609 Gia Lam pagoda
Chùa Gia Lâm (Diên Phúc Tự)
h.Gia LâmLê trung hưngsông ĐuốngChùa làng Gia Lâm có từ thế kỷ XVIII. Tên chữ: Diên Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1994). Vị trí: 3225+5C, xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 21km (hướng 3h). Trạm bus lân cận: bến cuối trên quốc lộ QL17 (xe 52a) đi tiếp 3km về phía bắc.
Lược sử
Xã Lệ Chi nằm ở nam sông Đuống; phía tây và phía tây nam giáp xã Kim Sơn; phía đông nam và phía đông giáp xã Xuân Lâm, Chí Quả, Đình Tổ thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; phía tây bắc giáp xã Trung Mầu; phía bắc giáp xã Tri Phương, thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Vào thế kỷ XVIII, nơi đây vốn là tổng Cổ Biện, sau đổi tên thành tổng Cổ Giang, thuộc huyện Gia Lâm, Bắc Ninh.
Xã Lệ Chi hiện có diện tích tự nhiên 810 ha, dân số trên 11 nghìn người, gồm 2286 hộ của 6 thôn (Sen Hồ, Kim Hồ, Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm, Cổ Giang) và một cụm dân cư là Nông trường Toàn Thắng. Chùa thôn Gia Lâm toạ lạc bên cạnh đình, quy mô cả hai vốn rộng rãi theo lời kể của dân làng. Chùa có từ thời Lê trung hưng, tên chữ “Diên Phúc Tự”, thường gọi là chùa Dưới để phân biệt với chùa Trên, tên chữ “Khánh Lâm Tự”.
- Cổng chùa Diên Phúc Tự. Photo NCCong ©2017
Năm 1994, chùa đã được xếp hạng Di tích lịch sử, - kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Xưa kia gần cổng chùa có một ao sen, phía trước chùa khoảng trăm bước có một giếng nước cổ, dân gọi là giếng thần. Tháng 9-2019 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm đã tổ chức mời thầu cho “Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Diên Phúc, xã Lệ Chi”. Hiện nay cổng tam quan đồ sộ mở ra đoạn đầu của con đường dẫn vào làng. Sau cổng có hai dãy nhà tả hữu vu 5 gian nhìn nhau qua một sân gạch khá rộng. Ngôi chùa chính nằm ở giữa và được dựng trên nền cao, mặt nhìn về hướng nam vốn là đồng lúa.
Toà tiền đường gồm ba gian hai dĩ nối với hậu cung hai gian thành hình “chữ Đinh”. Kết cấu làm theo kiểu vì chồng giường lối cổ. Phần chạm khắc trang trí trên kiến trúc gỗ tập trung vào các bức cốn ở gian giữa và phần nối giữa tiền đường và hậu cung. Những mảng chạm hoa văn có hình hoa lá cách điệu. Hậu cung là một nếp nhà hai gian, nơi bài trí các bức tượng Phật và Thập Điện Diêm Vương.
- Sân chùa Diên Phúc Tự. Photo NCCong ©2017
Di vật
Trải qua bao thế kỷ, đến nay ngôi chùa Diên Phúc Tự vẫn giữ khá nguyên vẹn các mảng trang trí và cổ vật. Hệ thống tượng Phật giáo gồm đầy đủ các pho như ở các chùa khác trong vùng theo môn phái Bắc tông, nhưng tại đây còn có một số nét riêng.
Tại ban thờ chính điện, bên trái có pho tượng Phật, hai tay vòng lên đùi, cổ đeo vòng kim tòng, chân trái để lộ. Pho ở giữa có bàn tay trái kết ấn trước ngực, ngồi kiết già hàng ma, để lộ bàn chân phải. Pho bên phải giơ tay phải lên, tay trái úp trên lòng đùi. Nét mặt ba pho tượng khác nhau, thể hiện nội tâm riêng biệt của từng vị Phật.
Pho tượng Quan Âm chuẩn đề cao 98 cm, đôi tay chính chắp trước ngực, mười hai tay khác toả đều sang hai bên. Đặc biệt còn có pho tượng Bà Giàn, một vị nữ thần nông nghiệp trong hệ thống thờ tứ pháp gồm Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Giàn, Bà Tướng. Bởi vậy mà từ xưa chùa Diên Phúc Tự còn được gọi là đền thờ Đức Thánh Bà.
- Khánh thành trùng tu chùa Gia Lâm ngày 10.01.2021
Ngoài ra trong chùa hiện nay còn lưu giữ những di vật quý như quả chuông đồng “Diên Phúc Tự Chung” được đúc ngày tốt tháng 2 niên hiệu Minh Mệnh (1836) do Nhiên Học Lê Văn Trác viết chữ. Bia “Hậu Phật Bi Ký” dựng ngày 1 tháng 8 niên hiệu Khải Định thứ 5 (1920), 05 pho tượng gỗ và nhiều đồ thờ có giá trị như bát nhang, độc bình, mâm đồng cổ….
Di tích lân cận
- Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh): thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành.
- Chùa Hương Hải Thiền: thôn Chi Đông, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm.
- Chùa Keo (Báo Ân Trùng Nghiêm Tự): thôn Giao Tự, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm.
- Đình, nghè Kim Sơn: thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm.
- Đình Gia Lâm: thôn Gia Lâm, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm.
- Đình Giao Tự: thôn Giao Tự, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm.
©NCCông 2017, Gia Lam pagoda