600 Mieu Thuong temple

Miếu Thượng (Tây Đăm)

q.Bắc Từ Liêmsông Nhuệhuyền sử

Miếu Thượng hay miếu Tây Đăm có từ thế kỷ XVIII. Thờ: Bạch Hạc Tam Giang đại vương. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: phố Tây Đam, 3PFH+W6, Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 18 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: CS2 Trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội.)

Địa lý

Tây Tựu vốn là một xã nông nghiệp, xưa kia tên là Tây Đàm, sau do kỵ tên huý Duy Đàm của vua Lê Thế Tông phải đổi thành Tây Đam, dân quen gọi là Tây Đăm. Sau kiêng tên Phúc Đảm của vua Minh Mạng (1820–1840) phải đổi tiếp thành Tây Tựu. Năm 2014, xã trở thành phường Tây Tựu, thuộc quận Bắc Từ Liêm. Hiện tại làng có diện tích đất trồng hoa lớn nhất Hà Nội với hơn 300ha.

Du khách từ trung tâm thủ đô Hà Nội đi về phía tây theo đường quốc lộ QL32 đến ngã tư Nhổn rẽ tay phải đi 2,7km theo đường Tây Tựu tức DT70A sẽ tới ngã ba phố Tây Đam ở trước Cầu Đăm và thấy ngay ở bên tay phải là miếu Thượng hay còn gọi miếu Tây Đăm.

Mặt trước miếu Thượng ©NCCong 2019

Lược sử

Miếu Thượng và đình làng Đăm đều thờ Đức thánh Tam Giang tức Thổ lệnh thống quốc đại vương Đào Trường, theo truyền thuyết là một vị tướng đã giúp vua Hùng thứ 18 đánh giặc ngoại xâm. Đền thờ chính ở ngã ba Bạch Hạc (Phú Thọ).

Nhiều triều đại cũ đã ban sắc phong ngài làm thành hoàng làng Tây Tựu. Hiện còn lưu được 5 đạo sắc của các đời Cảnh Hưng (3 đạo), Chiêu Thống (1) và Quang Trung (1). Riêng trong thế kỷ XIX, ngôi miếu đã trải qua các đợt mở rộng quy mô (1927), trùng tu (1935), rồi bị đốt phá (1947) và xây lại mới (1952) nhưng vẫn giữ được khá nhiều đồ tế khí và tư liệu lịch sử gồm đủ loại như: ngọc phả, bi ký, hoành phi, câu đối.

Chính điện miếu Thượng ©NCCong 2019

Kiến trúc

Miếu tọa lạc trên một khởnh đất rộng hơn 1000 m2 cạnh nhà văn hoá thôn Thượng và giáp với con phố Tây Đam chạy dọc theo bờ nam sông Pheo. Cổng miếu nhìn về phía bắc, trước mặt có bến nước được xây theo kiểu bậc thềm rồng và nằm dưới tán cây to. Tam quan rộng khoảng 7 m, cửa chính xây kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, hai cửa phụ xây đơn giản kiểu 4 mái lợp ngói giả.

Du khách bước qua cửa phụ vào sân sẽ thấy toà tiền tế ở trước mặt. Hai bên là dãy tả, hữu mạc; mỗi dãy dài 12 m, sâu 4,5 m và chia thành 5 gian. Tại hữu mạc có một gian để làm trụ sở của ban Quản lý di tích xã và một gian để cất giữ cỗ kiệu Thánh. Tiền tế rộng 7 m kết nối theo hình chữ Đinh với hậu cung sâu 2 gian và rộng 4 m. Phía sau là lối đi hẹp và khu phụ.

Sân miếu Thượng ©NCCong 2019

Di sản

Năm 2018, Tây Tựu vinh dự đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cấp cho Lễ hội bơi Đăm. Cứ 5 năm một lần, cả 3 thôn Đăm cùng nhau tổ chức cuộc đua thuyền vào hai ngày 10 và 11 tháng Ba âm lịch, sau ngày lễ chính hội mồng 9.

Làng Tây Tựu có lệ mở hội với nghi thức tế lễ ở đình Đăm và cáo yết ở miếu Thượng. Hội bơi Đăm tiến hành trên một nhánh cụt của sông Nhuệ dài chừng 1km, gọi là sông Pheo. Sau nghi lễ trình Thánh là cuộc đua thuyền, đội nào thắng sẽ được rước chở ngai Thánh trên đoạn đường từ Thủy tạ về miếu Thượng dài gần 1 km.

Cầu sông Pheo ©NCCong 2015

Ngày 18-3-1993, Miếu Thượng được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

600 Mieu Thuong ©NCCông 2019-2024