân vận động Hà Nội với kinh phí khoảng hơn 7 ngàn tỷ đồng.

Sân vận động Hàng Đẫy

Di tích lân cận

©NCCông 2017-2020, Hang Chao (Rice soupe) street
[1] Lê Như Hổ (1511-1581) là một quan văn thời Mạc, người làng Vông, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ông có dáng vóc to lớn và ăn khỏe "như hổ", đỗ tiến sĩ năm 1541. Dưới thời Mạc Phúc Hải, ông từng đi sứ Trung Quốc, tài trí ứng đáp hơn người. Lê Như Hổ được phong tước hầu, hàm Thiếu bảo, sau thăng Tuấn quận công. Tương truyền khi đi sứ Trung Quốc, ông học được nghề làm ô dù và về sau người Việt xem ông là tổ sư của nghề này ở nước ta. Lúc mất, vua Minh sai sứ sang viếng và ban cho áo quan bằng đồng.

Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCông