630 Trung Tu village

Làng Trung Tự

hồ đầmq.Đống Đathôn làng

Làng Trung Tự xưa thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, Thăng Long. Đình, chùa làng có từ thời Lê, được xếp hạng di tích quốc gia năm 1992. Vị trí chùa: số 46 phố Đê La Thành, 2R7P+69, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 2km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Đd 242 Xã Đàn, hoặc 358 Lê Duẩn và 101A2 TT Trung Tự.

Địa lý

Trên bản đồ thời thuộc Pháp, làng Trung Tự phía đông giáp làng Kim Liên, phía tây giáp làng Nam Đồng và Khương Thượng, phía nam giáp làng Phương Liệt, phía bắc giáp làng Trung Phụng. Đất thổ cư của làng gồm hai phần nằm cách nhau gần 1km, dân sở tại thường gọi thôn Trung Tự là “làng trên” và trại Cam Đường là “xóm trại”. Đến nay trong quá trình đô thị hoá, phần “làng trên” thuộc về hai phường Phương Liên và Trung Tự, còn phần “xóm trại” thuộc về phường Kim Liên.

Trong nửa cuối thế kỷ XX, tại cánh đồng ở giữa những ngôi làng nói trên đã mọc lên các dãy chung cư của 4 khu tập thể Kim Liên, Nam Đồng, Trung Tự và Khương Thượng, đều thuộc quận Đống Đa, TP Hà Nội. Giai đoạn xây dựng ban đầu đã diễn ra trong thời kỳ Không quân Mỹ ném bom miền Bắc, không may đã xảy ra việc một số mồ mả cũ bị thất lạc hài cốt hoặc nhầm lẫn bia mộ khi di dời về hai nghĩa trang Thanh Tước và Bất Bạt.

Cổng làng Trung Tự. Ảnh ©NCCong 2020

Lược sử

Vào thế kỷ XV, nhiều người dân của thôn Đông Tác đã đi cùng quan quân nhà Lê từ xứ Thanh lên kinh đô Thăng Long lập nghiệp, mang theo tên làng cũ. Năm 1947, xã Đông Thọ thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa được thành lập trên cơ sở các làng cổ Thọ Hạc, Quán Dò, Đông Tác. Nay trong thành phố Thanh Hoá vẫn có tên đường Đông Tác và phường Đông Thọ.

Đầu thế kỷ XIX, tiến sĩ Nguyễn Văn Lý người làng Đông Tác Hà Nội từng có mấy năm làm Án sát tỉnh Phú Yên. Tên Đông Tác được đặt cho một làng chài có bến cá, nay thuộc Phường 6, thành phố Tuy Hoà, thủ phủ tỉnh Phú Yên. Cạnh làng đó về sau mọc lên phi cảng Đông Tác ở toạ độ 13°03′ N, 109°20′ E, trước 1975 từng được xếp hạng thứ hai của miền Trung, chỉ sau sân bay Chu Lai.

Sân đình Trung Tự. Photo ©NCCong 2015

Đông Tác cũng là tên một thôn chài khác (toạ độ 20°41’ N, 106°42’ E), nay thuộc xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy. Thôn này nằm ở phía tây nam thị xã Đồ Sơn, ngay phía bên trái cửa sông Văn Úc. Phía bắc thôn lại có sân bay quốc tế Cát Bi, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 5km. Lại nói thêm rằng Kiến Thụy xưa kia từng là Dương Kinh của nhà Mạc (thế kỷ XVI), và bên kia sông là cảng Đò Mè, được nhiều bản đồ hàng hải đương thời của Phương Tây ghi tên như cảng Domea của Đàng Ngoài (thế kỷ XVII—XVIII).

Một trong các phường của Kinh đô thời Lê là phường Đông Tác nằm ở ven bờ hồ Khang Thủy, từng có cảnh đẹp và diện tích lớn chỉ sau hồ Tây. Nhân dân phường này sống rải rác ở các xóm nhỏ trải dài từ Cửa Nam xuống tận phía nam con đê La Thành, nơi hiện là khu chung cư cạnh các phố Đông Tác, Đặng Văn Ngữ, và Phạm Ngọc Thạch. Năm 1831 triều đình Minh Mạng bỏ phường Đông Tác, lập tổng Tả Nghiêm, thuộc huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.

Trong đình Trung Tự. Ảnh ©NCCong 2015

Trải qua biết bao đổi thay suốt 6 thế kỷ, ngoài khu tập thể Trung Tự hoặc sân bay, cây cầu và phố Đông Tác đều có tên trên bản đồ GoogleMaps, cả hai địa danh này còn ghi dấu cho đến mai sau với hai di tích quốc gia: chùa Phúc Longđình Trung Tự.

Danh nhân

Từ xưa dân nơi đây có truyền thống hiếu học và nhiều người đỗ đạt, thường làm nghề giáo. Trong đó có thể điểm tên mấy vị nổi tiếng của gia tộc Nguyễn Đông Tác:

  • Nguyễn Hy Quang (1634-1692), Giải nguyên khoa Đinh Dậu 1657 và khoa Sĩ Vọng năm 1670, tác giả "Quân thần luận"... và sư gia của Tấn Quang Vương Trịnh Bính. Sau được thờ làm phúc thần trong đình Trung Tự.
  • Nguyễn Trù (1668—1738), Hoàng giáp khoa Đinh Sửu 1697. Từng làm Đốc trấn Cao Bằng và Tế tửu Quốc tử giám, người chú thích, hiệu đính và cho in "Sách học đề cương", “Truyền kỳ lục”, "Quần hiền phú tập", soạn và dựng bia "Đông Tác phường Trung Tự thôn địa giới kiệt"...
  • Nguyễn Văn Lý (1795—1868), tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1832). Từng làm Đốc học Bắc Ninh và Hưng Yên, Án sát Phú Yên, mở trường Chí Đình đào tạo nhiều danh sĩ Hà Nội, tham gia lập Văn hội Thọ Xương và đền Ngọc Sơn, để lại rất nhiều tác phẩm văn thơ, bi ký...
  • Nguyễn Hữu Cầu (1879—1946), cử nhân khoa Bính Ngọ (1906), một trong các chí sĩ Đông Kinh nghĩa thục bị thực dân Pháp đày đi Côn Đảo.
  • Cư sĩ Thiều Chửu (1902—1954), thế danh Nguyễn Hữu Kha. Lập Nhà in Đuốc Tuệ, tác giả “Hán Việt tự điển” và rất nhiều sách báo Phật giáo.
Tam bảo chùa Trung Tự. Photo ©NCCong 2014

Di tích lân cận

630 Trung Tu village ©NCCông 2014-2019