629 Thinh Thon temple

Đền Thịnh Thôn

h.Ba VìHai Bà Trưngsông Đáy

Đền Thịnh Thôn có từ thời Lê. Thờ: Bà Man Thiện - mẹ Hai Bà Trưng. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: 5F9C+X7, Thịnh Thôn, xã Cam Thượng, H. Ba Vì, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 48km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Đd Cây xăng Hoàng Long - Cam Thượng trên QL32 (xe 20b, 70, 70b, 77, 89, 92)

Lược sử

Khu vực Ba Vì và quanh đó là một trong những địa bàn sinh tụ của cư dân cổ Việt. Hiện nay tại đây đã tìm thấy các chứng tích khảo cổ học như: Gò Hện ở Vạn Thắng, gò Mão Sơn với các công cụ thuộc thời đại đồ đá mới của Văn hóa Hòa Bình.

Theo truyền thuyết, bà Man Thiện thuộc dòng dõi các vua Hùng, có sách chép rõ tên bà là Trần Thị Đoan, quê làng Nam Nguyễn, Ba Vì. Bà sang sông lấy ông Hùng Định, quê làng Hạ Lôi và là Lạc tướng ở Mê Linh (nay thuộc Hà Nội). Họ sinh ra hai con gái Trưng Trắc và Trưng Nhị. Góa chồng từ khi còn trẻ, bà Man Thiện đã nuôi con khôn lớn, dạy võ nghệ và chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa chống ách cai trị của nhà Đông Hán.

Cổng đền Thịnh Thôn. Photo NCCong ©2018

Năm 40, chồng Trưng Trắc bị giết, hai chị em đứng lên kêu gọi các tộc trưởng chiêu tập quân sĩ đánh đuổi thái thú Tô Định, giải phóng 65 huyện thuộc vùng Lĩnh Nam. Trưng Trắc lên ngôi vua, bà Man Thiện được tôn là Man Hoàng hậu và trở về quê.

Năm 43, Hán Quang Vũ cử danh tướng Mã Viện đem quân sang đánh Hai Bà Trưng. Tuy tuổi đã già, bà Man Thiện vẫn chỉ huy căn cứ Nam Nguyễn cho đến trận đánh cuối cùng vào ngày 10 tháng chạp âm lịch và hy sinh.

Theo truyền thuyết dân gian và bản thần phả do quan Hàn lâm Đông các Đại học sỹ Nguyễn Bính soạn vào ngày lành tháng ba năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), xác bà Man Thiện sau khi tử trận đã trôi về địa phận làng Thịnh Thôn (nay thuộc xã Cam Thượng, huyện Ba Vì), dân làng đem chôn tại cánh đồng, rồi sau lập một đền thờ.

Sân đền Thịnh Thôn. Photo ©NCCong 2018

Kiến trúc và di vật

Trải qua bao thế kỷ, ngôi đền đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, một trong các dấu tích trùng tu là dòng chữ Hán "Tự Đức nhị thập ngũ niên" (1872). Đầu thế kỷ XXI đền lại được đại tu. Cổng mới xây theo kiểu nghi môn với 4 trụ biểu và 2 cổng bên dẫn khách vào sân đền. Đền chính có mặt bằng xây dựng hình chuôi vồ, bao gồm đại bái 3 gian và hậu cung.

Đại bái có kết cấu theo kiểu "kèo kẻ giá chiêng" và được trang trí giản dị: đầu dư chạm khắc kiểu đốt trúc, các kẻ bẩy, con rường... với họa tiết lá lật. Nếp nhà này chỉ xây bít đốc, không bịt tường hậu và có chức năng gần như cổng Đại Trung Môn ở Văn Miếu Hà Nội.

Trên cửa hậu cung có ba chữ Hán lớn "Tối linh từ" (Đền rất thiêng), dưới bức đại tự có hai bức cốn chạm nổi hình chim phượng đăng đối chầu vào hậu cung. Trong hậu cung có long ngai, bài vị và 9 đạo sắc phong Quốc mẫu.

Hậu cung đền Thịnh Thôn. Photo ©NCCong 2018

Năm 1992 đền Thịnh Thôn đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.

Di tích lân cận

629 Thinh Thon temple ©NCCông 2020