617 Pagoda of Chem village

Chùa Chèm (Hàm Long Tự)

q.Bắc Từ LiêmLê trung hưngsông Nhuệ

Chùa Chèm có từ thời Lê trung hưng. Tên chữ: Hàm Long Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: 3QQC+WQ, số 102 ngõ 351 Thụy Phương, P. Thụy Phương, Q. Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 13km (hướng 11h). Trạm bus lân cận: Ngã ba Đông Ngạc—Thụy Phương (xe 31)

Địa lý

Theo các bô lão thì làng Chèm là tên nôm của thôn Thụy Điềm, sau đổi là Thụy Hương, rồi Thụy Phương, xưa kia thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Có thuyết khác cho rằng phải viết “Trèm” mới đúng vì trong tiếng Việt cổ “Trèm” phát âm như “T’lem”, viết bằng chữ Hán là “Từ Liêm”, tạo nên tên huyện Từ Liêm khi được thành lập năm 621 dưới thời Bắc thuộc.

Cổng chùa Chèm nhìn từ trong. Photo NCCong ©2019

Nội dung bài minh khắc trên quả chuông đồng đúc năm 948, hiện còn ở làng Đông Ngạc bên cạnh, cho biết hồi đó thuộc thời nhà Ngô (939-965, thủ phủ là Cổ Loa, chỉ cách làng Vẽ 17km) thì đã có thôn Thượng Từ Liêm tức làng Trèm, và thôn Hạ Từ Liêm, sau này chia thành hai làng Đông Ngạc và Nhật Tảo.

- Sân trước chùa Chèm. Panorama ©NCCong 2019

Lược sử

Chùa Chèm tên chữ là Hàm Long Tự, nay thuộc địa phận phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Chùa có từ thời Lê trung hưng, vào khoảng thế kỷ XVII.

Vườn tượng chùa Chèm. Photo NCCong ©2019

Theo văn bia có niên đại Vĩnh Trị thứ 12 (năm 1688) cụ đồ Nguyễn Đinh Ban, tên chữ Pháp Trung, cùng vợ là Nguyễn Thị Gái, hiệu Từ Minh, người xã Thụy Phương, đã hưng công làm các toà tiền đường, thượng điện, thiêu hương nội và ngoại, hậu đường, gác chuông, hành lang bên tả, bên hữu, hai tòa tam quan nội, ngoại, 13 pho tượng và một chuông đồng… Về sau thấy chùa còn chưa được đẹp, ông bà đã bỏ tiền nhà ra mua sắm gỗ lim, chọn tìm thợ giỏi xây dựng lại các công trình…

Tiền đường chùa Chèm. Photo NCCong ©2019

Ngày 29-1-1993 chùa Chèm đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Chùa Chèm đã trải qua trùng tu vào đầu thế kỷ XXI, có xây thêm một toà tháp lớn và vườn tượng ở bên dưới. Tuy nhiên bố cục và cấu trúc của các công trình cũ vẫn được giữ khá nguyên vẹn. Tam quan mang biển số 102 mở ra ngõ 351 phố Thụy Phương, 3 cổng mới xây đều cao 3 tầng, đắp ngói giả.

Phía sau tam quan là một sân gạch rộng, bên trái là ao chùa và vườn tượng với toà bảo tháp cao 12 tầng, trước mặt là toà tam bảo, bên phải là dãy nhà giải vũ, hành lang và nhà Mẫu thấp thoáng dưới những cây cổ thụ trong một khuôn viên rộng có tường bao quanh.

Toà tam bảo nhìn về phía tây nam, gồm hai nếp nhà song song cách nhau một sân nhỏ và được bố cục thành hình "chữ Nhị". Nếp nhà ngoài gồm 5 gian mặt bằng để trống với 6 hàng cột, đỡ các vì kèo chồng giường. Nếp nhà trong kết nối với thiêu hương và hậu cung thành hình chuôi vồ. Nhà ngoài và nhà trong được làm theo kiểu chồng diêm gồm 2 tầng 8 mái. Mái thượng lợp bằng ngói mũi hài, các cốn nách đều được chạm khắc khá công phu. Hai bên thiêu hương là hai hành lang cùng hậu đường vây lấy sân sau.

Tam bảo chùa Chèm. Photo NCCong ©2019

Di vật

Trong chùa Chèm có bài trí một hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông đầy đủ, bao gồm hơn 30 pho bằng gỗ và đất sét, được làm vào những thời kỳ khác nhau. Theo ý kiến chuyên gia thì trong đó các bộ tượng Di Đà Tam Tôn, Thế Tôn, Quan Âm Chuẩn Đề, Ca Diếp là những tác phẩm cổ có từ thời Lê trung hưng.

Đa số các bức tượng trong chùa mang đậm phong cách nghệ thuật điêu khắc của thế kỷ XVIII, XIX và XX. Một số pho tượng thực sự là những tác phẩm mỹ thuật hoàn hảo. Ngoài ra nhà chùa còn lưu giữ được nhiều đồ thờ có giá trị cao về mặt lịch sử.

Di tích lân cận

  • Chùa Vẽ: ngõ 163 Đông Ngạc, phường Thụy Phương.
  • Đền Hoàng: ngõ 36 Liên Mạc, phường Liên Mạc.
  • Đình Chèm: 301 phố Thụy Phương, phường Thụy Phương.
  • Đình Hoàng Xá: ngõ 15 Liên Mạc, phường Liên Mạc.
  • Đình Nhật Tảo: 521 An Dương Vương, phường Nhật Tảo.
  • Đình Vẽ: 37 Đông Ngạc, phường Thụy Phương.

©NCCông 2019-2020, Chem pagoda