605 Hoa Ma temple and community hall
Đền và đình Hòa Mã
q.Hai Bà TrưngLê trung hưngĐền, đình Hòa Mã có từ thế kỷ XVIII. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1986). Vị trí: số 3 Phùng Khắc Khoan, 2V83+73, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam Cách Ga Hà Nội: 2 km (hướng 4 h). Trạm bus lân cận: 32 Nguyễn Công Trứ (xe 23), 83a Trần Xuân Soạn (30), 149 Phố Huế (08, 31, 35a, 36, 38, 52, CNG03)
Lược sử
Đền, đình và chùa Hòa Mã chung nhau cổng và ngõ tại số 3 phố Phùng Khắc Khoan, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng. Thời Lê, nơi này thuộc địa phận thôn Đổi Mã, phủ Phụng Thiên, thành Thăng Long. Năm 1831 vua Minh Mệnh thay tên Đổi Mã bằng Hòa Mã, thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Theo truyền thuyết, tên Đổi Mã xưa kia xuất phát từ việc mùa xuân vua Lê trên đường đi tế trời tại đàn Nam Giao (ở khoảng Vincom Center Ba Trieu bây giờ) tới thôn này thì thay y phục trước khi vào làm lễ. Các cụ già sở tại kể rằng trên gò Kim Quy ở đây từng có cung Đổi Mã, điện Canh Y (đổi áo).
- Cổng đền, đình, chùa Hòa Mã. Photo ©NCCong 2015
Đền Hòa Mã còn gọi là Lưu Ly Điện và Tiên Thiên Từ. Trong đền nay thờ công chúa Liễu Hạnh cùng Tam toà Thánh Mẫu. Đình và đền được xây dựng cùng lúc sau khi thành lập thôn. Theo tài liệu tại đình, thành hoàng làng là một vị hoạn quan trông coi điện Canh Y của triều Lê, được tôn vinh là “Tiền triều thái giám quốc công”.
Nội dung bài văn ghi trên tấm bia ở sau chùa cho biết đình và đền Đổi Mã do ông Năm họ Đào xây dựng lên. Có thuyết cho rằng đó là con trai thứ 5 của vị chủ giáo phường Thăng Long - người đã có công chiêu nạp các ca xướng lập ra làng này. Đào Duy Từ (1572-1634) là con ngài nên không được đi thi theo quy chế triều Lê-Trịnh, bèn trốn vào Đàng Trong và trở thành công thần bậc nhất của chúa Nguyễn. Theo thuyết khác thì đình và đền Đổi Mã được xây dựng vào đời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1788) bởi vì đạo sắc phong sớm nhất hiện còn ở đình ghi rõ niên đại Cảnh Thịnh thứ nhất (1793) thời Tây Sơn.
- Cổng đền Hòa Mã. Photo ©NCCong 2015
Ngày 12-12-1986 đền và đình Hòa Mã đã được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia tại quyết định số 235-VH-QĐ của Bộ Văn hóa - Thông tin.
Kiến trúc
Đền, đình [và chùa] Hòa Mã được xây dựng như một quần thể kiến trúc hoàn chỉnh, cùng nằm trên một gò đất thấp nhưng khá rộng. Chùa toạ lạc ở chính giữa, đình ở bên hữu và đền ở bên tả. Ngày 28-1-2010 đã khởi công đại trùng tu ngôi đình với kiến trúc vẫn giữ gần như nguyên theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Đền Hòa Mã đã qua nhiều đợt trùng tu, lần sửa lớn nhất vào năm 1935 (có niên đại “Đại Nam Bảo Đại Ất Mùi niên” vẫn còn ghi trên thượng lương của toà tiền tế). Về sau vào cuối thế kỷ XX, ngôi đền được xây tách biệt ra với bốn bức tường quây và một cổng nhỏ mở ra hướng tây, trên đắp cuốn thư với 4 chữ Hán "Hòa Mã Linh Từ", dưới có đề tên "ĐỀN HÒA MÃ" bằng chữ Quốc ngữ.
- Trong đền Hòa Mã. PPhoto ©NCCong 2015
Ngôi đền được xây theo kiểu "chữ Công", gồm hai dãy nhà ngang và một ống muống. Mái đền lợp ngói ta, trên bờ nóc có đắp lưỡng long chầu nguyệt với thân gầy nhỏ, vẩy đao to và dáng vẻ dữ tợn như hình rồng thời Nguyễn. Những mảng chạm sâu hình hoa lá, tứ linh, tứ quí là những đề tài phổ biến cũng của thời kỳ này.
Phía trước là động Sơn Trang. Tượng Đức Thánh Trần đặt chính giữa ban Công Đồng. Bức hoành phi treo bên ngoài đề 4 chữ Hán "Linh Thông Hiển Hóa", phía sau có đề 4 chữ Hán khác là "Diệu Hóa Trang Vi". Hai bên đặt Ban thờ Chầu bản Đền và Ban thờ Chầu đệ Tam. Pho tượng Mẫu Thượng Ngàn ngồi ở giữa, xung quanh có 12 tiên cô, tay cầm những nhạc cụ dân gian cổ truyền. Lại có 6 pho tượng các “Cậu”, kẻ cưỡi ngựa, người đi bộ, tay cầm những đồ lễ phục vụ sinh hoạt của Mẫu Thượng Ngàn. Toàn bộ y phục của nhóm tượng này đều là mầu xanh thẫm.
Bên cạnh động Sơn Trang có 2 tháp gạch hình trụ để thờ Trời Đất. Tháp xây 3 tầng, 8 mặt, tầng dưới cùng mở cửa tò vò, chỉ về bốn hướng nam - bắc - đông - tây. Tam tòa Thánh Mẫu ngự ở nơi sâu nhất và trang trọng nhất của đền. Trong khám kính lớn được chạm khắc tỉ mỉ có đặt tượng bà công chúa Liễu Hạnh với 2 nàng tiên nữ theo hầu là Thị Nương, Quế Nương.
- Hoành phi đền Hòa Mã. Photo ©NCCong 2015
Di sản
Đền, đình Hòa Mã đến nay vẫn giữ được khá nguyên vẹn các hiện vật và sắc phong. Đáng chú ý là một quả chuông bằng đồng đúc vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1844), trên thân chuông có ghi rõ 4 chữ “Thiên Tiên điện chung” (chuông điện Thiên Tiên). Ngoài ra còn có bộ sập thờ chân quỳ chạm trổ tứ linh, choé sứ, độc bình... Các vua nhà Nguyễn cho đến Đồng Khánh 2 (1887) rồi Khải Định 9 (1924) đã ban cho vị thành hoàng làng này tổng cộng 12 đạo sắc phong. Tại đây, nhân dân sở tại thường mở hội một năm hai lần vào ngày 15 tháng Giêng và mồng 8 tháng Tư âm lịch.
.
Di tích lân cận
- Chùa Chân Tiên: số 151 phố Bà Triệu.
- Chùa Đức Viên: số 4 phố Trần Xuân Soạn.
- Chùa Hàm Long: ngõ 18 Hàm Long.
- Chùa Hoà Mã: số 3 phố Phùng Khắc Khoan.
- Chùa Tổ Ông: ngõ 95B phố Lò Đúc.
- Chùa Viên Minh: số 12 phố Hương Viên.
- Đền, đình Đông Hạ: số 30 ngõ Huế.
- Đền Đồng Nhân: số 12 phố Hương Viên.
©NCCông 2015, Hoa Ma temple and community hall