Đình Khúc Thủy
Đình Khúc Thủy có từ thời Hậu Lê. Thờ thành hoàng: Trần Thông - tướng của Giản Định Đế. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1991). Vị trí: WQGR+PC, thôn Khúc Thủy, xã Cự Khê, H. Thanh Oai, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 16km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: KĐT Thanh Hà (xe 85, 103a, 103b).
Lược sử
Đình Khúc Thủy thờ thành hoàng là Trần Thông, vốn là con nhà dòng dõi của các danh tướng nhà Trần. Ngài từ nhỏ đã nối tiếng giỏi cả thi thơ lẫn võ nghệ nên năm 15 tuổi được tuyển vào triều đình. Tiếp theo, vua Trần Thiếu Đế phong ngài làm Nội các Chưởng ấn sử kiêm Thị nội vệ quân. Rồi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, vua nhà Minh bèn mượn cớ sai quân sang xâm lược, đánh bại nhà Hồ và chiếm đóng cả nước ta. Trần Thông về quê ngày đêm tính mưu lập kế trừ họa.
- Cổng đình Khúc Thủy. Photo NCCong ©2020
Sau đó Trần Ngỗi, con thứ của Trần Nghệ Tông, đứng lên khởi nghĩa và tự xưng là Giản Định Đế vào ngày 2 tháng Mười năm Đinh Hợi (tức 1-11-1407 dương lịch) rồi truyền hịch chống giặc đi khắp nơi. Khi biết tin, Trần Thông bèn chiêu mộ hơn 500 binh sỹ từ quanh làng Khúc Thuỷ để gia nhập nghĩa quân của Giản Định Đế. Vua phong ông làm Đốc lĩnh bình Nhung kiêm Tả hữu vệ quân.
Tiếp đó Giản Định Đế cùng Trần Thông tiến vào Thanh Hoá và giành chiến thắng lớn ở Giao Thuỷ. Sau trận Bô Cô, do vua tôi mâu thuẫn dẫn đến chia sẻ lực lượng nên cuộc khởi nghĩa bị đàn áp. Trần Thông lui về Khúc Thuỷ lấy phong hoá làm cốt yếu, xây dựng làng ngày một giàu mạnh hơn. Sau khi mất, ngài được dân thờ và triều nhà Lê ban sắc phong làm thành hoàng.
- Trong đại đình Khúc Thủy. Photo NCCong ©2020
Hằng năm, vào ngày Rằm tháng Hai âm lịch, nhân dân Khúc Thuỷ và chính quyền địa phương thường xuyên mở hội lớn, tổ chức lễ rước kiệu để tưởng nhớ công ơn của Đức thành hoàng Trần Thông.
Đình [và chùa] làng Khúc Thủy đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật quốc gia từ năm 1991.
Kiến trúc và di sản
Khúc Thủy là một ngôi làng nhỏ bé, du khách đi bộ theo con đường ven hữu ngạn sông Nhuệ chỉ chừng vài trăm bước là hết địa phận. Nhiều ngôi nhà, cổng và tường bao ở Khúc Thủy được xây khá cầu kỳ nhưng lại thuần Việt, không bị lai tạp với kiến trúc Pháp như của những gia đình khá giả tại làng Cự Đà ở phía bắc.
- Tiền tế đình Khúc Thủy. Photo NCCong ©2020
Cách cổng làng Khúc Thủy vài chục bước là chiếc giếng cổ bên đình làng dưới hàng cổ thụ với mấy cây muỗm, cây gạo và cây đa in bóng xuống dòng sông. Ngôi đình được xây dựng trên mặt bằng theo mô hình "nội Công, ngoại Quốc", một kiểu kiến trúc lớn và rất phổ biến dưới thời Nguyễn. Cổng đình là một tam quan với tầng trên làm gác chuông, nối liền với tiền tế, đại bái và hậu cung. Hai bên là hành lang và phía sau là hậu đường với nhà bia.
Đại đình có hệ thống vì kèo gỗ phức tạp, câu đầu chồng rường, tiền kẻ hậu bẩy, vừa tạo được kết cấu chịu lực lớn, vừa mang lại dáng cong cong ở hai đầu nóc. Những mảng điêu khắc của đình rất phong phú về đề tài và có tính mỹ thuật cao. Các nghệ nhân đương thời đã tạo ra những tác phẩm sống động với kỹ thuật chạm lộng tinh xảo và những đề tài truyền thống như tứ linh (long, ly, quy, phượng) và hoa văn trang trí.
- Tường hồi đình Khúc Thủy. Photo NCCong ©2020
Trong đình còn lưu giữ một tấm bảng gỗ sơn đề 4 chữ Hán "Mỹ tục khả phong" đã được triều đình nhà Nguyễn tặng do làng có công chống giặc ngoại xâm. Làng này về sau lại được ban sắc thưởng biển ngạch "Khúc Thủy nghĩa dân" do có 20 người đã hy sinh dũng cảm trong một cuộc chiến chống thổ phỉ.
Danh nhân
- Đào Nam Kiệt đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn năm 1472.
- Đào Công Thích đỗ Hoàng giáp năm 1484.
- Chạm khắc ở đình Khúc Thủy. Photo NCCong ©2020
Di tích lân cận
- Chùa Bảo Tháp: làng Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai.
- Chùa Linh Xá: làng Hữu Thanh Oai, xã Hữu Hòa.
- Chùa Cự Đà: làng Cự Đà, xã Cự Khê.
- Chùa Nhân Hòa: làng Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai.
- Đình Hoa Xá, Minh Ngự Lâu: làng Tó Tả, xã Tả Thanh Oai.
- Đình Phú Diễn (Hữu Hòa): làng Phú Diễn, xã Hữu Hòa.
©NCCông 2015-2020, Khuc Thuy community hall