604 Lake temple

Miếu Đầm

q.Nam Từ LiêmLê trung hưngsông Nhuệ

Miếu Đầm còn gọi miếu Đức Thánh Đầm, có từ thời Lê. Thờ: Đông Hải Đại Vương, tức Ông Hoàng Ba hay Ông Cụt. Lễ hội: 18 tháng 2 âl. Xếp hạng: Di tích thành phố (2014). Vị trí: 2Q4M+7R, phố Miếu Đầm, P. Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 11 km (hướng 8 h). Trạm bus lân cận: Đd số 42 đường Miếu Đầm (xe 22a, 33), Ngã 3 Miếu Đầm - ĐL Thăng Long (87, 107)

Lược sử

Xưa kia, ngoài cánh đồng làng Mễ Trì có một cái đầm rộng tới 40 mẫu, dân gọi là đồng Đầm. Ruộng quanh đầm thường để cấy lúa tám xoan, chỗ sâu thì trồng sen. Gạo tám xoan Mễ Trì là một đặc sản nổi tiếng từng dùng để tiến vua và đã đi vào câu ca dao: Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì / Tương Bần, húng Láng, còn gì ngon hơn.

Trong sách Địa chí vùng ven Thăng Long, Đỗ Thỉnh viết rằng ngay sát bờ đầm phía bắc có một cái lăng lộ thiên, thờ Ông Cụt. Tương truyền Ngài là con thứ ba của vị thủy thần ở đầm, lên bờ hoá ra cậu học trò đi chơi, bị lạc không tìm ra đường nhưng lại được một bà già trong làng nhận làm con nuôi. Một hôm, bà chợt về nhà thấy cậu hiện nguyên hình dưới lốt rắn, bà sợ quá ngất đi rồi tắt thở. Rắn có hiếu với mẹ nuôi, mới nấn ná ở lại nên bị đánh cụt đuôi, phải trở về đầm. Về sau, mỗi khi gặp hạn hán nặng dân làng cầu mưa thường được thần hiển linh phù hộ. Mọi người lập miếu thờ thần và thờ cả bà mẹ nuôi ở ven hồ, tôn thần làm Đức Thánh Đầm, còn gọi là ông Hoàng Ba hay Ông Cụt.

Nhà bia Miếu Đầm. Photo ©NCCong 2020

Kể từ đó miếu đã được các đời vua chúa ban cho 18 sắc phong thần.

Sang thế kỷ XXI, lăng ông Hoàng Ba được bảo tồn và tôn tạo thành một ngôi miếu lộ thiên khi nhà nước xây dựng Trung tâm hội nghị quốc gia. Miếu thờ hiện nằm trên một khu đất rộng ở giữa công viên rợp bóng cây cổ thụ và xung quanh là mặt nước trong xanh của con đầm cũ.

Trong miếu không có tượng thần hay tượng Phật. Ban thờ chính mới đây được che bằng bạt, mặt hướng ra hồ nước qua một sân lát gạch và 4 trụ biểu ngoài cổng. Tuy vậy theo lệ truyền từ thời xưa thì phụ nữ có thai không được phép vào bên trong miếu.

Ngõ vào Miếu Đầm và Hotel Marriott. Photo ©NCCong 2020

Lối vào miếu ông Hoàng Ba hiện nay nằm cạnh cổng số 5 của Trung tâm hội nghị quốc gia và khách sạn quốc tế JW Marriott, địa chỉ tại số phố Miếu Đầm, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Con ngõ đi từ mặt phố vào miếu dài khoảng 100m. Nơi đây xưa vốn là địa phận thôn Mễ Trì, tên chữ Anh Sơn, tên Nôm là Kẻ Mẩy, thuộc xã Mễ Trì, tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm.

Đền Đức Thánh Mẫu

Đối diện miếu Đức Thánh Đầm, tại số nhà 38 phố Miếu Đầm còn có ngôi đền Đức Thánh Mẫu, mới được tách ra để thờ riêng bà mẹ. Tương truyền trong đền Đức Thánh Mẫu có một cái giếng cổ sinh ra khi bà già nhận thần làm con nuôi. Về sau, xây xong ngôi miếu Đức Thánh Đầm thì mấy ông già trong làng nảy sinh lòng tham, tranh nhau chức thủ từ. Một đêm, trời đổ mưa xối xả, sấm chớp đùng đùng. Hôm sau người dân ra thắp hương bỗng thấy trống trơn, ngôi miếu biến mất không còn dấu vết.

Cổng Miếu Đầm trong bán đảo. Photo ©NCCong 2020

Rồi trời nắng to gây hạn, giếng sâu cũng trở nên khô cạn. Trai làng đến nạo vét bùn giếng để mạch nước thoát lên thì phát hiện ở dưới đáy chính là ngôi miếu ngoài đầm từng biến mất. Một người con trai họ Ngô phát hiện chiếc chuông ẩn sâu trong bùn, liền dùng thanh gỗ đánh ba nhịp. Chẳng ngờ anh này lăn đùng ra chết; tự nhiên nước giếng đầy ăm ắp trở lại. Từ đấy, cả làng Mễ Trì đông đúc nhưng vẫn dùng chung chiếc giếng này và nước không bao giờ vơi cạn.

Để tưởng nhớ công ơn Đức Thánh Đầm, hàng năm vào ngày 18 tháng Hai âm lịch, dân làng tổ chức lễ cúng linh đình tại khuôn viên miếu. Ngoài ra, cứ 5 năm một lần, dân 2 làng Mễ Trì Thượng và Mễ Trì Hạ thay phiên nhau tổ chức lễ rước kiệu, đi qua nhiều đường phố trong khu vực. Năm chẵn thì làng Thượng chủ trì việc rước kiệu, năm lẻ thì làng Hạ.

Lăng Đức Thánh Đầm. Photo ©NCCong 2020

Di tích lân cận

(604 mieu Dam ©NCCông 2019-2024)