599 Dam pagoda
Chùa Đăm (Hưng Khánh Tự)
q.Bắc Từ Liêmnhà Mạcsông NhuệChùa Đăm còn gọi chùa Thôn Trung, được lập năm 1541. Tên chữ: 興慶寺 Hưng Khánh Tự. Xếp hạng: di tích quốc gia (2000). Vị trí: số 8 Phố Đăm, 3P9J+GF, Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 17km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Đd THCS Tây Tựu.
Địa lý
Tây Tựu vốn là một xã thuần nông nghiệp ở ngoại thành Hà Nội, gồm 3 thôn, còn gọi là 3 miền: Thượng, Hạ, Trung. Xưa kia tên là xã Tây Đàm, về sau có bà Nguyễn Thị Tính là con gái dòng họ Nguyễn Hữu, làm Bát nội cung phi của vua Lê Thế Tông (1573–1600), do kỵ tên huý Duy Đàm của vua nên đổi thành Tây Đam, quen đọc Tây Đăm, dân gọi tắt là Đăm. Đến thế kỷ XIX lại kiêng tên Phúc Đảm của vua Minh Mạng (1820–1840) mà đổi tiếp thành Tây Tựu.
Xã Tây Tựu có 530ha diện tích tự nhiên và 26.970 nhân khẩu; địa giới phía bắc giáp hai xã Liên Mạc, Thượng Cát, phía đông và đông nam giáp hai xã Phú Minh, Xuân Phương, phía tây giáp xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) và xã Di Trạch (huyện Hoài Đức). Từ ngày 01-4-2014, xã Tây Tựu và một phần xã Xuân Phương đã sáp nhập thành phường Tây Tựu, thuộc quận Bắc Từ Liêm. Gần đây ta thường được nghe đến “làng hoa Tây Tựu” bởi vì ở đó có diện tích đất trồng hoa lớn nhất Hà Nội với hơn 300ha.
Lược sử
Du khách từ trung tâm thủ đô Hà Nội đi về phía tây theo đường quốc lộ QL32 đến ngã tư Nhổn rẽ tay phải đi 1,8km theo đường Tây Tựu tức DT70A sẽ tới ngã ba Phố Đăm cạnh khu chợ Đăm mới. Nếu tiếp tục rẽ tay phải rồi đi qua cổng làng chỉ chừng 200m về phía đông bắc thì sẽ thấy chùa Đăm hay còn gọi là chùa Thôn Trung, cổng mang biển số 8 Phố Đăm, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.
Chùa Đăm nằm trong một khuôn viên lớn ở ngay cạnh trụ sở UBND phường Tây Tựu, gần khu vực di tích đình và miếu làng Đăm. Theo tấm bia cổ nhất hiện còn thì chùa được lập vào năm 1541, ban đầu gọi là chùa Bảo Sở; trong khoảng từ năm 1541 đến 1590 đổi tên thành Hưng Khánh Tự. Chùa đã trải qua vài lần tu sửa trong thế kỷ XX và XXI, tuy vậy vẫn giữ được dáng vẻ của nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn.
- Chùa Đăm. Photo ©NCCong 2024
Chùa Đăm được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 06 QĐ/BVHTT ngày 13-4-2000 của Bộ Văn hóa và Thông tin. Ngày 3-12-2017 tại đây đã long trọng tổ chức Lễ đúc chuông do cơ sở đúc đồng của nghệ nhân Nguyễn Văn Sở, TP Huế thực hiện.
Kiến trúc
Tam quan chùa Hưng Khánh mở ra Phố Đăm. Phía sau cổng, ở góc sân bên trái là 4 tấm bia đá và khu nhà khách dưới tán lá cổ thụ. Du khách bước thẳng theo lối rộng sẽ đi qua một gác chuông nhỏ treo quả đại hồng chung và đến sân tiền đường.
Trùng tu chùa Đăm. Panorama ©NCCong 2019
Chùa chính quay mặt về phía tây nam nhìn ra tấm bình phong ở giữa bức tường dài. Tiền đường gồm 5 gian được xây theo kiểu tường hồi bít đốc và kết nối với thượng điện theo hình “chữ Đinh”.
Bên trái thượng điện có nhà Mẫu gồm 3 gian xây kiểu tường bít đốc. Nằm sát nhà Mẫu là nhà Tổ, bố trí theo dạng “chữ Nhị”, gồm 5 gian nhà ngoài và 5 gian nhà trong. Phía trước mặt nhà Tổ là lầu Quan Âm và xa hơn là ao chùa hình tròn khá to, mới xây tường đá bao quanh. Phía nam là khu nhà phụ, vườn cây và những tháp mộ của các vị sư trụ trì đã khuất bóng.
- Lầu Quan Âm chùa Đăm. Photo ©NCCong 2024
Di tích lân cận
- Chùa Đại Cát: phố Sùng Khang, phường Liên Mạc.
- Chùa Nhổn (Càn Phúc Tự): ngõ Tu Hoàng, phường Xuân Phương 1.
- Đình Đại Cát: phố Sùng Khang, phường Liên Mạc.
- Đình Tu Hoàng: ngõ Tu Hoàng, phường Xuân Phương 1.
- Đình Tây Tựu: phố Đăm, phường Tây Tựu.
- Miếu Thượng: phố Tây Đam, phường Tây Tựu.
599 Dam pagoda ©NCCông 2019-2024