6 Cho Gao (Rice Market) street
Phố Chợ Gạo
sông Tô LịchPhố Chợ Gạo gồm hai nhánh song song dài 75m cùng đi từ đường Trần Nhật Duật đến phố Đào Duy Từ. Nhánh trên nối với phố Nguyễn Văn Siêu, nhánh dưới giáp đầu phố Đông Thái. Nay thuộc: phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 2 km (hướng 12 h). Trạm bus lân cận: 80 Trần Nhật Duật, hoặc 373 Hồng Hà.
Lược sử
Cho đến cuối thế kỷ XIX ở mạn bắc và mạn đông thành Hà Nội vẫn có sông Tô Lịch chảy qua. Thời ấy vùng ven ngã ba sông Tô nối với sông Hồng thuộc địa phận của giáp Giang Nguyên, thuộc thôn Hương Nghĩa, tổng Tả Túc (sau đổi là tổng Phúc Lâm), huyện Thọ Xương cũ đã tụ tập nông dân và các nhà buôn hàng hoá chuyên chở bằng thuyền. Di tích đình làng Hương Nghĩa nay vẫn còn.
Do sông Hồng chuyển dòng về phía Gia Lâm và bồi đắp bên bờ phía tây nên cửa sông Tô Lịch dần dần bị lấp cạn. Bản đồ thành phố Hà Nội vẽ năm 1890 còn cho thấy đoạn sông Tô Lịch này, trước khi nó bị san phẳng hoàn toàn. Tại chỗ đấy và xung quanh nó đã nhanh chóng mọc lên những con phố kiểu mới, có vỉa hè, cống rãnh với cây xanh, vòi nước máy và đèn đường.
- Nhánh trên Chợ Gạo. Photo ©NCCong 2015
Không xa bờ bắc của đoạn đầu khúc sông lấp, chính quyền Pháp đã cho xây từ năm 1898 đến 1902 một chiếc cầu xe lửa bắc qua sông Hồng và đặt tên "Pont Doumer", dân Việt gọi là "cầu Long Biên". Chiếc cầu sắt này về sau bị bom Mỹ phá huỷ một phần nhưng vẫn cứ đứng sừng sững như một chứng tích lịch sử thế kỷ XX của Hà Nội.
Phía bờ nam có một bãi đất trống rộng hình chữ nhật được người Pháp gọi là Place du Commerce ("Quảng trường Thương mại"). Nơi đó tập trung đông đảo những người buôn bán ngũ cốc do thuyền các nơi chở đến đậu ở ngoài bến sông Hồng. Xung quanh sông lấp vốn có nhiều hộ dân Hoa kiều làm các nghề như cân đong và xay xát gạo, xuất cảng gạo, cho nên vùng này nhanh chóng trở thành nơi sầm uất.
- Trường Trần Nhật Duật ©NCCong 2013
Chợ Gạo
Tại Place du Commerce đã nhanh chóng mọc lên một cái chợ chuyên doanh về gạo thóc, có tên Pháp “Marché de la rue du Riz” (tức “Chợ phố Gạo”), Cầu chợ khá rộng, không có tường, mái lợp tôn. Cả hai nhánh phố ngắn ở hai mặt bắc và nam của chợ đều được dân ta gọi chung là "Phố Chợ Gạo". Cái tên này đã được thị trưởng Trần Văn Lai cho chính thức hoá vào năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp.
Chợ Gạo có cả những người lao động nghèo khổ tìm đến để dựa vào đó mà sinh sống. Đông nhất trong số họ là phu xe và thợ bốc vác do thời đó còn ít thứ cơ giới hoá và điện khí hoá. Tại vị trí đầu nhánh phía bắc của phố có một khu nhà lớn mang tên trường tiểu học Trần Nhật Duật, thời trước từng được gọi là trường Ke. Đó là vì trường này giáp với phố Trần Nhật Duật, tên thời Pháp là “Quai Clémenceau” nhưng dân ta thường gọi tắt là “Ke” (một thời còn mang tên “đường Bờ Sông”).
- Góc phố Đào Duy Từ ©2015 NCCong
Tại cuối nhánh trên của phố Chợ Gạo, gần ngã tư Đào Duy Từ—Nguyễn Văn Siêu vẫn còn ngôi đình và đền Hương Nghĩa (cổng cũ ở số 13b phố Đào Duy Từ), về sau mới lập thêm điện thờ Mẫu. Bên trong đình thờ vợ chồng người em của thần nỏ Cao Lỗ là Cao Tứ - tướng phụ trách thủy quân của An Dương Vương Thục Phán.
Dãy nhà ở cuối nhánh dưới của phố Chợ Gạo vốn là một kho ngũ cốc lớn, mặt phía tây quay ra phố Đào Duy Từ, nơi sau này tụ tập nhiều cửa hàng buôn bán gạo, bột mì. Bên cạnh lại có ngân hàng, club giải trí và các quán ăn uống bình dân. Đầu phía đông nhánh dưới thì giáp ngã ba phố Đông Thái. Đất ở đây nay thuộc về phường Hàng Buồm, cái tên gợi nhớ tới những con thuyền xưa trước khi bến sông bị bồi lấp.
- Ngã ba Đông Thái - Chợ Gạo ©NCCong 2013
Panorama
- Ngã ba Chợ Gạo—Trần Nhật Duật. Panorama ©NCCong 2011
- Ngã ba Đào Duy Từ—Chợ Gạo. Panorama ©NCCong 2014
- Ngã tư Nguyễn Văn Siêu—Chợ Gạo. Panorama ©NCCong 2014
Di tích lân cận
- Đền Bạch Mã: ngã phố Hàng Giầy - Hàng Buồm.
- Đền Cổ Lương: ngõ 28 phố Nguyễn Văn Siêu.
- Đền, đình Hương Tượng: ngã phố Lương Ngọc Quyến - Mã Mây.
- Đền Hương Nghĩa: ngã phố Đào Duy Từ - Chợ Gạo.
- Đền Tiên Hạ: ngõ Phất Lộc.
- Ô Quan Chưởng: ngã phố Đào Duy Từ—Hàng Chiếu—Thanh Hà.
6 pho Cho Gao ©NCCông 2011-2015