Chùa Mậu Lương Thượng (Đại Bi Tự)

Chùa Mậu Lương Thượng có từ thế kỷ XVIII. Tên chữ: Đại Bi Tự. Xếp hạng: di tích quốc gia (1988). Vị trí: XQ6Q+52, ngõ Đa Sĩ, P. Kiến Hưng, Q. Hà Đông, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 13km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Trường Tiểu học Kiến Hưng (xe 105), Miếu làng Mậu Lương (22b).
Địa lý
Ngày 15.6.1949, trong kháng chiến chống Pháp, xã Kiến Hưng được thành lập, gồm 3 ngôi làng cổ ven dòng sông Nhuệ là Hà Trì, Đa Sĩ, Mậu Lương, thuộc về huyện Thanh Trì. Tháng 4.1955, thôn Hà Trì tách ra và hợp với thôn Cầu Đơ của xã Văn Khê để lập thành xã Hà Cầu thuộc thị xã Hà Đông. Ngày 17.5.1961, xã Kiến Hưng được chuyển về huyện Thanh Oai và đến ngày 15.9.1969 cũng sáp nhập vào thị xã Hà Đông. Ngày 27.12.2006, xã Kiến Hưng thuộc thành phố Hà Đông mới thành lập.
- Ngõ chùa Mậu Lương
Ngày 8.5.2009 xã Kiến Hưng đã trở thành phường Kiến Hưng, thuộc quận Hà Đông, TP Hà Nội. Diện tích phường là 4,24 km², dân số năm 2009 đạt 11.390 người. Hiện nay trên địa phận phường có 4 cụm di tích được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá quốc gia, bao gồm: đình, chùa và miếu Đa Sĩ, chùa và miếu Mậu Lương, nhà thờ họ Hoàng và nhà thờ họ Trịnh. Du khách đi theo phố Phúc La qua cầu Kiến Hưng rẽ phải vào phố Đa Sĩ, đến khu chợ giáp hồ đình rẽ vào ngõ đầu tiên bên phải sẽ thấy cổng chùa đề tên Đại Bi Tự.
Lược sử
Chùa thôn Mậu Lương Thượng được lập từ thời Lê, toạ lạc ở ven bờ nam sông Nhuệ, phía đông lăng Thái y Hoàng Đôn Hoà. Chùa còn được biết đến như tổ đình Đại Khánh và là một trong những địa điểm hàng năm tổ chức các khoá an cư kiết hạ. Năm 1988 chùa Đại Bi đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
- Trong chùa Mậu Lương
Kiến trúc
Trải qua nhiều lần trùng tu ngôi chùa hiện tại mang dáng vẻ kiến trúc thời Nguyễn trong một khuôn viên rộng hơn 2.000m2. Các hạng mục lớn đã được xây lại vào đầu thế kỷ XXI nên dấu tích cổ xưa gần như không còn. Tổng thể mặt bằng xây dựng có hình “chữ Chi”, từ ngoài vào trong bao gồm: tam quan, lầu Quan Âm, chùa chính, đền thờ, nhà tế, nhà khách, hậu đường, vườn tháp.
Di vật
Chùa vẫn giữ được một số hoa văn cổ đặc trưng như bức phù điêu trên tấm bia đá ghi niên đại Cảnh Hưng và đề tên "Đại Bi tự bi lục". Trán bia phía trước chạm rồng theo kiểu nghệ thuật thời Mạc, quanh rồng điểm xuyết các hạt tròn nổi cùng những cụm mây. Trán bia phía sau có chạm hình phượng chầu mặt trăng, hình thức phóng khoáng mang nét dân dã: cánh phượng như cánh chim, cánh gà bình thường, tượng trưng cho sự phồn thực.
- Dự kiết hạ tại chùa Mậu Lương
Trong chùa Đại Bi còn có 35 pho tượng cổ theo Phật giáo Bắc tông, phần lớn được làm bằng đất luyện rồi sơn son thếp vàng, có niên đại sớm nhất là vào thế kỷ XVII. Hệ thống tượng tròn này được bài trí thành 5 lớp bệ xây thấp dần kể từ lưng thượng điện. Đáng chú ý là lớp thứ hai với 3 pho tượng Đại Thế Chí, A Di Đà, Quán Thế Âm bồ tát, rồi lớp thứ ba với 3 pho Thích Ca niêm hoa vi tiếu và 2 đại đồ đệ A Nan, Ca Diếp.
Di tích lân cận
- Chùa Đa Sĩ: XQ6P+JC, số 27 Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, Hà Đông.
- Chùa Hà Trì: XQ8M+99, ngõ Hà Trì 1, phường Hà Cầu.
- Đình Cầu Đơ: XQCG+58, số 85 phố Quang Trung, phường Quang Trung.
- Đình Đa Sĩ: XQ6P+5H, đường Đa Sĩ, phường Kiến Hưng.
- Đình Hà Trì: XQ8M+FC, ngõ Hà Trì 1, phường Hà Cầu.
- Miếu Mậu Lương: XQ5Q+VF số 1 phố Mậu Lương, phường Kiến Hưng.
©NCCông 2018-2021, Mau Luong Thuong pagoda